Trưởng ban phụ huynh đừng nên bầu… người giàu

Thanh Ba Thứ sáu, ngày 06/10/2023 09:28 AM (GMT+7)
Từ lúc nào trưởng ban phụ huynh nghiễm nhiên được chọn là người nhanh nhẹn, tháo vát, giàu có hoặc có địa vị trong xã hội? Họ dám nghĩ, dám làm, mọi quyết định rất nhanh và thường xông xênh trong các khoản chi.
Bình luận 0

“Cầm tờ giấy mời họp phụ huynh mà tôi chẳng nghĩ được con học ở lớp có vui không, cô giáo có tâm huyết với trò không, chỉ nghĩ đến con số đóng quỹ lớp là bao nhiêu?”...

Tại buổi họp phụ huynh lớp con tôi, sau khi cô giáo thông báo về những nội quy của lớp, các kế hoạch đầu năm… thì phút gay cấn chính là lúc cô giáo đi ra ngoài để phụ huynh tự họp. Trưởng ban phụ huynh được bầu là một ông bố năng động, anh xách túi LV và đưa các quyết định trong nháy mắt. Chính vì vậy “tiền trảm hậu tấu”, anh thông báo anh đã ứng quỹ lớp để sơn sửa lại phòng học, mua máy chiếu, lắp điều hòa mới… và còn rất nhiều khoản phải chi khác.

“Mỗi người đóng 1 triệu trước mắt cho kỳ đầu, xin các phụ huynh cho ý kiến?”, tiếng anh vang lên.

Một vị phụ huynh thẳng thắn phát biểu: “Em nghĩ 500.000 đồng là vừa, nhà em 3 đứa con đang đi học như vậy khoản chi đầu năm học quá lớn. Con em đứa lớn cũng học trường này bấy nhiêu năm, mọi khi cũng chỉ đóng 500.000 đồng quỹ cả năm học. Mà điều quan trọng thực ra không phải là 500 hay 1 triệu mà là thu chi cho hợp lý, lớp mình cũng đừng chơi trội quá”. Đúng là “ánh trăng nói hộ lòng tôi” mà không là “tiếng ai nói hộ lòng tôi” rồi.

Anh hội trưởng hội phụ huynh phản biện cho con số ban đầu anh vừa đưa ra: “Hiện tại chúng ta đã chi sơn tường, lắp điều hòa, mua máy chiếu, 100 ngàn cho quỹ phụ huynh nhà trường mỗi học sinh là khoản bắt buộc… Nếu vậy thì chọn phương án đóng 500 và khoản thu đầu năm chia đầu người, 100 quỹ trường. Như vậy quý vị thấy như thế có lắt nhắt không? Vì vậy, tôi mới đề nghị thu 1 triệu. Ngoài ra có nhiều khoản phải chi khác. Ví dụ như 20/11 con biểu diễn cần thuê biên đạo múa, thuê đồ cho các con biểu diễn, bồi dưỡng cho con cốc trà sữa…”. Tiếng xôn xao càng lớn thêm lên.

Tôi giật mình nhớ thời tôi đi học, cô trò tự biên đạo múa, phụ kiện chỉ là chiếc khăn bông bay. Bây giờ thì khi có tiền, người ta đầu tư để giành thứ hạng cao trong các phong trào thi đua và cuối cùng mọi thứ đổ lên đầu phụ huynh. Những cuộc marathon không báo trước, không cần “cố ý” bước vào vạch xuất phát bạn cũng ắt sẽ vào đường đua.

Tiếng anh trưởng ban phụ huynh vẫn vang bên tai: “Tôi nói thật vài trăm nghìn cũng không là gì, cũng chỉ bằng anh chị mua thêm chiếc váy, cái áo. Đầu tư cho con cái chẳng bao giờ lo lỗ cả, số tiền này cũng chỉ bằng bát phở xịn. Như chúng ta học trường công như thế này là đỡ được bao nhiêu chi phí rồi. Có phải các vị đang quá tính toán với con em mình không?”.

Từ lúc nào trưởng ban phụ huynh nghiễm nhiên được chọn là người nhanh nhẹn, tháo vát, giàu có  hoặc có địa vị trong xã hội? Họ dám nghĩ, dám làm, mọi quyết định rất nhanh và thường xông xênh trong các khoản chi. Điều đó khiến cho nhiều phụ huynh khác méo mặt theo. Tôi chợt nghĩ, nên chăng trưởng ban phụ huynh đừng nên bầu người giàu, họ phải là người đứng giữa để thuộc về số đông.

Vài ý kiến theo phe này, vài ý kiến theo người kia, câu chuyện mãi chưa đến hồi ngã ngũ. Một vị phụ huynh đưa ra phương án: “Vậy chốt 1 con số ở giữa, 800 ngàn”. Dường như không ai muốn tranh cãi thêm.

Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. 7 khoản không được thu đã được nhắc tới là: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Và rồi chúng tôi phải đóng tiền sơn sửa phòng học, lắp máy chiếu, lắp điều hòa, tiền vệ sinh (do cha mẹ nghĩ con không tự làm được)… Thông tư là thông tư, còn lớp vẫn có luật riêng, ai đó tự đặt ra, người thấp cổ bé họng không có tiếng nói, hoặc không dám đấu tranh như tôi phải chịu đựng “cuộc vung tiền” của một vị phụ huynh đại gia nào đó để lớp đứng số 1.

Cái lý được đưa ra là: Đóng tiền vào thì con mình được hưởng chứ có đi đâu mà thiệt? Nhà cũng chỉ có 1-2 con thì gắng lên 1 chút? Các vị nếu không có tiền đóng cho con “khoản nhỏ” như thế này thì phải xem lại chính mình?... Tôi chợt nghĩ đấy là còn chưa nói tiền học 2 buổi, tiền tiếng Anh liên kết, tiền kỹ năng sống, tiền học thêm…

Học ở trên lớp rồi sao vẫn phải học thêm? Chính tôi cũng tự đặt câu hỏi như thế nhưng vẫn bị cuốn vào phong trào học thêm ở lớp một cách tự nguyện do lo sợ các bạn đi học, còn con mình không đi thì có tụt hậu? Tôi vẫn chưa biết con số cuối cùng tháng đầu tiên năm học tôi phải đóng là bao nhiêu. Nhưng nhiều khả năng sẽ là 5-7 triệu/tháng cho một đứa trẻ theo học trường công lập.

Bài toán giáo dục vẫn loay hoay, cha mẹ stress vì công việc nơi công sở, về nhà đau đầu vì hóa đơn, đưa con tới trường thì chưa kịp nhìn ngó con học thế nào đã vấp phải “hóa đơn giáo dục” không như ý. Thương con thì ngậm miệng mà “cố”, rồi áp lực càng đè lên vai.

Lũ trẻ cũng quay cuồng với lịch học chính, học thêm. Hệ thống cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia được  “vá” bằng tiền phụ huynh và những khoản thu “kín”, dù luật không cho phép nhưng ở đâu cũng có.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem