Blackpink và bát phở trị giá 280.000 đồng

Khánh Yến Thứ ba, ngày 01/08/2023 21:35 PM (GMT+7)
Rosé (thành viên nhóm nhạc Blackpink) ăn bát phở 280.000 đồng trong một nhà hàng cao cấp tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Bình luận 0

Việc Rosé chi 280.000 đồng ra ăn phở với đại đa số người Việt là đắt đỏ. Thế nhưng, ở vị trí của một ngôi sao quốc tế, Rosé hoàn toàn xứng đáng tận hưởng món ăn mình yêu thích, với một mức giá không phổ cập. 

Khoảng cách thế hệ

Cách Rosé ăn phở cũng không khác biệt nhiều với việc những người hâm mộ Việt Nam sẵn sàng bỏ 9.800.000 đồng để mua vé VIP tham dự concert Blackpink, mặc sự chỉ trích về hoang phí và "đua đòi" dư luận. Sau một loạt đồn đoán về việc ế vé, concert của Blackpink vẫn phủ kín hầu hết chỗ ngồi, thu hút khoảng 30.000 khán giả mỗi đêm, khiến khán giả mê say, sung sướng - điều mà trước đó chỉ Mỹ Tâm mới làm được tại sân vận động Mỹ Đình. 

Không khó để nhận định, những người bỏ tiền mua vé cho concert Blackpink đa phần thuộc thế hệ 7X đổ về sau. Với 7X và 8X, họ hầu hết đã có sự nghiệp ổn định, dư dả về kinh tế để bỏ tiền ra mua vé cho con. Nguyên nhân quan trọng hơn là những người này quen thuộc với văn hoá Pop, cũng đã từng thần tượng Back Street Boys, Spice Girls hoặc một nghệ sĩ quốc tế tương tự. Những kiến thức về kỹ năng sống được phổ cập khiến họ chú trọng việc làm bạn với con, trao đổi với con về sở thích, nhu cầu. Chính vì vậy, họ chia sẻ được với con về niềm đam mê dành cho thần tượng.

Thế hệ 9X và gen Z dễ hiểu hơn, khi là người hâm mộ trung thành nhóm nhạc này, hoặc chịu chi phối bởi sự ảnh hưởng của Blackpink trên toàn cầu. Sau gần 30 năm làn sóng Hallyu xuất hiện, bằng sự mở đường của các nhóm nhạc thuộc thế hệ gen 1 (H.O.T, Shinhwa, S.E.S...), sự chiếm lĩnh dần dà của gen 2 (Big Bang, SNSD, 2NE1...), người Hàn đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc "nhân bản" thần tượng. Họ tạo nên Blackpink và BTS – những "phiên bản cao cấp" hội đủ yếu tố quốc tế: Đồng đều về ngoại hình, vũ đạo, khả năng nói tiếng Anh tốt, kỹ năng giao tiếp ứng xử được đào tạo bài bản, dòng nhạc dễ tiếp cận với thị hiếu quốc tế, phương thức truyền thông, tổ chức fan club (câu lạc bộ người hâm mộ) chuyên nghiệp, hiệu quả... Không cần hát live tốt,Blackpink vẫn chinh phục được cả những thị trường vốn khó tính và ít nhiều định kiến với K-pop như Mỹ, Bắc Âu, tạo được những concert 50.000 – 70.000 khán giả.

Với sự phủ sóng quốc tế của Blackpink, việc giới trẻ Việt thần tượng nhóm nhạc Hàn Quốc này không có gì kỳ lạ, cá biệt. Xu hướng chia sẻ những clip khóc cười của người hâm mộ nhóm nhạc này những ngày qua kèm sự nhạo báng, chỉ trích từ những người lớn tuổi, ở một khía cạnh khác lại mang lại cái nhìn kém văn minh và bó hẹp. Xét cho cùng, đã đến lúc khái niệm "cuồng" thần tượng nên thay đổi. Người trẻ hoàn toàn có quyền được làm những gì họ thích, kể cả hôn ghế, hôn bàn, đứng chờ thần tượng trước khách sạn, gào khóc trong một concert, nếu điều đó nhận được sự chấp nhận và không phiền toái tới cộng đồng xung quanh.

Sự chia sẻ về thần tượng giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa những người cùng thế hệ nhưng khác thần tượng, cùng thần tượng nhưng khác quốc gia là điều cần thiết trong một xã hội hiện đại, trong hoàn cảnh thế giới ngày càng phẳng. Chỉ khi những người ở độ tuổi lớn hơn chia sẻ được niềm yêu thích với thế hệ kế cận, họ mới dễ dàng nhận được sự chia sẻ ngược lại với thứ họ yêu thích và muốn người trẻ yêu thích như họ.

Và sự kỳ vọng

Tại sân vận động Mỹ Đình, trong đêm concert thứ 2, trước khoảng 30.000 người hâm mộ, Rosé khẳng định phở Việt quá ngon và miêu tả hành động "húp" nước dùng tới giọt cuối cùng. Trước đó, Rosé cũngnhiều lần chia sẻ bản thân là "fan cứng" của món phở. Cô ăn phở ở Australia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và nhiều lần được người hâm mộ tặng phở gói tại sân bay. Nhờ sức lan toả của Rosé, nhiều fan quốc tế tò mò và khẳng định họ sẽ thử món ăn này.

Dễ thấy phở Việt đang dần mở rộng thị trường trên toàn thế giới, chinh phục đông đảo khách hàng, trong đó có nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, để có một sự chuyển mình rõ rệt, đối với phở, các món ẩm thực khác, hay ngành công nghiệp văn hoá và du lịch Việt Nam, việc chỉ chờ đợi ở những "đại sứ" như Rosé là chưa đủ. Sự thay đổi cần tới từ bên trong, với cách làm thống nhất, kiên trì và vô cùng bền bỉ của cả nhà nước và doanh nghiệp. 

Trong Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá", ông Park Nark Jong - Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam từng khẳng định: Ngay khi những nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên bắt đầu tăng độ phủ sóng ở khu vực châu Á, chủ yếu là vào cuối những năm 90, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu quan tâm đến ngành công nghiệp văn hóa. Họ tập trung sửa đổi các luật, quy định hiện hành về văn hóa, ban hành 10 luật và quy định mới để tạo nền tảng tốt cho ngành công nghiệp văn hóa. 

Khi làn sóng Hallyu phát triển trên khắp thế giới, chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào một môi trường cạnh tranh bình đẳng và nghiêm ngặt bảo vệ bản quyền cho những người sáng tạo nội dung. Năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc dốc ngân sách 5,3 tỉ USD triển khai kế hoạch với 6 nhiệm vụ trọng tâm, một trong số đó là phát triển nền kinh tế văn hóa sáng tạo.

Concert Blackpink tại Hà Nội phần nào cho khán giả Việt thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hoá, sự khác biệt của những concert tầm cỡ quốc tế, nhưng để hiện thực hoá những kỳ vọng về phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá e là còn quá sớm. Nói như nhạc sĩ Quốc Trung, để xây dựng một nền công nghiệp sáng tạo, rất cần có những quy trình sản xuất, quản lý, truyền thông một cách khoa học, mà ởđó không có chỗ cho chộp giật, cũng chẳng có đường tắt để đón đầu.

Bát phở 280.000 đồng tại Hà Nội rồi cũng sẽ trôi nhanh trong ký ức của Rosé, cũng như cách đa phần công chúng lãng quên concert Blackpink tại Mỹ Đình. Điều chúng ta cần làm lúc này, chính là xây dựng cho họ những ký ức mới và đáng nhớ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem