Đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng về quy định "cấm lái xe khi có nồng độ cồn"

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 24/11/2023 15:17 PM (GMT+7)
Chiều 24/11, Quốc hội thảo luận về dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là dự luật nhận được nhiều ý kiến của ĐBQH trong phiên thảo luận tại tổ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quy định "cấm lái xe khi có nồng độ cồn".
Bình luận 0

Phát biểu thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) dẫn khoản 1, Điều 8 dự thảo luật quy định cấm lái xe khi có nồng độ cồn. Theo đại biểu, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm cũng như nhiều ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại buổi thảo luận ở tổ trước đó.

"Quy định này có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng khi tham gia giao thông. Không chỉ theo tập quán phong tục của người Việt Nam, những yếu tố này chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như chưa đảm bảo tính khoa học. Bởi vì, theo các chuyên gia y tế cũng như thực tế, có những người trong thời gian điều khiển phương tiện giao thông hoặc ngày đó không sử dụng bia rượu hoặc chất có nồng độ cồn, nhưng do điều kiện cơ thể sinh học hoặc trong quá trình chuyển hóa thức ăn có thể trong thời điểm đó thì trong hơi thở có nồng độ cồn vượt trên mức số 0", bà Phúc nói.

Đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng việc sửa điều luật "cấm lái xe khi có nồng độ cồn" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Quốc hội

Nữ đại biểu đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia, để nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này, làm sao khi luật ban hành được sự quan tâm, ủng hộ, thực hiện tốt hơn.

Cũng góp ý vào các hành vi bị cấm tại Điều 8, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này góp phần rất quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất theo quy định của dự thảo Luật.

Trong giải trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng ký gửi Quốc hội nêu quan điểm khá thận trọng.

Theo giải trình, với quan điểm tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện tại quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm.

"Quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm)", báo cáo giải trình nêu.

Vẫn theo báo cáo giải trình, thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.

Do đó, đối với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh cả đường thuỷ, đường sắt và hàng không (không chỉ đề cập đường bộ), phải sửa luật đường thuỷ, luật đường sắt, luật hàng không.

Chính phủ giải trình, cho hay: Trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa thì trật tự, an toàn giao thông đường bộ có diễn biến phức tạp nhất và đang phát sinh nhiều bất cập, bức xúc nhất. Tai nạn giao thông đường bộ chiếm 98% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương của các lĩnh vực giao thông, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ rất phổ biến, chiếm tỷ lệ trên 97% tổng số hành vi vi phạm của các lĩnh vực giao thông.

Cạnh đó, đường bộ là nơi diễn ra nhiều hoạt động phạm tội, các vấn đề về an ninh, trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Giao thông đường bộ liên quan, tác động trực tiếp hàng ngày đến quyền con người, liên quan đến nhiều mặt của đời sống kinh tế- xã hội và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Số lượng người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nhiều nhất so với các lĩnh vực giao thông khác như hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy, vì lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy là những lĩnh vực giao thông đặc thù có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật rất cao và phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế rất chặt chẽ, không chỉ là an toàn giao thông mà còn là vấn đề an ninh hàng không, an ninh hàng hải.

"Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đối với các lĩnh vực giao thông khác, căn cứ vào tổng kết đánh giá khoa học và yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi, bổ sung phù hợp", báo cáo giải trình nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem