Thủ khoa trượt đại học - chuyện bình thường thời đa dạng phương thức tuyển sinh

Lương Lê Minh Thứ ba, ngày 29/08/2023 15:18 PM (GMT+7)
Ngay sau khi các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT, đã xuất hiện thông tin gây xôn xao dư luận: Thủ khoa khối A đã trượt nguyện vọng 1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội. “Thủ khoa trượt đại học” là hàng tít hấp dẫn cho báo chí, nhưng chưa phản ánh đầy đủ sự việc.
Bình luận 0

“Thủ khoa trượt đại học” là hàng tít hấp dẫn cho báo chí, nhưng chưa phản ánh đầy đủ sự việc. Không thể đánh giá việc tuyển sinh vào đại học năm 2023 bằng tư duy cũ, góc nhìn cũ của năm 2003.

Toàn cảnh sự việc như sau: Có hai thí sinh quê Bắc Giang và Hưng Yên đạt tổng điểm khối A00 (ba môn Toán, Vật lý, Hóa học) là 29,35, là tổng điểm ba môn cao nhất cả nước, là thủ khoa khối A00 trong kì thi THPT. Tuy nhiên, điểm môn Toán của hai thí sinh này chỉ là 9,6.

Tuy nhiên, khi hai thí sinh này xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường lại sử dụng công thức tính điểm xét tuyển riêng, trong đó môn Toán được nhân hệ số 2 để nhấn mạnh tư duy toán học trong tuyển sinh. Vì vậy, điểm xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội của hai thí sinh này chỉ là 29,21, thấp hơn điểm chuẩn của ngành là 29,42. Trong khi đó, có những thí sinh có tổng điểm ba môn thấp hơn, nhưng đạt điểm 10 môn Toán, nên khi tính điểm xét tuyển theo công thức của Đại học Bách khoa Hà Nội thì lại đạt điểm cao hơn, và đỗ vào ngành IT1 của nhà trường. 

Nói cách khác: Hai thí sinh nói trên là thủ khoa khối A00 của kì thi tốt nghiệp THPT, nhưng không phải là thủ khoa của kì thi xét tuyển vào ngành IT1 Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Thủ khoa trượt đại học” - nghe qua thì bất thường, nhưng tìm hiểu kĩ thì sẽ thấy rất bình thường. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, ngành công nghệ thông tin có nhu cầu rất lớn và đãi ngộ rất cao đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, không khó hiểu khi ngành Khoa học máy tính (IT1) là ngành “hot” nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội, với điểm chuẩn đầu vào rất cao theo tất cả các phương thức xét tuyển.

Năm 2023, ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ tuyển 300 sinh viên. Nhà trường đã thực hiện đa dạng hóa phương thức xét tuyển, như xét tuyển tài năng (dành cho thí sinh có giải quốc gia, có chứng chỉ quốc tế, v.v…), xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy (TSA) do nhà trường tổ chức, và cuối cùng là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trên thực tế, trước khi có điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, đã có rất nhiều thí sinh trúng tuyển vào ngành IT1 nói riêng và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung bằng các phương thức khác. Và nói một cách công bằng, những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác cũng rất xuất sắc, không kém gì hai thí sinh thủ khoa khối A00 nói trên.

Ví dụ, để vào ngành IT Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn theo kết quả thi Đánh giá tư duy là 83,9/100 (thí sinh phải nằm trong top 5% điểm cao nhất kỳ thi mới đỗ). Với xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, thí sinh phải đạt 1500/1600 SAT (bài thi chuẩn hóa của Collge Board dùng trong tuyển sinh đại học của Mỹ), thuộc top 1% thế giới; trong đó, môn Toán phải đạt 750/800. Để so sánh, điểm SAT trung bình của sinh viên trúng tuyển đại học Mỹ năm 2021 là 1060/1600. Chỉ 12 trường đại học có mức điểm SAT trung bình của sinh viên từ 1500 trở lên.

Sự xôn xao của dư luận những ngày qua đang phản ánh một thực trạng đáng lo hơn: Trong khi phương thức xét tuyển vào các trường đại học đang thay đổi rất mạnh mẽ, thì tâm thế, tư duy, hiểu biết của đông đảo nhân dân trong xã hội (trong đó bao gồm rất nhiều học sinh, phụ huynh, và thầy cô giáo) vẫn cực kì mù mờ, có thể nói là chậm hơn 20 năm so với thực tế. Điều này gây ra những bất lợi rất lớn cho nhiều học sinh, khi không nhận được sự định hướng, hướng dẫn đầy đủ từ gia đình, thầy cô trên con đường vào đại học.

Khái quát lại lịch sử tuyển sinh vào đại học ở Việt Nam trong 20 năm qua, có thể chia làm mấy giai đoạn lớn:

Từ năm 2001 trở về trước, các trường đại học tự tổ chức kì thi riêng. Thí sinh đăng kí dự thi bao nhiêu trường, thì phải trải qua bấy nhiêu kì thi. Điều này rõ ràng là gây tốn kém không cần thiết cho các trường và thí sinh.

Từ năm 2002 trở đi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tổ chức kì thi đại học, còn gọi là kì thi “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi, sử dụng chung kết quả thi). Kì thi “ba chung” được tổ chức hằng năm, sau kì thi tốt nghiệp THPT khoảng một tháng. Kết quả kì thi đại học được sử dụng để tuyển sinh vào tất cả các trường đại học - cao đẳng trên toàn quốc, chỉ có một số ít các trường thuộc lực lượng vũ trang hay trường nghệ thuật có kì sơ tuyển riêng.

Từ năm 2015, hai kì thi đại học và thi tốt nghiệp THPT được nhập lại thành một kì thi THPT quốc gia. Kết quả thi THPT quốc gia vừa sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học - cao đẳng. Cùng với đó, nhiều trường đại học bắt đầu manh nha triển khai các phương thức tuyển sinh riêng, theo hướng đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu triển khai kì thi Đánh giá năng lực HSA. Năm 2018, Đại học Quốc gia TP.HCM bắt đầu triển khai kì thi Đánh giá năng lực APT. Đây là những ví dụ tiêu biểu cho việc đa dạng hóa phương thức xét tuyển và tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học.

Từ năm 2020 trở đi, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cũng như do nhiều trường đại học đã triển khai phương thức tuyển sinh riêng, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn tổ chức kì thi THPT quốc gia với hai vai trò, mà chỉ còn kì thi tốt nghiệp THPT với vai trò duy nhất là xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Nói cách khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo gần như “buông tay” trong kì thi đại học, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Trên thực tế, nhiều trường đại học vẫn xét tuyển bằng kết quả kì thi THPT, nhưng các phương thức xét tuyển khác đang ngày càng phát triển rộng rãi.

Việc đa dạng hóa phương thức xét tuyển đại học là xu hướng chung trên toàn cầu, mà Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đa dạng hóa phương thức xét tuyển đề cao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, cho phép lựa chọn được thí sinh theo những tiêu chí phù hợp với nhà trường và với đặc thù ngành. Gần đây nhất, ngành Công an - một lực lượng vũ trang - cũng đã triển khai kì thi riêng của mình.

Ở góc độ thí sinh, đa dạng hóa phương thức xét tuyển cũng giảm bớt áp lực thi cử đi rất nhiều. Nếu như trước đây, kết quả 12 năm đèn sách trông cậy cả vào một kì thi duy nhất, thì hiện nay, các em có rất nhiều lựa chọn, nhiều con đường để vào đại học. Có nhiều em đã trúng tuyển vào các trường đại học từ trước khi kì thi tốt nghiệp THPT diễn ra, việc thi tốt nghiệp chỉ cần không bị điểm liệt là đạt yêu cầu.

Cũng vì vậy, khái niệm “thủ khoa” thực ra không còn mang ý nghĩa như trước đây. Khi tổ chức kì thi “ba chung”, chung đề, chung thang điểm, chung cách đánh giá, thì thủ khoa là người đạt điểm số cao nhất của từng khối thi trong kì thi đó. Còn hiện nay, với rất nhiều học sinh xuất sắc, việc thi tốt nghiệp THPT chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục, các em không nhất thiết phải “sống chết” dồn hết sức lực cho kì thi này như trước nữa. Và sẽ không hiếm những trường hợp thủ khoa thi tốt nghiệp THPT nhưng lại không đạt được nguyện vọng vào ngành học mình yêu thích, vì chính sách xét tuyển đã thay đổi theo hướng đa dạng hóa.

Trong xu thế chung đó, điều đáng nói là nhận thức và tư duy của rất nhiều người dân lại vẫn “đóng băng” theo cách thức của giai đoạn thi “ba chung” trước đây, coi kì thi đại học là con đường duy nhất. Tư duy này dẫn đến việc “so sánh”, “xếp hạng” các trường đại học dựa trên điểm chuẩn như trước đây, trong khi phương thức tuyển sinh đã trở nên đa dạng hơn nhiều.

Hằng năm, báo chí vẫn đưa ra những “bảng xếp hạng” điểm chuẩn của các trường đại học, mà không chỉ ra rằng đó chỉ là điểm chuẩn của phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT. Điều này còn dẫn đến hiện tượng tiêu cực, đó là một số trường đại học dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ (không cần phải thi), nhưng để lại một số rất ít chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT, dẫn đến điểm chuẩn của nhà trường cao vọt lên chót vót; nhưng mức điểm chuẩn này không phản ánh thực chất mặt bằng năng lực của thí sinh thi vào trường (đa số đã xét tuyển bằng học bạ). 

Khi đa dạng hóa phương thức xét tuyển, kì thi THPT gần như đã trở thành lựa chọn cuối cùng. Có thể thấy rõ xu hướng là các trường đại học lớn, có uy tín đều triển khai các phương thức tuyển sinh riêng, để sớm tuyển sinh được những học sinh ưu tú nhất, phù hợp với nhà trường nhất. Nếu như không nắm bắt thông tin, không được định hướng sớm để ôn luyện phù hợp với các bài thi tuyển sinh riêng của nhà trường, thí sinh sẽ rất khó có cơ hội trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi THPT.

Trong tương lai ngắn hạn khi triển khai đa dạng hóa phương thức xét tuyển, một hiện tượng dễ nhận ra, đó là những học sinh ở các đô thị lớn, những học sinh trường chuyên, học sinh có bố mẹ là cán bộ, công chức nhà nước, thuộc tầng lớp trung lưu trở lên trong xã hội sẽ có lợi thế rất lớn về thông tin. 

Nhờ có hiểu biết, mối quan hệ, và tầm nhìn của cha mẹ, thầy cô mình, các em sẽ được định hướng từ sớm để ôn luyện theo các phương thức tuyển sinh riêng, có thể sớm sở hữu chứng chỉ tiếng Anh IELTS, có kết quả thi SAT, v.v… là những lợi thế lớn khi xét tuyển vào đại học. 

Trong khi đó, ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều em học sinh và nhiều bậc phụ huynh vẫn quan niệm coi kì thi THPT là con đường duy nhất để vào đại học, dẫn đến các thí sinh phải chịu bất lợi rất lớn. 

Như trường hợp của em thí sinh thủ khoa khối A00 nhưng lại trượt ngành IT1 Đại học Bách khoa Hà Nội, khi trả lời phỏng vấn của báo chí, mẹ của thí sinh này cũng tỏ ra không hiểu rõ về phương thức tuyển sinh của nhà trường. Đây là điều đáng tiếc, vì giá như được gia đình, thầy cô định hướng tốt hơn, với năng lực xuất sắc của mình, nam sinh quê Hưng Yên hoàn toàn có thể đạt được nguyện vọng của mình.

Cũng cần nói thêm rằng: Cơ hội vào được ngành học yêu thích vẫn chưa hoàn toàn khép lại với nam sinh thủ khoa này. Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội đã kịp thời lên tiếng, khuyến khích em này sau khi nhập học sẽ thi tuyển vào chương trình Kĩ sư tài năng ngành Khoa học máy tính. Lại thêm một ví dụ nữa cho thấy việc nắm bắt thông tin có ý nghĩa như thế nào với con đường học vấn của học sinh!

Để khắc phục tình trạng mất cân xứng này trong ngắn hạn là điều rất khó khăn, nhưng bắt buộc phải làm, và cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, nhưng cần có những nỗ lực tuyên truyền, có chính sách điều tiết phù hợp để tất cả các em học sinh trên cả nước đều có thể được hưởng lợi từ chủ trương đa dạng hóa phương thức xét tuyển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem