Tranh luận quy định nồng độ cồn: Đại biểu đề nghị không nên sửa vì điều này

An Linh Thứ sáu, ngày 24/11/2023 17:43 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, không nên xem xét sửa quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, bởi nếu đã uống 1 chén rượu thì khả năng cao sẽ uống thêm 2- 3 chén.
Bình luận 0

Không nên bàn việc thay đổi quy định về nồng độ cồn

Chiều nay 24/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều ý kiến đóng góp còn khác nhau về dự thảo luật, trong đó có quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, quy định lắp đặt giám sát hành trình và quy định bật đèn chiếu sáng khi tham gia giao thông trong điều kiện thiếu sáng.

Tranh luận về uống rượu lái xe: Đại biểu đề nghị cấm ngay từ đầu vì uống 1 chén sẽ uống thêm 2, 3 chén - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn Đồng Tháp - Ảnh: QH.

Cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Việc cấm rượu bia tham gia giao thông là cần thiết, có hiệu quả. Tuy nhiên, theo đại biểu quy định về nồng độ cồn bằng 0 nên xem lại vì "thực tế người có uống rượu bia có ngủ qua đêm vài giờ, có trường hợp có ăn đồ ăn chế biến cùng rượu, bia ăn rất ngon, người ăn xong có nồng độ cồn bị xử lý".

Liên quan đến vấn đề bắt buộc đối lắp đặt camera hành trình với mọi loại xe cá nhân, theo ông Hòa là quá rộng. Đại biểu này cho rằng: Quy định này chưa phù hợp trong bối cảnh người dân còn khó khăn, gắn camera rất nhạy cảm, vi phạm quyền tự do cá nhân của người dân, nên đề nghị xem lại.

Cho ý kiến và phản biện các quan điểm cân nhắc tỷ lệ nồng độ cồn thích hợp, đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang ủng hộ quan điểm cấm người điều khiển giao thông có nồng độ rượu bia như trong dự thảo Luật, bởi lẽ tác hại người tham gia giao thông có nồng độ cồn là rất lớn.

Tác hại nghiêm trọng của người tham gia giao thông có nồng độ cồn là trên 50% do người lái xe có nồng độ cồn trong máu và hơn thế. Ông Thịnh cho rằng: "Luật phải tường minh, người tham gia giao thông phải biết và đánh giá mức độ vi phạm giao thông khi uống rượu bia. Giữa lựa chọn có uống và cấm uống rượu bia, thì cấm uống rượu bia sẽ tường minh cho người dân hơn thay vì lựa chọn uống mức độ nào. Người dân có thể tự đánh giá là vi phạm hay không vi phạm giao thông nếu Luật cấm có nồng độ cồn trong hơi thở".

Tranh luận về uống rượu lái xe: Đại biểu đề nghị cấm ngay từ đầu vì uống 1 chén sẽ uống thêm 2, 3 chén - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang - Ảnh: QH.

Đại biểu cho rằng, việc cho phép uống rượu bia ở ngưỡng nào đó sẽ thúc đẩy hành vi vi phạm. Vì "tâm lý học hành vi nếu đã uống 1 chén rượu thì khả năng cao sẽ uống thêm 2- 3 chén thay vì dứt khoát không uống rượu bia ngay từ đầu", ông Thịnh nêu.

Theo ông này, thông thường bản thân người uống không biết đã đến ngưỡng hay chưa, nồng độ cồn thay đổi theo thời gian vào cơ thể nên quy định có ngưỡng nồng độ cồn sẽ dung túng cho vi phạm người lái xe.

Đặc biệt, theo đại biểu trong điều kiện ý thức chấp hành của người tham gia giao thông của xã hội nói chung và đại bộ phận người dân nói riêng vẫn còn chưa cao, việc quy định cấm uống rượu bia và xử phạt người có nồng độ cồn trong hơi thở khi tham gia giao thông sẽ phù hợp hơn. 

Ông Thịnh khẳng định, quy định về cấm người tham gia giao thông uống rượu bia tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không mới bởi quy định này mới có hiệu lực trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và mới thực hiện mạnh trong năm 2022 và đang cho thấy tác động rất tốt trong kiềm soát tai nạn giao thông. 

"Theo tôi việc thay đổi trong thời điểm hiện nay là không hợp lý, không nên bàn về việc thay đổi này", ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thì cho rằng, đi và trở về nhà an toàn là niềm hạnh phúc của mỗi người và mỗi gia đình, và thật đau lòng khi mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người và khoảng 30.000 người khác thương tật. 

Tranh luận về uống rượu lái xe: Đại biểu đề nghị cấm ngay từ đầu vì uống 1 chén sẽ uống thêm 2, 3 chén - Ảnh 3.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông - Ảnh: QH.

"Nhiều trường hợp là gánh nặng cho người thân, gia đình khi bị tàn tật suốt đời, mất khả năng lao động. Chưa bao giờ, việc tham gia giao thông, nỗi lo lắng lại nhiều như bây giờ", ông Mai nhấn mạnh.

Theo đại biểu, việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được Chính phủ thêm 1 bước mới trong nhiệm vụ lập pháp, nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, thực tế phát sinh nghiêm trọng của tình trạng tại nạn giao thông đang rất đáng lo ngại như hiện nay.

Liên quan quy định tham gia giao thông phải bật đèn xe từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau là chưa phù hợp vì trong điều kiện thời tiết bình thường, 18 giờ trời đã tối, và 5 giờ sáng trời chưa sáng hẳn. Độ sáng tối còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khu vực, các mùa trong năm. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định giờ chiếu sáng phù hợp với khu vực, mùa để đảm bảo có tính hiệu quả, sát thực tế.

Liên quan đến nồng độ cồn trong hơi thở đang được các đại biểu đưa ra bàn thảo, ông Mai cho rằng có nhiều đại biểu băn khoăn vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo. 

"Dù sao đi chăng nữa, mức độ cồn như nào thì cũng phải đảm bảo quyền con người khi 2-3 chăng nữa, phải an toàn của chủ thể an toàn giao thông", ông Mai nói.

Về quy định lắp đặt giám sát xe cá nhân, trong đó có camera hành trình, ông Mai cho rằng trong điều kiện người dân còn khó khăn, xe cá nhân chỉ nên khuyến khích chưa nên bắt buộc. "Việc bắt buộc chỉ nên thực hiện đối với xe kinh doanh dịch vụ, xe hàng, xe khách di chuyển nhiều, phạm vi rộng", ông Mai nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem