Thu phí hoàn vốn Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, vì sao khó triển khai?

Quốc An Thứ hai, ngày 28/12/2020 14:00 PM (GMT+7)
Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất UBND TP cho phép thu phí trạm BOT xa lộ Hà Nội kể từ ngày 1/11/2020. Sau đó, việc thu phí này tiếp tục bị lùi đến 1/12. Mới đây, UBND TP đã tiếp tục giao Sở GTVT chủ trì để hoàn chỉnh phương án giá sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án.
Bình luận 0

Tiếp tục… chờ

Theo thông tin trước đó, trạm BOT xa lộ Hà Nội sẽ chính thức được thu phí từ 0h ngày 1/12/2020, thời hạn này là trễ so với hợp đồng đã ký hơn 2 năm. Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó giám đốc Ban điều hành Dự án xa lộ Hà Nội mở rộng cho biết, việc thu phí vẫn chưa được triển khai. Bởi việc thu phí liên quan đến người dân, doanh nghiệp vận tải và do đang ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, nên thành phố đang trình Ban thường vụ Thành ủy thông qua, sau đó còn rà soát, tính toán lại mức phí, thời gian hoàn vốn… 

Thu phí hoàn vốn Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, vì sao khó triển khai? - Ảnh 1.

Tổng mức đầu tư vào Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội tính đến ngày 31/12/2018 đã hơn 3.016,298 tỷ đồng.

"Chúng tôi đang rất mong được thu phí hoàn vốn sớm nhất. Bởi như tính toán từ trước, thời gian thu phí dự kiến là 17 năm 9 tháng. Nếu chậm được thu phí sẽ dẫn đến lãi vay tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách của TP", ông Nam nói.

"Việc thu phí càng trễ sẽ khiến thời gian thu phí càng giãn ra. Nhìn tổng thể việc này sẽ không có lợi cho mọi mặt", ông Nam lý giải thêm.

Được biết, trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất UBND TP cho phép thu phí trạm BOT xa lộ Hà Nội mở rộng (đoạn từ ngã ba Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn - Đồng Nai), kể từ ngày 1/11/2020. Sau đó, việc thu phí này tiếp tục bị dừng đến 1/12.

Giải thích về đề xuất cho Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) thu phí trước khi dự án hoàn thành, Sở GTVT cho rằng, dù chưa được thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, nhưng CII đã bỏ kinh phí đầu tư dự án từ năm 2009 đến nay, hoàn thành được hơn 76% khối lượng dự án (những phạm vi còn lại chưa hoàn thành là do còn vướng BPMB), CII đã và đang phải ứng vốn thực hiện công tác quản lý và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên phần mặt đường, chăm sóc bảo dưỡng cây xanh...

Đồng thời, sẽ phát sinh tăng thêm chi phí lãi vay, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu do kéo dài thời gian bắt đầu thu. Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ dẫn đến công ty khó có khả năng hoàn vốn dự án, cũng như khó tiếp tục thực hiện phần còn lại của dự án.

Vì sao khó triển khai?

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, do Dự án xa lộ Hà Nội mở rộng là dự án BOT nên thông thường chủ đầu tư phải hoàn thành xong, phải trải qua bước kiểm toán thì mới được đưa vào thu phí. Đồng thời, chủ đầu tư phải dựa trên cơ sở giá thành kiểm toán của cơ quan chức năng đủ thẩm quyền mới xác định được thời gian và giá dịch vụ cụ thể. Khi chưa hoàn chỉnh theo luật định, nhà đầu tư thu phí sẽ khó nhận được sự đồng thuận của người dân, cá nhân, các tổ chức, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ.

Thu phí hoàn vốn Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, vì sao khó triển khai? - Ảnh 2.

Mảng xanh trên xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 2.

Tuy nhiên, trường hợp của Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội lại khá… đặc thù. Đặc thù này là do công tác giải phóng mặt bằng của các đơn vị được UBND TP giao khá chậm chạp, thêm vào đó là do có "dự án chồng dự án" nên việc hoàn thành sớm dự án này là bất khả kháng. Còn về mặt kiểm toán thì Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán dự án vào tháng 8/2019 và xác nhận tổng chi phí đầu tư vào dự án tính đến ngày 31/12/2018 đã hơn 3.016,298 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị: Thành phố xem xét sớm cho phép tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, để hoàn vốn theo đúng quy định của Hợp đồng BOT nhằm hạn chế phát sinh chi phí sử dụng vốn của dự án.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, khẳng định: "Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chúng tôi đã có báo cáo lên UBND TP, nếu có mặt bằng sạch thì phần dự án trên địa bàn TP.HCM chỉ trong sáu tháng kể từ lúc bàn giao mặt bằng là chúng tôi làm xong, phần Bình Dương là 12 tháng".

Theo ông Nam, nếu thu phí theo đúng hợp đồng (tức từ 1/10/2018), thì tổng thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 19 tháng. Nhưng nếu việc thu phí bị chậm trễ một năm, thì thời gian thu phí sẽ phải kéo dài thêm khoảng sáu năm. 

"Bởi dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, ngoài tiền vốn sở hữu 20% của nhà đầu tư thì còn có 80% vốn vay thương mại, nên nếu không được thu phí hoàn vốn thì để càng lâu lãi cộng dồn càng lớn. Theo kết quả kiểm toán, tổng chi phí đầu tư vào dự án tính đến ngày 31/12/2018 đã hơn 3.016,298 tỷ đồng, cộng thêm lãi phát sinh và một số hạng mục cần thanh quyết toán tiếp, đến tháng 8/2020 tổng chi phí đầu tư đã lên đến 4.028 tỷ đồng", ông Nam thông tin.

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, mức cho phép thu phí trạm BOT xa lộ Hà Nội như sau: Ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng/lượt; ôtô từ 12-30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 45.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 60.000 đồng/lượt; xe tải từ 10-18 tấn, xe container loại 20 feet là 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet là 170.000 đồng/lượt. Trường hợp mua vé tháng được giảm 10%.

Bên cạnh đó, miễn phí 11 nhóm xe, trong đó có xe cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát; Xe buýt TP.HCM tuyến cố định chạy qua trạm; Giảm 50% cho ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, chủ xe có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng ở mặt tiền hai đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2, 9 và Thủ Đức). Giá thu sẽ điều chỉnh sau 5 năm hoạt động cho phù hợp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem