Ngoài “tiền lương được xếp cao nhất”, giáo viên còn có quyền lợi gì theo Dự thảo Luật Nhà giáo?

Anh Tuấn Thứ bảy, ngày 18/05/2024 18:00 PM (GMT+7)
Trong chính sách về tiền lương, tôn vinh đãi ngộ đối với nhà giáo, ngoài vấn đề về tiền lương, Dự thảo Luật Nhà giáo còn đề cấp đến các chính sách khác có lợi cho giáo viên.
Bình luận 0

Cụ thể, Dự thảo Luật Nhà giáo nêu Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.

Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Bên cạnh đó, về chính sách thu hút nhà giáo, Dự thảo Luật Nhà giáo nêu, Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo.

Ngoài “tiền lương được xếp cao nhất”, giáo viên còn có quyền lợi gì theo Dự thảo Luật Nhà giáo?- Ảnh 1.

Giáo viên tại một trường học ở Hà Nội. Ảnh minh họa: NV

Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.

Chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Ngoài các quy định chung về chính sách thu hút nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo.

Điểm nhấn của Dự thảo Dự thảo Luật Nhà giáo là chính sách tiền lương của nhà giáo, theo đó, chinh sách này bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).

Dự thảo khẳng định, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tại tọa đàm về Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GDĐT tổ chức hôm 17/5, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT cũng nhắc lại nhắc lại đề xuất trên.

Theo TS Vũ Minh Đức, đặc trưng hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người, nên đề xuất này phù hợp và cũng không phải là yêu cầu quá cao.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khẳng định, lương giáo viên từ 1/7 chắc chắn sẽ cao hơn mức lương cũ. Nếu cách sắp xếp tiền lương mới thấp hơn tiền lương hiện hưởng thì giáo viên có quyền bảo lưu tiền lương cũ.

Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GDĐT công bố trên trang web của Bộ, bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 13/5. Thời gian góp ý là 2 tháng (tính đến 13/7). Bộ GDĐT cho biết, có gần 550.000 nhà giáo được lấy ý kiến để phục vụ phân tích, hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem