5.000 người chuyển giới đang sống "vô hình"

Diệu Linh Thứ tư, ngày 07/09/2016 16:06 PM (GMT+7)
5.000 người chuyển giới đang sống “vô hình” vì hầu hết sau khi phẫu thuật họ không được pháp luật thừa nhận: Tên khác, gương mặt khác, thân hình khác…
Bình luận 0

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt ngày 7.9, ông Lương Thế Huy - Giám đốc Quyền LGBT (Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) cho biết, người chuyển giới hy vọng luật sẽ giúp người chuyển giới được thừa nhận, không còn phải sống vô hình.  

Ông Huy cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 4.000-5.000 người chuyển giới đang sống “vô hình”.

“Người chuyển giới sau khi phẫu thuật hầu hết đành sống cuộc đời “vô hình” vì không được pháp luật thừa nhận: tên khác, gương mặt, thân hình khác… Có bạn chuyển giới kinh doanh rất thành công nhưng toàn bộ giấy tờ kinh doanh, giấy tờ xe ô tô đều do bạn bè đứng tên" – ông Huy chia sẻ.

Theo ông, điều quan trọng nhất người chuyển giới đang mong mỏi là quyền về nhân thân, hộ tịch. Họ khát khao được thay đổi tên, giới tính, ảnh trong chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu… Tiếp đó có thể đứng tên trong giấy tờ xe, giấy phép kinh doanh.. hoặc tự do đi máy bay, đi du lịch, thậm chí là đi khám… phụ khoa. Tuy nhiên, ông Huy lo ngại Luật chuyển đổi giới tính lại đang được xây dựng nặng về y tế (về các điều kiện phẫu thuật, phẫu thuật thế nào, ở đâu…)

img

Cô gái này đang khát khao được đổi tên Lê Quốc Phong, giới tính nam trong chứng minh thư hiện nay thành Lê Ánh Phong, giới tính nữ. (Ảnh: Diệu Linh).

“Luật cần phải chú trọng đến hàng nghìn người đã phẫu thuật chuyển đối giới tính ở nước ngoài trở về. Họ không quan tâm đến việc phẫu thuật mà chỉ khát khao được thừa nhận, được thay đổi nhân thân, hộ tịch. Nếu điều kiện khắt khe quá họ cũng sẽ lại chấp nhận sống kiếp “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Như vậy Luật sẽ không bao phủ được họ" - ông Huy nói.

Trước đó, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để khởi thảo Luật về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Y tế chú trọng “hiện thực hoá” quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Những người đã chyển giới tại các cơ sở hợp pháp (ngoài nước) sẽ được chấp nhận xác định lại giới tính và tên trong lý lịch tư pháp.

Còn người chuyển đổi giới tính tại các cơ sở y tế chui (chưa được pháp luật thừa nhận) phải trải qua quá trình thẩm vấn tâm lý, kiểm tra y khoa. Còn người dự định chuyển giới cũng phải trải qua quá trình tư vấn với bác sĩ tâm lý, kiểm tra về nhiễm sắc thể, thăm khám hoặc thử sống với giới tính mới trong một thời gian nhất định, xem có phù hợp hay không rồi mới được phép phẫu thuật. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem