Hình thức mua bán dữ liệu, tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi: Chuyên gia chỉ rủi ro nguy hiểm

Khải Phạm Thứ hai, ngày 14/08/2023 07:16 AM (GMT+7)
Không chỉ trên Facebook, các hội nhóm mua bán đã chuyển sang các nhóm kín ở Zalo, Telegram để trao đổi mua bán dữ liệu, tài khoản ngân hàng...
Bình luận 0

Thêm "chiêu trò" mua bán dữ liệu mới ở Việt Nam

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 8/2023 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), nhiều vấn đề đã được quan tâm. Đặc biệt, việc mua bán dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn trước.

Hình thức mua bán dữ liệu, tài khoản ngân hàng biến tấu, chuyên gia chỉ rủi ro nguy hiểm - Ảnh 1.

Bà Đỗ Hải Anh - Phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin. Ảnh Bộ TT&TT.

Theo bà Đỗ Hải Anh - Phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trước đây, dữ liệu được mua bán trên các nền tảng mạng xã hội ở các nhóm kín. Chỉ những thành viên trong các nhóm đó phê duyệt mới đủ điều kiện tham gia, dữ liệu được mua bán với số lượng lớn. 

Thời gian gầy đây, việc này đã có nhiều thay đổi khi các đối tượng mua bán dữ liệu sử dụng chủ yếu trên Telegram, phổ biến hơn và mua bán với số lượng nhỏ, công khai gây ra những nguy cơ mới cho người dân.

Nhận xét về khả năng bảo mật thông tin, Phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin cho rằng, người dân cũng như doanh nghiệp vẫn còn khá hạn chế nên thông tin dễ dàng bị các hacker đánh cắp.

Đặc biệt, đối tượng bị đánh cắp thông tin dữ liệu nhiều nhất hiện nay là người già, trẻ em, những đối tượng vẫn dễ bị lừa về bảo mật thông tin dữ liệu.

Hiện nay, công tác quản lý dữ liệu, gia tăng tính bảo mật của các Tập đoàn, công ty lớn còn hạn chế. 

Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, trên cả nước hiện nay mới có khoảng 3.600 nhân sự làm trong lĩnh vực an toàn thông tin. Con số trên chỉ đáp ứng 1/10 so với nhu cầu thực tế để đảm bảo an toàn an ninh mạng hiện nay.

Bà Hải Anh cũng cho biết, ngoài khó khăn về nhân sự, việc thu thập dữ liệu, bảo vệ, lưu trữ dữ liệu của người dân chưa đảm bảo dẫn đến tình trạng dễ bị khai thác, tấn công từ các đối tượng xấu.

Hiện nay, khi cần lên Telegram, người dùng có nhu cầu mua bán bất cứ loại dữ liệu nào, tài khoản ngân hàng... đều có thể dễ dàng truy cập vào các hội nhóm mà không cần phê duyệt. Thành viên trong các hội nhóm mua bán này cũng đã lên đến vài nghìn thành viên.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro và biện pháp của cơ quan chức năng

Chia sẻ với Dân Việt, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, hiện trạng mua bán dữ liệu ngày càng dễ dàng, phức tạp và tinh vi hơn.

Hình thức mua bán dữ liệu, tài khoản ngân hàng biến tấu, chuyên gia chỉ rủi ro nguy hiểm - Ảnh 2.

Mua bán dữ liệu cá nhân trên Telegram. Ảnh Khải Phạm.

"Việc mua bán dữ liệu dễ dàng khiến cho các hoạt động lừa đảo ngày càng nhiều hơn, vì các đối tượng có thể hiểu rõ thêm về mục tiêu nạn nhân, nhằm mục đích tạo niềm tin và dẫn dụ chiếm đoạt tài sản", ông Hiếu PC nói.

Ngoài việc bị đánh cắp dữ liệu, dễ dàng bị chiếm đoạt tài sản thì người dân còn vướng vào nhiều rủi ro mà họ chưa thể lường trước được hậu quả.

"Chưa kể nạn nhân có thể bị vướng vào các khoản vay tín dụng đen, bị giả mạo danh tính, và bị bôi nhọ danh dự", ông Hiếu nói thêm.

Trước những nguy cơ mà người dùng có thể gặp phải do việc bị lừa đảo, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay, chuyên gia Hiếu PC đưa ra giải pháp.

Người dân cần phải nâng cao nhận thức, đổi mật khẩu thường xuyên, và đặt mã 2 bước cho các tài khoản trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ bị lừa đảo, mất dữ liệu, người dân nên tham khảo trang web dauhieuluadao.com để có thể cập nhật kiến thức về 3 bước phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng

"Cơ quan chức năng cũng đang có 1 số kênh để cảnh báo như canhbao.ncsc.gov.vn và tinnhiemmang.vn để người dân có thể cập nhật kiến thức, và kiểm tra những đường link giả mạo, độc hại, lừa đảo", ông Hiếu nói.

Về phía cơ quan chức năng, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, đơn vị đang triển khai các biện kỹ thuật, pháp quản lý nhằm bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân.

Hiện Cục An toàn thông tin cũng hướng dẫn các biện pháp bảo vệ người dân dữ liệu cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin chứa dữ liệu cá nhân.

Các đơn vị chuyên thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân cũng được Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra, thanh tra để đưa ra các giải pháp ngăn chặn, xử lý số lượng lớn thông tin cá nhân mạng xã hội, doanh nghiệp viễn thông, bưu chính, các nền tảng số nhiều người dùng.

Bộ TT&TT vẫn tiếp tục triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng, tại địa chỉ tinnhiemmang.vn nhằm đánh giá, nhận diện trang web lừa đảo trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Từ việc đễ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Bộ TT&TT cũng yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân. Những thông tin cá nhân khi được chia sẻ cần cân nhắc và phải đảm bảo đơn vị thu thập là tổ chức uy tín. Gia tăng tính bảo mật các tài khoản trên không gian mạng, tài khoản nên có tính bảo mật 2 lớp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem