Nạn doanh nghiệp "sân sau", "sân trước"

Đào Tuấn Thứ tư, ngày 24/04/2024 08:00 AM (GMT+7)
Phúc Sơn, Thuận An hay trước đó là những Việt Á, AIC… và không ít tập đoàn, doanh nghiệp khác nữa mà chúng ta chưa (không) biết, đã trúng thầu bằng cạnh tranh bình đẳng hay vì một lý do nào khác? Có là "sân sau" của ai không? Đó là câu hỏi cần được trả lời một cách rõ ràng, sòng phẳng.
Bình luận 0

Trong vụ án tham ô tài sản, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức có một chi tiết cười không nổi mà khóc cũng không xong. Bị cáo Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm) khai được Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân chỉ đạo lập 4 công ty chỉ để mua bán vật tư y tế vào Bệnh viện Thủ Đức.

Đại ý khi các hãng sản xuất chào hàng vật tư, thiết bị y tế, một trong số 4 công ty sẽ đứng tên mua, rồi bán lòng vòng cho các công ty còn lại để nâng khống giá lên từ 30 - 50%. Rồi khi nộp hồ sơ thầu vào Bệnh viện Thủ Đức, 3 công ty trong nhóm này sẽ tham gia theo cách "1 hồ sơ tốt hơn hẳn 2 hồ sơ còn lại".

Bị cáo Lợi khai quen biết ông Quân đơn giản là vì trước đây bị cáo có mở tiệm rửa xe, ông Quân là một khách hàng thường xuyên. Làm nghề rửa xe nhưng số phận bắt làm giám đốc, Lợi bỗng dưng sở hữu tới tận 4 công ty.

Chuyện này chúng ta đã gặp tương tự ở đâu đó, từ lâu rồi. Nghe quen lắm. Chuyện đấy, nói một cách dân dã, chính là "sân sau".

Thuật ngữ "sân sau" không biết đã xuất hiện từ bao giờ, nhưng giờ đây, nó không chỉ là từ ngữ kiểu "dân gian" nữa.

Nó từng nhiều lần xuất hiện trong các phiên nghị sự chính thức của Chính phủ. Năm 2018, người đứng đầu Chính phủ khi đó – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - từng chỉ thẳng: Có ông không chỉ 1 mà là 2-3 "sân sau, thậm chí 14-15 sân sau và khẳng định "không phải là Thủ tướng không biết đâu!".

Năm 2019, cũng tại một hội nghị chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại nói: Không chỉ có "sân trước", "sân sau" mà có cả "vườn sau" nữa.

Báo Nhân Dân ngày 29/11/2023 đã đặt hai chữ "sân sau" lên tít chính một bài báo. Bài báo cho biết: Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khoá XV) nêu rõ Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp "sân sau" của tổ chức tín dụng.

Nạn doanh nghiệp "sân sau", "sân trước"- Ảnh 1.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ để nhận diện đúng, trúng, kịp thời cái gọi là "quan hệ sân sau". Ảnh: Quochoi.vn

Cũng tại kỳ họp này, ĐBQH Trần Thị Kim Nhung dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, rằng: Sẽ quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, để chất vấn Thủ tướng về những giải pháp căn cơ để nhận diện đúng, trúng, kịp thời "cái gọi là quan hệ sân sau", để thiết kế quy phạm pháp luật, tăng chế tài xử lý.

Và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Đảng đã có các chủ trương, định hướng, nghị quyết; vấn đề hiện nay là cần cụ thể hóa để thực hiện cho tốt, trên cơ sở đề cao trách nhiệm người đứng đầu cũng như các cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ. 

"Tinh thần là quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật", Thủ tướng nhấn mạnh.

Những chi tiết, và cả thực tiễn cuộc chiến chống tham nhũng "không có vùng cấm" hiện nay cho thấy cả Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều rất quyết liệt với tình trạng "sân trước, sân sau".

Nhìn lại hai vụ án đang tạo sóng dư luận gần đây đang cho thấy có rất nhiều câu hỏi cần được trả lời, rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Nạn doanh nghiệp "sân sau", "sân trước"- Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Duy Hưng (bên trái hàng trên), Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Thuận An cùng một số bị can bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự. Ảnh: Bộ Công an

Doanh nghiệp Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "pháo"), chỉ từ một doanh nghiệp phố huyện, sau 10 năm thành lập (2004) mới đạt doanh thu vỏn vẹn 100 triệu đồng (2014).

Nhưng từ năm 2015, doanh nghiệp này đã có tới 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. Và không ít trong đó là những "dự án ngàn tỷ" ở khắp các địa phương Bắc- Trung- Nam.

Còn Tập đoàn Thuận An của Nguyễn Duy Hưng, cũng thành lập năm 2004, vốn điều lệ ban đầu chỉ 3,9 tỷ đồng. Nhưng tới 2021 đã tăng vốn tới 800 tỷ đồng, tức gấp hơn 200 lần.

Một tờ báo từng đưa ra thống kê: Từ năm 2019 đến nay, Thuận An tham gia 51 gói thầu, trúng 39 gói, 4 gói chưa có kết quả, chỉ trượt có 8 gói. Và tổng giá trị của các gói trúng thầu là 22.612 tỷ đồng (Hơn 8.272 tỷ đồng trong số này là các gói chỉ định thầu).

Phúc Sơn, Thuận An hay trước đó là những Việt Á, AIC… và không ít tập đoàn, doanh nghiệp khác mà chúng ta chưa (không) biết, đã trúng thầu bằng cạnh tranh bình đẳng hay vì một lý do nào khác? Có là "sân sau" của ai hay không? Đó là một câu hỏi cần được trả lời một cách rõ ràng, sòng phẳng.

Trả lời câu hỏi này, ít nhất vì sự bình đẳng đàng hoàng với những doanh nghiệp "không sân sau", thân yếu thế cô trong nhiều cuộc thầu chỉ có một cửa là chẳng - có - cửa - nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem