Vì sao Trung Quốc tăng mua tôm từ Việt Nam, xuất khẩu tôm tăng 143%?

Bình Minh Thứ bảy, ngày 23/03/2024 11:53 AM (GMT+7)
Xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 đạt 415 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ ghi nhận tăng trưởng lần lượt 143% và 26% so với cùng kỳ.
Bình luận 0

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm trong tháng 2/2024 giảm 11%, đạt 173 triệu USD do trùng với Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 1, nên kim ngạch xuất khẩu lũy kế 2 tháng đầu năm vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Giá tôm chân trắng và tôm sú nguyên liệu của Việt Nam kể từ tháng 1 năm nay có xu hướng tăng dần mặc dù vẫn chưa phục hồi trở lại mức giá của cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng đầu năm nay, giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, Anh, Hàn Quốc ghi nhận tăng, trong khi giá xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản ghi nhận giảm.

Về các thị trường xuất khẩu, tháng 2/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng 76% đạt 39 triệu USD. Đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 2 năm nay. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông ghi nhận tăng trưởng 3 con số 143% đạt hơn 81 triệu USD.

Vì sao Trung Quốc tăng mua tôm từ Việt Nam, xuất khẩu tôm tăng 143%?- Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt 415 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường ngành hàng tôm của VASEP phân tích, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay khá cao. Tháng đầu tiên của năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, nên thị trường này tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ tuy nhiên nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.

Theo bà Thu, năm 2023, Trung Quốc nhập 1 triệu tấn tôm, cho thấy dung lượng lớn của thị trường gần này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có chiến lược tập trung bán vào Trung Quốc những mặt hàng tôm mà các nước cung ứng tôm khác không thể đáp ứng. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 2 năm nay đạt 31 triệu USD, giảm 9%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 72 triệu USD, tăng 26%. Mặc dù giảm trong tháng 1 nhưng với tốc độ nhẹ, nguyên nhân là do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023 đã có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay.

Vì sao Trung Quốc tăng mua tôm từ Việt Nam, xuất khẩu tôm tăng 143%?- Ảnh 2.

Tốp các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 1 và 2/2024. Nguồn: VASEP

"Doanh số bán thủy sản tươi sống và đông lạnh của Mỹ dự báo sẽ ổn định trong năm 2024, sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu. So với một số nguồn cung tôm chính tại Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc thì Việt Nam được đánh giá có triển vọng hơn, nhất là khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Mỹ cũng đang có chính sách tăng cường mua hàng từ các nước, giảm phụ thuộc quá nhiều vào hàng Trung Quốc", bà Thu nhận định.

Cũng theo bà Thu, khó khăn, thách thức của ngành tôm vẫn hiện hữu như: dịch bệnh, nhu cầu thị trường còn yếu và chưa có sự phục hồi rõ nét như thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc. 

Tại hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam, ngày 20/3, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

"Năm nay, những khó khăn, thách thức của ngành tôm vẫn chưa hết vì tình hình thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư đầu ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn rất lớn. Ngoài ra, lạm phát tại nhiều quốc gia giảm nhưng chưa đáng kể, chi phí logistics lớn, nhất là tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ...Do đó, người nuôi còn dè dặt trong tái sản xuất", ông Thắng dự báo.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, khó khăn sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bởi dự báo phát triển của ngành vẫn rất khả quan, đặc biệt là từ nửa cuối năm nay. Tình hình xuất khẩu tôm được nhận định sẽ khởi sắc và tăng từ 10-15% so với năm rồi, dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem