Đơn hàng thủy sản ồ ạt đổ về, doanh nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu xoay đủ kiểu, sao cơ hội vẫn tuột khỏi tay?

Thứ năm, ngày 15/02/2024 05:55 AM (GMT+7)
Lượng đơn thủy sản hàng ồ ạt về trong Tết Nguyên đán, nhưng doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm đủ mọi cách cũng không thể xoay xở được nguyên liệu. Doanh nghiệp đành bó gối tiếc ngẩn ngơ, nhìn cơ hội kinh doanh tốt nhất trong năm vuột tầm tay.
Bình luận 0

Nguyên liệu thiếu trầm trọng

Nếu những tháng cuối năm 2023 và tháng 1/2024 là cơ hội vàng để các doanh nghiệp thủy sản dốc sức làm hàng Tết, thì năm nay doanh nghiệp lại nhìn cơ hội này trôi qua. 

Ông Trương Công Định, Giám đốc Công ty TNHH Mai Định (xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tháng 1/2024, lượng mực khô của doanh nghiệp được khách hàng đặt tăng gấp 10 lần, lên tới 400 tấn (trung bình các tháng khoảng 40 tấn). 

Thế nhưng do gió thổi mạnh, thời tiết lạnh, biển động, ghe tàu phải vào bờ nghỉ Tết trước cả tháng nên công ty thiếu nguyên liệu trầm trọng.

“Chúng tôi chỉ đáp ứng được có 40% đơn hàng mùa Tết dù đã dùng nhiều cách như tăng giá thu mua, mở rộng địa bàn thu mua xuống miền Tây, ra miền Trung, miền Bắc. Thật tiếc khi tiền tới tay mà để vuột mất”, ông Định tiếc rẻ. 

Việc thiếu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu đã kéo dài trong cả năm khiến sản lượng xuất khẩu của Công ty Mai Định chỉ được khoảng 2.000 tấn năm 2023, giảm 30% so với năm 2022.

Tương tự, Công ty TNHH chế biến thủy sản Đức Danh (huyện Long Điền) cũng gặp khó trong việc tìm nguồn nguyên liệu chế biến. 

Ông Cao Văn Tuyến, Giám đốc công ty cho biết, từ sau dịch COVID-19 đến nay, nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng giảm do ngư trường cạn kiệt, ngư dân cho tàu nằm bờ. 

Nếu mấy năm trước công ty thu mua được cả ngàn tấn ghẹ các loại, chế biến được hơn 200 tấn thành phẩm xuất khẩu một năm thì năm nay chỉ xuất khẩu được 140 tấn. Lượng hàng xuất khẩu giảm 30%, khiến công ty lỗ hơn 2 tỷ đồng trong năm 2023.

Đơn hàng thủy sản ồ ạt đổ về, doanh nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu xoay đủ kiểu, sao cơ hội vẫn tuột khỏi tay?- Ảnh 1.

Công nhân Baseafood 1 (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang đưa bạch tuộc sau chế biến vào băng chuyền cấp đông mới IQF 1.000kg/h.

“Không chỉ thiếu, chất lượng hải sản cũng giảm rõ rệt. Kích cỡ hải sản đánh bắt được nhỏ hơn trước đây rất nhiều. Không có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, công ty đành bỏ lỡ những đơn hàng tốt. 

Trong năm 2023, nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sản xuất công ty, bắt buộc chúng tôi phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu có giá cao hơn, làm lợi nhuận giảm”, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Baseafood (TP.Vũng Tàu) cho biết.

Phục hồi chậm, tăng trưởng vào nửa cuối năm

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), tình hình khó khăn chung khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Dự báo, khó khăn này sẽ tiếp tục trong những tháng đầu năm 2024 vì có thêm những thách thức khác làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu.

Thông tin từ bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm. 

Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề chính trị khác trên thế giới cũng làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá thành sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.

VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục dần và tăng trưởng vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, kim ngạch xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5-10 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.

Thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU gặp vướng vì các thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng. 

Những sản phẩm khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất. Về tiêu thụ, nhu cầu thị trường tập trung vào các phân khúc hàng giá rẻ hơn như cá hộp, cá nguyên liệu để chế biến cá hộp, cá khô, tép khô.

Tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu tích cực giúp doanh nghiệp lạc quan. Ông Trương Công Định cho rằng, việc ngư dân nghỉ ăn Tết sớm cả tháng sẽ tạo thời gian cho các loài hải sản có thời gian tăng trưởng, hứa hẹn sản lượng tăng vào mùa đánh bắt sau Tết. 

Đây cũng là cơ sở để ông Định mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng cho công ty của mình trong năm 2024 tăng 20% so với năm 2023.

Ngoài ra, những động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các địa phương, ban, ngành để gỡ “thẻ vàng” IUU, nhu cầu thị trường vẫn có những dấu hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành thủy sản trong quý II, quý III/2024.

“Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản sang các nước lân cận tìm đối tác gia công cũng là cơ hội của Việt Nam. Trong năm 2023, Baseafood đã tăng lượng hàng gia công cho Nhật lên gần 30% và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2024 cùng các sản phẩm giá trị gia tăng dành cho người già và trẻ nhỏ”, ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Baseafood cho biết.

Bên cạnh đó, Baseafood cũng đẩy mạnh việc đầu tư công nghệ mới, máy móc, kho lạnh để tăng cường lượng hàng xuất khẩu, mở rộng khách hàng ở châu Mỹ, châu Á. 

Trong năm 2023 công ty đã đầu tư dàn kho lạnh, hệ thống băng chuyền cấp đông công nghệ mới có công suất cấp đông 1.000kg/giờ, tăng gấp đôi so với máy cũ, với tổng chi phí đầu tư gần 20 tỷ đồng. Việc đông lạnh nhanh đã giúp giảm lượng hao hụt, làm tăng chất lượng sản phẩm, từ đó giúp giá xuất khẩu tăng lên từ 10-20%.

Nguyên Minh (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem