“Trường đại học thừa chất xám, nguồn nhân lực để nghiên cứu về công nghệ giáo dục, nhưng…”

Thảo Linh Thứ sáu, ngày 12/01/2024 16:53 PM (GMT+7)
Khi nói về ứng dụng công nghệ trong giáo dục (Edtech), TS. Tôn Quang Cường – Trưởng Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục nhận định: "Các trường đại học thừa chất xám, nguồn nhân lực để nghiên cứu về Edtech, nhưng có lẽ cần tư duy lại. Nếu một giáo sư đan rổ thì giá của một cái rổ gấp mấy chục lần mua ở chợ".
Bình luận 0

Ngày 12/1, sự kiện "Đối thoại giữa EdTech với các trường cao đẳng và đại học: thực tiễn và triển vọng hợp tác" do Edtech Agency phối hợp cùng Trung tâm CETSTR (Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao Khoa học - Công nghệ Giáo dục Đại học) của Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam và Làng Công nghệ giáo dục thuộc Techfest Quốc gia tổ chức, có sự tham gia đông đảo của đại diện các trường đại học, cao đẳng, tiêu biểu trong số này là Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa.

“Trường đại học thừa chất xám, nguồn nhân lực để nghiên cứu về công nghệ giáo dục, nhưng…” - Ảnh 1.

TS. Tôn Quang Cường, Trưởng Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T.N

Tại sự kiện, TS. Tôn Quang Cường, Trưởng Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Khoa Công nghệ Giáo dục và Trường Đại học Giáo dục đã có sự kết hợp khá rộng với các đơn vị Edtech bên ngoài.

Edtech được định nghĩa là sự kết hợp giữa giáo dục và công nghệ thông tin. Các sản phẩm EdTech được phân loại thành nhiều loại khác nhau, bao gồm các sản phẩm dành cho học sinh tiểu học, trung học, đại học và người đi làm. Sản phẩm EdTech dành cho đại học bao gồm các ứng dụng học tập trực tuyến, các trang web giáo dục, các khóa học trực tuyến và các chương trình giảng dạy đa phương tiện.

TS Cường đã chỉ ra những "vấn đề" đang tồn tại giữa cơ sở giáo dục và các đơn vị Edtech: "Thực ra trong quá trình làm việc và triển khai, chúng tôi luôn review lại xem tính hiệu quả thế nào, trong hơn 5 năm vừa rồi triển khai kết nối doanh nghiệp Edtech, chúng tôi thấy "tốt cả" nhưng thiếu sự gắn kết. Sự hợp tác phải đi cùng chiều song một anh thiên về công nghệ, một lại anh lại quá thiên về giáo dục, không có sự đồng thuận. 

Mục tiêu của cơ sở đào tạo là tuyển được nhiều sinh viên, tăng uy tín, thương hiệu, mục tiêu doanh nghiệp Edtech là lợi nhuận, vì vậy phải có sự chia sẻ hài hòa giữa hai bên; có sự kết nối nhưng thiếu đánh giá chi tiết để cân đo tính hiệu quả của quá trình hợp tác hai bên, vẫn chỉ thông qua một vài trao đổi; làm thế nào tìm kiếm được mô hình để có kết nối bắt tay nhau bền vững, làm thế nào để đa dạng hóa sự kết hợp giữ nhà trường và đơn vị Edtech, nâng lên tầm mới để làm tốt hơn những cái đang có…".

TS Cường nhận định: "Cơ sở giáo dục cùng doanh nghiệp tạo ra "thị trường", chính là mảnh đất để phát triển mô hình kết hợp, mà trong đó vai trò của Edtech cực kỳ quan trọng. Nếu cứ để Edtech phát triển giáo dục thì đôi khi làm loạn "thị trường", và ngược lại nếu như cứ để các cơ sở giáo dục đại học lọ mọ đầu tư, nghiên cứu đưa ra sản phẩm công nghệ, có thể dùng ở chỗ nào đó nhưng vô hình chung làm cho sự lan tỏa bị hạn chế cũng như giá trị sản phẩm mà cơ sở giáo dục tạo ra chưa chắc đã tốt.

Hiện nay trong các trường đại học thừa chất xám để nghiên cứu về Edtech, có thừa nguồn nhân lực tại chỗ nhưng có lẽ cần tư duy lại, nếu một giáo sư đi đan rổ thì giá của một cái rổ gấp mấy chục lần mua ở chợ".

“Trường đại học thừa chất xám, nguồn nhân lực để nghiên cứu về công nghệ giáo dục, nhưng…” - Ảnh 2.

Đối thoại giữa doanh nghiệp Edtech với các trường cao đẳng, đại học. Ảnh: T.N

PGS. TS. Lê Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản lý CETSTR cho biết, nhà trường là nơi đào tạo ra sản phẩm nguồn nhân lực, còn các doanh nghiệp Edtech là đơn vị sản xuất các sản phẩm Công nghệ thông tin phục vụ trong công tác giáo dục, đào tạo. Vậy làm thế nào để có được sự hợp tác chặt chẽ từ hai phía để có thể thúc đẩy, nâng cao chất lượng đầu ra nguồn nhân lực?

Theo PGS.TS Lê Đức Ngọc, đối với sản phẩm nguồn nhân lực các trường cao đẳng, đại học và doanh nghiệp Edtech cần hợp tác để cùng xây dựng chuẩn đầu ra (chuẩn chất lượng) sản phẩm nhân lực; cùng đưa ra các quy trình quản lý, quy trình hoạt động đào tạo và đánh giá chất lượng sản phẩm để nghiên cứu đưa ra những sản phẩm công nghệ hữu dụng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực.

Đối với sản phẩm công nghệ thông tin dùng trong giáo dục cần có chất lượng thể hiện ở các sản phầm có tính mở, có thể kết nối được giữa các quy trình quản lý, các hoạt động đào tạo và đánh giá chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin, có thể cải tiến liên tục, những vẫn bảo đảm bảo mật.

“Trường đại học thừa chất xám, nguồn nhân lực để nghiên cứu về công nghệ giáo dục, nhưng…” - Ảnh 3.

Toàn cảnh sự kiện "Đối thoại giữa Edtech với các trường cao đẳng và đại học". Ảnh: T.N

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành Edtech Agency cho biết, trong những năm gần đây, xu hướng tích hợp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục ngày càng tăng. Điều này đặc biệt phổ biến ở các cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học trên thế giới, nơi việc sử dụng công nghệ đã trở thành một phần quan trọng trong trải nghiệm học tập và quản trị nhà trường. Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy chung, nhưng chúng ta có những điểm mạnh và hạn chế của riêng mình.

Nhìn về tương lai, năm 2025 và hướng đến 2030, các "KPI" quốc gia về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, cao đẳng vẫn còn là những chặng mốc đầy thách thức. Một trong những nguyên nhân đồng thời cũng là giải pháp chính là hiệu quả kết nối, bắt tay cùng hành động giữa các doanh nghiệp Edtech và cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Sự kiện "Đối thoại giữa EdTech với các trường cao đẳng và đại học: thực tiễn và triển vọng hợp tác nhằm tổ chức với mong muốn đi tìm hướng giải quyết các vấn đề như tìm kiếm câu trả lời cho mô hình kết nối, mối quan hệ giữa Edtech với các cơ sở giáo dục đại học; những cơ hội khả quan, tiềm năng nào cho việc xây dựng một mô hình phù hợp được phát triển bền vững; làm thế nào để huy động sự tham gia của Edtech với các cơ sở giáo dục đại học vì lợi ích chung trong việc nâng cao hiệu quả quản trị, phát triển học liệu số, nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng dạy và các bên liên quan nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính và vấn đề nguồn lực cho các trường đại học và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hiện nay.

Tại sự kiện, ngoài sự tham gia của 40 trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc, còn có tham luận của một vài doanh nghiệp đại diện cho các giải pháp Edtech như AWS - Amazon Web Services là nền tảng điện toán đám mây được sử dụng rộng rãi và toàn diện nhất trên thế giới hỗ trợ các đơn vị giảm chi phí, trở nên linh hoạt hơn và đổi mới nhanh hơn, Videa Edtech - đơn vị hàng đầu cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho lĩnh vực giáo dục thúc đẩy đào tạo trực tuyến và tối ưu hóa trải nghiệm giáo dục cho các trường đại học, tổ chức giáo dục, trung tâm đào tạo, doanh nghiệp và ELSA Corp - công ty sở hữu ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh bằng AI Top 5, ELSA Speak, với hơn 54 triệu lượt tải trên toàn cầu và hơn 400 đối tác và khách hàng giáo dục tại Việt Nam như Đại học Fulbright, Đại học Ngoại Ngữ, Vinschool, IDP, Yola, Đại học Đông Á…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem