Nhiều KOL đang tiếp tay cho vấn nạn hàng giả mạng xã hội

Thanh Tùng Chủ nhật, ngày 13/08/2023 18:50 PM (GMT+7)
Trên các nền tảng mạng xã hội, việc các KOL nổi tiếng tham gia bán hàng online là điều không hiếm gặp. Thực tế, nhiều KOL này đang tiếp tay cho vấn nạn hàng giả trên mạng xã hội khi họ trực tiếp bán hoặc quảng cáo các mặt hàng kém chất lượng.
Bình luận 0

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Portsmouth, nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) đang tiếp tay cho hàng giả. Khảo sát hơn 2.000 người tại Anh, nhóm nhận thấy cứ năm người thường xuyên tham gia mạng xã hội sẽ có một người mua phải hàng giả do KOL giới thiệu.

Sự quyến rũ của KOL đặc biệt thu hút người trẻ và nam giới. Người tiêu dùng ở độ tuổi 16-33 có tỷ lệ mua hàng giả cao gấp ba lần nhóm 34-60 tuổi. Xét trên cả hai giới, 66% số người mua hàng giả từ KOL dưới 33 tuổi, trong đó 70% là nam giới.

"Đừng để bị lừa bởi KOL", tiến sĩ David Shepherd, tác giả nghiên cứu, nói.

Theo giáo sư - đồng tác giả Mark Button, thương mại điện tử đang giúp KOL có trong tay thứ quyền lực mới. Người dùng có xu hướng mua sắm dựa theo đánh giá từ bên thứ ba. Vì vậy, họ đặt niềm tin vào KOL và không nhận thức được rủi ro. Nhiều KOL tự xây dựng hình ảnh như chuyên gia trong lĩnh vực nhất định, tạo cảm giác mang tính chuyên môn cho người xem. Kết quả là 92% người sử dụng mạng xã hội tin tưởng KOL hơn phương pháp quảng cáo truyền thống.

Nhiều KOL đang tiếp tay cho vấn nạn hàng giả mạng xã hội - Ảnh 1.

Một KOL nổi tiếng từngbị nghi bán hàng nhái kém chất lượng. Ảnh chụp màn hình TikTok TNL.

Trong khi đó, các thương hiệu cũng thích quảng cáo sản phẩm qua người có tầm ảnh hưởng. Hình thức tiếp thị qua KOL đã trở thành ngành công nghiệp trị giá 16 tỷ USD với 18.900 công ty tham gia trên toàn cầu. Một thống kê của công ty nghiên cứu thị trường TopKlout cho thấy gần 20% người xem qua livestream sẽ mua sản phẩm. Tuy nhiên, phương thức quảng cáo này cũng tồn tại nhược điểm. Vì người hâm mộ đặt niềm tin quá lớn vào KOL, họ sẽ cảm thấy phẫn nộ nếu phát hiện sự gian dối.

Không chỉ châu Âu, tình trạng người buôn hàng giả móc nối với các KOL trên mạng diễn ra ở nhiều nơi. Cuối 2020, Amazon, nền tảng thương mại thương mại điện tử lớn nhất thế giới, đã kiện hai KOL Kelly Fitzpatrick và Sabrina Kelly-Krejci vì bán hàng giả. Những người này tận dụng kẽ hở của hệ thống để quảng bá và phân phối phụ kiện thời trang nhái nhãn hiệu nổi tiếng thông qua mạng xã hội Instagram.

Đại diện Amazon cho biết công ty tiêu tốn nửa tỷ USD mỗi năm để đối phó với các vụ tương tự. Trường hợp của Fitzpatrick và Kelly-Krejci là lời cảnh báo đến những cá nhân đang lợi dụng sức ảnh hưởng nhằm đưa hàng giả tới tay người tiêu dùng.

Theo Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO), các loại hàng giả như đồ điện tử, quần áo gây thiệt hại cho khối này 60 tỷ USD và 434.000 người mất việc mỗi năm. Nhiều người lấy lý do giá chính hãng quá cao để biện minh cho hành vi mua hàng giả. 17% người mua hàng giả nghĩ hành động này không gây hại cho doanh nghiệp, 29% đánh giá hàng giả an toàn để sử dụng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem