Kỳ lạ việc UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò

Thanh Xuân - Trọng Trinh Thứ sáu, ngày 03/05/2024 10:44 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Tuyết đã khởi kiện UBND xã Đại Tập đến TAND huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) vì cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng khi thực hiện đầu tư nâng cấp bến đò ngang, nhưng đến nay chưa thu hồi được vốn.
Bình luận 0

Kỳ lạ một bến đò UBND xã Đại Tập (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) ký 2 hợp đồng

Báo Dân Việt nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) phản ánh đã bỏ tiền ra đầu tư cơ sở hạ tầng của bến đò để đủ điều kiện hoạt động nhưng không được hoàn trả.

Chủ đò đề nghị hoàn trả chi phí đầu tư nâng cấp cải tạo bến đò

Theo đơn, ngày 22/12/2016, bà đã ký hợp đồng thu phí đò ngang với UBND xã Đại Tập (huyện Khoái Châu, Hưng Yên).

Sau khi ký hợp đồng, bà Tuyết làm thủ tục xin giấy phép hoạt động bến khách ngang sông thì được Sở GTVT tỉnh Hưng Yên trả lời là bến không đủ tiêu chí để hoạt động nên không cấp phép hoạt động và yêu cầu bến dừng ngay hoạt động để khắc phục những tồn tại. Trong đó, bà Tuyết phải làm đường dẫn xuống bến đò đúng quy định.

Bà Tuyết đã có báo cáo sự việc với UBND xã Đại Tập. UBND xã Đại Tập có tờ trình với Ban thường vụ Đảng ủy (ngày 1/6/2017) và báo cáo HĐND xã ngày 31/7/2017 để xin chủ trương đầu tư nâng cấp bến đò ngang thôn Chi Lăng do bà Tuyết làm chủ bến giai đoạn 2016 - 2021.

Kỳ lạ việc UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò- Ảnh 1.

Bến đò Phù Sa thuộc thôn Chi Lăng xã Đại Tập (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Trịnh Trọng

Kỳ lạ việc UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò- Ảnh 2.

Để được cấp giấy phép hoạt động, chủ bến đò đã bỏ ra số tiền hơn 1,5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp bến đò. Ảnh: Trịnh Trọng

Cũng theo bà Tuyết, để giải quyết vướng mắc, đến ngày 19/10/2017 cơ quan chức năng đã tổ chức cuộc họp liên tịch gồm đại diện Sở GTVT tỉnh Hưng Yên, đại diện UBND huyện Khoái Châu, đại diện UBND xã Đại Tập với chủ đò để thống nhất giải pháp khắc phục tồn tại, đưa bến đò vào hoạt động.

"Do khó khăn về kinh phí nên ngày 15/11/2017, UBND xã đã ra quyết định số 99/QĐ-UBND giao cho tôi làm chủ đầu tư nâng cấp cải tạo bến đò ngang thôn Chi Lăng theo hồ sơ thiết kế thi công do Trung tâm tư vấn giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Hưng Yên lập với tổng trị giá là hơn 1,5 tỷ đồng.

Đồng thời giao cho tôi làm chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện cần thiết để thi công công trình nâng cấp, cải tạo bến và chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng công trình. UBND xã Đại Tập có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi khai thác bến đò ngang nhằm thu hồi vốn đầu tư", bà Tuyết cho biết.

Kỳ lạ việc UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò- Ảnh 4.

Sau khi được cấp giấy phép hoạt động thì đại dịch Covid bùng phát khiến cho bến đò bị phong tỏa suốt một thời gian dài. Ảnh: Trịnh Trọng

Ngay sau khi nhận Quyết định số 99/QĐ-UBND, bà Tuyết lập tức tiến hành đầu tư, cải tạo bến đò theo đúng hồ sơ thiết kế thi công do Trung tâm tư vấn giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Hưng Yên lập.

Sau khi thực hiện cải tạo, nâng cấp bế đò, bà Tuyết có báo cáo với UBND xã và Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã về phối hợp kiểm tra, kết luận bến đã đủ tiêu chỉ để cấp phép hoạt động. Ngày 13/4/2018 Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã cấp phép số 02/2018 cho bến khách ngang sông: Bến Phù Sa với thời gian hoạt động từ 13/4/2018 đến 31/12/2021.

"Trong quá trình khai thác bến đò gặp đúng thời điểm dịch Covid bùng phát, nên tôi có đề nghị với UBND xã Đại Tập tạo điều kiện cho tôi được thu hồi vốn đã đầu tư nâng cấp, cải tạo bến đò. Lãnh đạo UBND xã Đại Tập cho biết sẽ xin ý kiến HĐND. Tuy nhiên, từ đó tới nay qua 3 đời Chủ tịch UBND xã vẫn chưa giải quyết quyền lợi cho gia đình tôi", bà Tuyết bộc bạch.

Kỳ lạ việc UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò- Ảnh 5.

Chủ bến đò là bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Đại Tập huyện Khoái Châu (Hưng Yên) yêu cầu UBND xã Đại Tập hoàn trả số vốn 1,5 tỷ đồng mà mình đã bỏ ra để cải tạo, nâng cấp bến đò.

Hiện bà Tuyết đang kiến nghị UBND xã Đại Tập tạo điều kiện, để Sở GTVT tỉnh Hưng Yên tiếp tục cấp phép để bến đò hoạt động, chủ đò có thêm thời gian thu hồi số vốn đã bỏ ra đầu tư, cải tạo bến đò theo đúng Quyết định số 99 ngày 15/11/2017 của UBND.

Nếu không được, bà Tuyết yêu cầu UBND xã Đại Tập hoàn trả lại khoản tiền hơn 1,5 tỷ mà bà đã bỏ ra đầu tư nâng cấp cải tạo bến đò.

Hai hợp đồng không rõ lý do

Theo tài liệu của bà Nguyễn Thị Tuyết cung cấp, ngày 22/12/2016, UBND xã Đại Tập đã ký 2 hợp đồng cùng có số hợp đồng 01. Trong đó bao gồm: hợp đồng số 01/HD-UBND Thầu thu phí đò ngang và hợp đồng số 0/HĐKT-UBND về việc trúng thầu quyền quản lý và khai thác bến đò ngang sông thôn Chi Lăng, xã Đại Tập.

Liên quan tới việc vì sao UBND xã lại ký 2 hợp đồng với bà Tuyết, chúng tôi đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND xã Đại Tập nhưng đại diện UBND xã này né tránh không trả lời.

Kỳ lạ việc UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò- Ảnh 6.

UBND xã Đại Tập đã có Thông báo số 15 ngày 11/4/2024 về việc chấm dứt hợp đồng kinh tế với bà Nguyễn Thị Tuyết. Ảnh: Trịnh Trọng

Ông Tường Thế Đoàn – Chủ tịch UBND xã Đại Tập cho biết, hiện bà Tuyết không cung cấp được tài liệu, hồ sơ để chứng minh đã đầu tư hơn 1.5 tỷ đồng nên UBND xã Đại Tập không đủ căn cứ để xem xét giải quyết theo đơn đề nghị của bà Tuyết.

Ông Đoàn cũng cho biết, hiện UBND xã Đại Tập đã có Thông báo số 15 ngày 11/4/2024 về việc chấm dứt hợp đồng kinh tế với bà Nguyễn Thị Tuyết. Đồng thời, đề nghị bà chuyển tài sản và tiến hành bàn giao mặt bằng để UBND xã quản lý trong vòng 10 ngày kể từ ngày thông báo.

Cũng theo ông Đoàn, UBND xã Đại Tập sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn đơn vị vận hành quản lý bến đò mới, tránh gây thất thoát ngân sách cho địa phương.

Kỳ lạ việc UBND xã Đại Tập (Hưng Yên) ký 2 hợp đồng với chủ một bến đò- Ảnh 7.

UBND xã Đại Tập sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn đơn vị vận hành quản lý bến đò mới, tránh gây thất thoát ngân sách cho địa phương. Ảnh: Trịnh Trọng

Trong khi đó, bà Tuyết lại cho rằng: "Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo bến đò Phù Sa là tôi đã triển khai theo dự toán của Trung tâm Tư vấn Giao thông vận tải thuộc Sở GTVT tỉnh Hưng Yên với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Nếu không đầu tư khắc phục sự cố thì Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã không cấp phép cho bến đò hoạt động vì đã có biên bản kiểm tra trước đó khẳng định vi phạm, cần cải tạo bến", bà Tuyết khẳng định. 

Bà Tuyết cũng cho biết thêm, để bảo vệ quyền lợi của mình bà đã gửi đơn khởi kiện tới Tòa án Nhân dân huyện Khoái Châu.

Theo tài liệu của Dân Việt, ngày 11/4/2024, UBND huyện Khoái Châu đã có văn bản 290 gửi UBND xã Đại Tập về việc phối hợp kiểm tra xử lý đối với hoạt động bến thủy nội địa. Theo đó, UBND huyện Khoái Châu yêu cầu UBND xã Đại Tập dừng ngay hoạt động bến khách ngang sông Phù Sa.

UBND huyện Khoái Châu cũng cho biết, sau khi xem xét Báo cáo số 12 ngày 27/3/2024 của UBND xã Đại Tập, việc chủ bến đò đề nghị thanh toán số tiền đã đầu tư nâng cấp, cải tạo bến đò Phù Sa, UBND xã Đại Tập cần căn cứ vào hợp đồng đã ký kết với chủ bến, thương lượng, hòa giải phương thức giải quyết tranh chấp thông qua các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng. Nếu các bên không thể thương lượng được với nhau thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa giải quyết. 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!

Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã có văn bản phản hồi thông tin tới Báo điện tử Dân Việt.

Văn bản nêu: Ngày 20/4/2017, Sở có Công văn số 749 SGTVT QLVT&PT yêu cầu chủ khai thác bên khắc phục theo kết luận thanh tra và hoàn thiện hồ sơ cấp lại Giấy phép hoạt động (Giấy phép cũ hết hạn, thay đổi chủ khai thác bến).

Để thực hiện, bà Nguyễn Thị Tuyết đã thuê Trung tâm Tư vấn Giao thông vận tải (đơn vị trực thuộc Sở GTVT Hưng Yên) lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp bến khách ngang sông Phù Sa (có bản pho tô Báo cáo KTKT gửi kèm).

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Tuyết có đơn xin phép, có thỏa thuận với chủ sở hữu là UBND xã Đại Tập để thực hiện cải tạo, nâng cấp bến (đây là thỏa thuận dân sự của hai bên không phải báo cáo Sở GTVT). UBND xã Đại Tập có Quyết định số 99 QĐ-UBND ngày 15/11/2017 giao bà Nguyễn Thị Tuyết làm chủ đầu tư nâng cấp, cải tạo bến. Sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp bến và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động bến khách ngang sông.

Ngày 13/4/2018, Sở đã cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông số 02/2018/GPKNS có thời hạn đến ngày 31/12/2021 cho bến Phù Sa. Việc bà Nguyễn Thị Tuyết tự bỏ kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo bến Phù Sa nhưng hết thời gian thuê khoán chưa thu hồi được vốn có được bồi hoàn chi phí đầu tư hay không, phải căn cứ vào Hợp đồng giao thầu và thỏa thuận dân sự giữa bà Nguyễn Thị Tuyết với UBND xã Đại Tập để thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem