Tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng bao nhiêu so với năm 2023?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 14/01/2024 14:54 PM (GMT+7)
"Tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng bao nhiêu so với năm 2023?" là câu hỏi của nhiều thầy cô giáo. Tất cả đều mong đợi tiền lương từ ngày 1/7/2024 sẽ tăng cao hơn vì được bổ sung thêm tiền thưởng.
Bình luận 0

Tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng bao nhiêu so với năm 2023?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một giáo viên THPT ở Hà Nội vui mừng cho biết: "Nếu chính sách cải sách tiền lương được thực hiện đúng như dự kiến thì tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng so với năm 2023".

Thầy giáo này phân tích, trước đây thầy là giáo viên THPT hạng III. Sau đợt thăng hạng giáo viên năm 2023, thầy được thăng hạng II. Từ 1/7/2024 sau cải cách tiền lương, có thể thầy sẽ được tăng 22,6% so với năm 2023, tức tăng từ 8,235 triệu đồng lên 10,100 triệu đồng/tháng. 

"Tôi rất vui mừng khi lương giáo viên được cải thiện so với mức cũ dù bị cắt tiền thâm niên. Có người tăng nhiều có người tăng ít nhưng đây cũng là sự ghi nhận công sức của các cấp, các ngành đối với nhà giáo. Chỉ khi đời sống giáo viên được đảm bảo thì mới yên tâm công tác. Đây cũng là công sức chính đáng của đội ngũ nhà giáo", giáo viên này bày tỏ.

Tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng bao nhiêu so với năm 2023?- Ảnh 1.

Giáo viên mong đợi tiền lương năm 2024 sẽ tăng so với năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1/7/2024. Vậy tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng bao nhiêu so với năm 2023?

Nếu chính sách cải cách tiền lương năm 2024 được thực hiện đúng lộ trình, thu nhập của hàng chục triệu người lao động, trong đó có giáo viên các trường công lập sẽ có nhiều thay đổi. Cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 như sau: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương/năm, không bao gồm phụ cấp). So với lương năm 2023, lương giáo viên trong khu vực công năm 2024 sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.

Lương giáo viên được tính theo công chức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).

Theo cách tính mới nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Vui mừng vì tiền lương của giáo viên năm 2024 tăng so với năm 2023

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ: "Sau cải cách tiền lương, lương giáo viên từ năm 2024 sẽ tăng là một điều rất vui mừng và được giáo viên mong đợi".

Theo thầy Phi, hiện nay lương giáo viên không đủ sống và thầy ủng hộ việc trả lương theo vị trí việc làm dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/7. "Giáo viên làm việc hiệu quả thế nào sẽ được hưởng lương theo thế đó. Làm nhiều thì được hưởng theo công sức của mình. Đây là điều hợp lý. Ngay cả hiệu trưởng, nếu không làm tròn nhiệm vụ sẽ nghỉ để người khác thay thế, như vậy mới nâng cao năng suất làm việc của giáo viên. 

Thực tế hiện nay có nhiều giáo viên cao tuổi bị sức ì không chịu học hỏi, đổi mới, công nghệ công tin không biết nhưng lại hưởng lương cao hơn giáo viên trẻ. Vì vậy nên trả lương theo vị trí việc làm để thúc đẩy cán bộ giáo viên phải luôn nỗ lực cố gắng".

Thầy Phi cũng bày tỏ: "Mặc dù mong đợi cải cách tiền lương nhưng tôi nói với giáo viên và sinh viên thực tập rằng nghề giáo "không bạc". Nếu các bạn sẵn sàng vì học trò thì các bạn sẽ nhận được thành quả rất ngọt ngào. Nghề giáo cần những người thực sự yêu nghề, cống hiến với nghề".

Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu rõ 2 bảng lương mới đối với công chức viên chức bao gồm:

(1) 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc:

Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;

Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, ủy ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

(2) 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem