Tình trạng lạm thu đầu năm học: Phải có “sàn” thu - chi cho các trường

Tùng Anh Thứ năm, ngày 14/09/2017 06:30 AM (GMT+7)
Đó là đề xuất của thạc sĩ Lê Thị Lan Anh (ảnh) – Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt để giải quyết “vấn nạn” lạm thu đang nhức dư luận vài ngày nay. Phóng viên Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Lan Anh xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Không ủng hộ vấn đề lạm thu, tuy nhiên bà Lan Anh lại cho rằng, muốn tránh việc các trường tìm cách lạm thu thì phải có cơ chế để cho họ thu chi một cách danh chính, ngôn thuận.

“Đến hẹn lại lên” sau tiếng trống khai giảng, vừa qua, dư luận lại dậy sóng bởi hàng chục khoản thu đầu năm học mới tại một số trường ở khu vực nông thôn. Có những phiếu thu của học sinh lớp 1 lên tới 10 triệu đồng, với nhiều khoản vô lý gây những nhối. Bà có nhận định gì về hiện tượng này?

- Tôi không ủng hộ vấn đề lạm thu. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn lại một số vấn đề liên quan đến sự thay đổi của chính sách thích ứng với điều kiện phát triển thực tế. Ví dụ, nhiều trường có thu của phụ huynh cho mục lao công, bảo vệ. Nếu so với trước đây, những mục này rất vô lý, nhưng thực tế lại không còn như vậy. Thời chúng tôi đi học, học sinh phải tự trực nhật, phân công lau bàn ghế, quét sân trường, học sinh mắc lỗi bị phạt cọ rửa nhà vệ sinh… Và học sinh thực hiện việc lao động này dưới sự giám sát của đội cờ đỏ. Bây giờ thì sao? Con cái chúng ta không còn phải làm những việc đó nữa.

Tất cả là việc của các cô lao công và đội ngũ tạp vụ giúp việc ở các trường. Nếu như các trường không xin được biên chế cho đội ngũ này thì đương nhiên phụ huynh phải đóng góp, nếu không thì con cái mình phải tự làm. Đây chỉ là ví dụ rất nhỏ để chứng minh, thực tế chính sách của ta chưa theo kịp nhu cầu phát triển của môi trường giáo dục. Chính vì vậy, những khoản thu này theo chính sách sẽ bị liệt vào lạm thu và không được ủng hộ. Nhưng thực tế thì trường không thể không thu những khoản như vậy khi ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước không đủ và họ không có nguồn tài trợ.

Đương nhiên không vin vào đó để ủng hộ lạm thu. Quan điểm của tôi là không ủng hộ lạm thu, nhưng mình phải hướng đến một giải pháp triệt để là Bộ GDĐT, các Sở GDĐT và UBND các tỉnh, quận, huyện cần có định hướng, quy định rõ ràng hơn nữa về mặt tài chính để cho các trường dựa vào văn bản đó để làm và làm đúng.

img

  Các khoản thu đầu năm học luôn là nỗi lo của các phụ huynh học sinh (ảnh minh họa).  T.L

Khi thu bất kỳ một khoản nào, trường học cần làm công tác truyền thông thật tốt. Trong buổi họp cần làm rõ cho phụ huynh biết, thu khoản này dùng để làm gì, đáp ứng cho việc dạy và học của học sinh như thế nào, sau đó lấy ý kiến của phụ huynh”.
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh
 

Theo bà, có biện pháp nào để giải quyết triệt để vấn đề lạm thu gây nhức nhối hiện nay?

- Quan điểm của tôi hơi khác biệt một chút. Bây giờ, để tránh lạm thu phải cho người ta thu một cách danh chính ngôn thuận. Có nghĩa là, mình phải có một chính sách tổng thể trao quyền tự chủ cho các trường. Các trường sẽ được quyền tự thu, tự chi trong một khuôn khổ nhất định.

Nếu giao tự chủ tài chính, làm cách nào để giám sát tránh tình trạng hiệu trưởng trở thành “vua một cõi” tự tung tự tác thu chi dẫn đến chi sai, chi quá?

- Như tôi nói ở trên, “sàn” thu chi chính là quy định cứng để giới hạn việc thu – chi các khoản ngoài ngân sách nhà nước. Để làm được điều này, bản thân các hiệu trưởng và Ban giám hiệu các trường cần được tập huấn làm rõ mức thu chi phù hợp, bên cạnh đó phải có những văn bản quy định để họ làm đúng. Hiện nay, một số trường chất lượng cao cũng đã được giao quyền tự chủ, nhưng theo tôi được biết thực chất vẫn chỉ là tự chủ trong nửa vời thôi. Thực tế, nhất cử nhất động và từ những việc nhỏ nhất họ vẫn phải báo cáo. Chính điều này đã tạo ra một sức ỳ lớn, độ vận hành linh hoạt về mặt tài chính và quyết định việc thu chi không có vì họ không có cái quyền đó. Chính vì vậy, chỉ cần một tin nhắn, một cái đơn của phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình là hiệu trưởng đã “điêu đứng” rồi.

Ngoài ra, để giám sát, phải có ban thanh tra, kiểm tra những khoản thu của trường. Đó là ban phụ huynh trường, ban phụ huynh các khối lớp. Sẽ giao trực tiếp là những người thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thu chi đấy.  Những phụ huynh này phải làm hết trách nhiệm của mình để biết được rằng những khoản thu của mình được duy trì thế nào?

Hiện tại, rất nhiều phụ huynh không đồng tình với các khoản thu của nhà trường xong không dám nói trong các buổi họp vì sợ con bị trù dập. Tuy nhiên, sau đó lại đưa thông tin lên mạng xã hội gây bức xúc. Theo bà, cần có giải pháp gì trong mối quan hệ này?

- Khi thu bất kỳ một khoản nào, trường học cần làm công tác truyền thông thật tốt. Trong buổi họp cần làm rõ cho phụ huynh biết, thu khoản này dùng để làm gì, đáp ứng cho việc dạy và học của học sinh như thế nào, sau đó lấy ý kiến của phụ huynh. Ngược lại, phụ huynh cũng cần hành xử đúng mực hơn nữa. Khi thấy điều bất cập cần có ý kiến ngay trong cuộc họp, nếu không được thì ý kiến lên hiệu trưởng để làm rõ. Khi không thể tự giải quyết được với nhà trường mới cần đến sự can thiệp khác.

Xin cảm ơn bà! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem