Mong được công nhận chuyển giới với người không phẫu thuật

Diệu Linh Thứ tư, ngày 17/05/2017 06:15 AM (GMT+7)
Nếu được công nhận chuyển đối giới tính, người chuyển giới sẽ được sống với giới tính mới mà không cần phải sống kiếp “hồn Trương Ba da hàng thịt”, được pháp luật công nhận, được kết hôn…
Bình luận 0

Những người “vô hình”

Lê Ánh Phong (SN 1988, quê ở Quảng Ngãi) vốn là một cô gái sống trong thân xác của một chàng trai. Để được sống với giới tính mình khát khao, năm 2013 Phong đã sang Thái Lan phẫu thuật. Trước đó, cô lén lút uống hormone do các bạn cùng giới xách tay từ nước ngoài về. Phong cho biết, sang Thái Lan phẫu thuật rất tốn kém, việc uống hormone không rõ nguồn gốc, không được bác sĩ kê đơn và theo dõi tác dụng phụ rất có hại. Tuy nhiên Phong và các bạn chuyển giới chẳng có cách nào khi tại Việt Nam chưa cho phép các bệnh viện thực hiện chuyển giới.

Nguyễn Ngọc Anh (25 tuổi, Hà Nội) là chuyển giới nữ, dù trông chị khá xinh đẹp nhưng vẫn nhận nhiều ánh mắt kỳ thị. Ngọc Anh không thể lên máy bay vì giới tính trên chứng minh thư là nam, còn người thật lại là nữ. Ngọc Anh cho biết, ngay cả việc đi vệ sinh công cộng cũng khó khăn vì cả nam và nữ đều bài xích chị.

img

   Trúc Linh (đứng) cho rằng chỉ người phẫu thuật hoặc uống hormone mới được thừa nhận chuyển giới là chưa đủ. Ảnh: Diệu Linh

Theo ông Lương Thế Huy – Giám đốc Chương trình Quyền LGBT (quyền cho người đồng tính nam - nữ, song tính, chuyển giới) của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), người chuyển giới chịu rất nhiều thương tổn khi sống với giới tính mà họ mong muốn. “Người chuyển giới “vô hình” trong luật pháp, không lên được máy bay vì khai sinh và bề ngoài khác nhau, không được phép kết hôn, không cơ sở y tế nào nhận phẫu thuật và điều trị hormone cho người chuyển giới…”- Huy nói. 

Mới đây, Điều 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực 1.1.2017 đã cho phép “cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi”. Như vậy, chỉ những người chuyển giới đã qua phẫu thuật mới được xã hội thừa nhận.

Sẽ thừa nhận cả người uống hormone

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế có thể can thiệp bằng hormone, tuy nhiên việc này cần phải rất thận trọng. Hormone giống “con dao hai lưỡi”, nếu không cẩn thận sẽ để lại hậu quả khôn lường. Còn can thiệp ngoại khoa càng cần thận trọng hơn vì dễ xảy ra tai biến”.

Bác sĩ Nguyễn Quang – Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức)

Mới đây, Bộ Y tế đã lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Chuyển đổi giới tính. Đây là bước đầu tiên cho việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính trong thời gian tới. Nếu luật được ban hành,  người chuyển giới sẽ được pháp luật công nhận, được chuyển đổi giới tính trên giấy tờ, được quyền phẫu thuật, khám điều trị chuyển giới tại bệnh viện trong nước, được phép kết hôn.

Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đánh giá 8 chính sách có thể gây tác động lên người chuyển giới và nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan. Mỗi chính sách, Bộ Y tế sẽ đưa ra 2-3 giải pháp kèm theo đánh giá tác động của mỗi giải pháp. “Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đạo đức, văn hóa Việt Nam, Bộ Y tế nghiêng về giải pháp cho phép chuyển đổi giới tính với các trường hợp đã sử dụng hormone hoặc đã can thiệp ngoại khoa. Còn các trường hợp không có can thiệp gì mà chỉ “tự nhận” mình là chuyển giới sẽ không được công nhận. Ở giai đoạn đầu, tất cả những người đã phẫu thuật chuyển giới bất hợp pháp hoặc hợp pháp trong và ngoài nước nếu đủ các điều kiện khác sẽ được công nhận là chuyển giới. Các bệnh viện được phép cấp giấy công nhận chuyển giới cũng phải đủ điều kiện theo quy định...” – ông Quang nói.

Tuy nhiên, theo Trúc Linh – một bạn chuyển giới từ nam sang nữ, nếu chỉ người đã phẫu thuật và dùng hormone mới được công nhận chuyển giới là không đủ. Vì trên thực tế nhiều bạn chuyển giới chỉ “giả trang” bằng quần áo, tóc, trang điểm chứ không đủ tiền để phẫu thuật. Còn có bạn muốn phẫu thuật hay dùng hormone nhưng không đảm bảo sức khỏe. “Dùng hormone có nhiều tác dụng phụ, phẫu thuật cũng có quá nhiều đau đớn, biến chứng nên không phải người chuyển giới nào cũng chấp nhận hy sinh sức khỏe, tuổi thọ để làm. Nhưng họ vẫn thực sự mong muốn sống với giới tính khác với giới tính mình sinh ra” – Linh nói.

Lý giải về điều này, ông Quang cho biết, đặt ra điều kiện là nhằm hạn chế các trường hợp lợi dụng điều này để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ pháp lý hoặc hạn chế những trường hợp đua đòi, bỗng nhiên một ngày đẹp trời lại cao hứng muốn nam thành nữ, nữ thành nam.

Ông Quang nhận định, cho dù giải pháp nào cũng sẽ không thể bao quát hết tất cả mọi vấn đề, mọi đối tượng. “Tuy nhiên, cần phải có những quy định về điều kiện chuyển giới để hạn chế các tác động tiêu cực” – ông Quang nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem