Thời của cổ phiếu công nghệ?

Phong Bình Thứ ba, ngày 21/05/2024 07:00 AM (GMT+7)
Cổ phiếu FPT của ông Trương Gia Bình liên tục chinh phục định giá mới trong lịch sử hoạt động đã đưa vốn hoá của doanh nghiệp tăng cao. Các cổ phiếu công nghệ khác cũng đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi nhiều mã trong ngành bật tăng từ tháng 4, đẩy mặt bằng giá lên cao.
Bình luận 0

Hàng loạt cổ phiếu công nghệ xác lập mặt bằng giá mới

Trong khi VN-Index sau nhiều phiên biến động mạnh, chỉ số chỉ tăng 1,53% so với hồi đầu tháng 3 thì việc nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu công nghệ đã là một chiến thắng lớn so với thị trường.

Với vị thế doanh nghiệp lớn đầu ngành lâu năm trong ngành công nghệ, giai đoạn vừa qua cổ phiếu FPT liên tục "thăng hoa" nhờ thông tin hợp tác với đại gia công nghệ NVIDIA trong cơn sốt công nghệ AI.

Cùng với đó, FPT cũng công bố lợi nhuận cao kỷ lục trong quý 1/2024 vừa qua với lợi nhuận sau thuế đạt 2.160 tỷ đồng - mức lãi lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, khối công nghệ đóng góp đến 60% doanh thu và 45% lợi nhuận. Cuối tháng 4, đầu tháng 5, FPT liên tục chinh phục những mức đỉnh giá mới trong lịch sử hoạt động, đưa vốn hóa của doanh nghiệp này tăng nhanh. Hiện với vốn hóa trên 168.000 tỷ, FPT đã nằm trong top 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất.

Mới đây, FPT cũng vừa cho biết sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu thưởng, thời gian thực hiện không muộn hơn quý 3/2024. Và trong quý 2, FPT cũng sẽ chi trả nốt cổ tức bằng tiền mặt còn lại năm 2023 là 10%. FPT hiện còn nằm trong danh sách bán vốn đợt 2/2024 của SCIC. Hiện SCIC còn nắm hơn 5,8% vốn của FPT, trị giá 635 tỷ đồng.

Ở mảng viễn thông, trên UPCoM, cổ phiếu VGI của CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cũng tăng phi mã với mức tăng 171% so với hồi đầu tháng 3 vừa qua, đưa thị giá của VGI lên đỉnh cao mới. Tính đến hết ngày 20/5, VGI đã tăng liên tiếp 7 phiên, đà tăng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện thị giá của VGI đạt đỉnh ở mốc 92.600 đồng/cổ phiếu. Cũng nhờ đó, vốn hóa của VGI đã vượt qua ngưỡng 281.000 tỷ đồng, chỉ còn kém BID và VCB.

Năm 2024, VGI dự tính trình lên kế hoạch lợi nhuận 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2023. Quý 1 vừa qua, VGI cũng đã công bố lợi nhuận ấn tượng với 2.479 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là quý có lợi nhuận khủng nhất từ trước đến nay của VGI.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành cũng đạt kết quả kinh doanh tích cực, cùng với sóng cổ phiếu công nghệ đã đưa thị giá cổ phiếu có chuỗi tăng ấn tượng từ đầu tháng 3 đến nay. Giá trị ELC tăng 19,9%, CTR tăng 24%, FOX tăng trên 35%, CMG cũng tăng tới 43%, những mức sinh lời mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn.

Thời của cổ phiếu công nghệ?- Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trong hơn 2 tháng qua

Triển vọng tích cực, tiếp nối đà tăng năm 2023

Trên thực tế, sự tăng trưởng của cổ phiếu ngành công nghệ đã được nhiều chuyên gia phân tích dự báo từ trước. Đây cũng là ngành được đặt kỳ vọng lớn trong năm 2024 này.

Trước đó, năm 2023, các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin và viễn thông đã tăng 41%, vượt trội hơn chỉ số VN-Index nhờ hưởng lợi từ P/E của các công ty công nghệ trên thế giới cao hơn và diễn biến trái chiều của lãi suất Việt Nam so với xu hướng lãi suất thế giới, SSI phân tích. Đến năm 2024, công nghệ thông tin tiếp tục là một trong những ngành được các chuyên gia phân tích đánh giá khả quan.

Theo Gartner, việc mức chi tiêu cho công nghệ thông tin chững lại trong năm 2023 cho thấy mức chi tiêu công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024. Theo dự báo của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin trong 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5,1 nghìn tỷ USD. Sự tăng lên này đến từ kỳ vọng vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hóa. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13,8% và 10,4%.

Công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc KBSV đầu năm nay đã đưa ra kỳ vọng lớn vào mức tăng trưởng của thị trường châu Á - Thái Bình Dương bởi tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế với dân số trẻ, nhanh nhạy công nghệ cùng các chính sách hỗ trợ thức đẩy đầu tư công nghệ và chuyển đổi số ở khu vực này.

Theo đánh giá của KBSV, tại Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam còn lớn vì dư địa nhiều cho phát triển. Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng. Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 1,04 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ mức 561 triệu USD vào năm 2022 và đạt tốc độ tăng trưởng kép là 10,7%. Trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, tương lai của 5G và luật nội địa hóa dữ liệu.

Công ty chứng khoán SSI cũng đặt nhiều kỳ vọng vào các doanh nghiệp lớn đầu ngành khi hưởng lợi từ các triển vọng tích cực trong năm nay như FPT vẫn đang có định giá hấp dẫn với lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ mảng CNTT nước ngoài và giáo dục. Nhu cầu về trung tâm dữ liệu sẽ là một động lực tăng trưởng doanh thu của FPT. Còn CTR là công ty niêm yết duy nhất được hưởng lợi từ việc tăng phạm vi phủ sóng 3G/4G và tiềm năng thương mại hóa 5G trong năm 2024, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tăng giá cho CTR.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem