Lao công thu gom rác ngày đêm, lương không đủ sống, đơn vị kinh doanh càng làm càng lỗ

Hà Thanh Thứ sáu, ngày 15/04/2022 07:25 AM (GMT+7)
Mặc dù làm việc trong môi trường độc hại, công việc thu gom và xử lý rác thải vô cùng nặng nhọc, nhưng lương của những lao công đang làm việc tại HTX Nhất Tâm vẫn không đủ trang trải cuộc sống.
Bình luận 0

Hơn 10 năm mưu sinh bằng nghề lao công, chị Dương Thị Ánh Nữ (phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ngày ngày phải nếm trải những nhọc nhằn mà không phải ai cũng làm được.

Chị Nữ chia sẻ, công việc hằng ngày của chị là theo xe ô tô tải đến địa bàn các xã trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, thu gom rác và vận chuyển về bãi rác Phúc Thành, xã Hóa Trung để xử lý.

Khó khăn chồng chất khó khăn đằng sau giọt mồ hôi của những người lao công với thu nhập ít ỏi - Ảnh 1.

Hằng ngày, chị Nữ bắt đầu công việc thu gom rác thải từ rất sớm nhưng lương lao công như chị Nữ quá ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống (Ảnh: Hà Thanh)

Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, chị cũng phải thức dậy từ 3 giờ sáng để nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn cho con đi học rồi lại tất bật lên đường. Có những hôm thời tiết mưa dầm gió bấc, khó khăn vất vả lại càng nhân lên gấp bội.

Đúng 4 giờ sáng, xe rác bắt đầu khởi hành để đi đến các xã như: Hợp Tiến, Tân Lợi, Cây Thị hoặc vào tận các xã vùng sâu vùng xa như Tân Long, Hòa Bình để thu gom rác.

Dù công việc vất vả là vậy, nhưng chưa khi nào chị than thở mà vẫn nhiệt tình làm hết trách nhiệm, gắn bó với công việc. Thậm chí có những khi ốm đau, mệt mỏi, chị vẫn cố gắng để hoàn thành công việc.

Dù công việc nặng nhọc như vậy, nhưng thu thập của những lao công như chị vẫn vô cùng ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống. 3 năm trở lại đây, trừ chi phí đóng bảo hiểm, chị chỉ còn nhận được về 3 – 4 triệu đồng/tháng.

"Gắn bó với công việc này lâu nên thành quen. Dù thu nhập thấp nhưng chúng tôi biết ban lãnh đạo HTX cũng rất khó khăn nên không đòi hỏi gì cả. Tuy nhiên với mức tiền lương như hiện nay, quả thực chúng tôi không đủ chi tiêu để lo cho con cái và gia đình," chị Nữ tâm sự.

Không chỉ có chị Nữ, còn rất nhiều lao công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn tương tự.

Chị Lăng Thị Hảo (xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ngày nào cũng ra khỏi nhà khi trời còn tờ mờ sáng. Cho đến khi những chuyến xe chở rác cuối cùng trong ngày được đưa về bãi rác xử lý, cũng là lúc chị bước những bước chân mệt mỏi trở về nhà.

Khó khăn chồng chất khó khăn đằng sau giọt mồ hôi của những người lao công với thu nhập ít ỏi - Ảnh 2.

Khi những chuyến xe rác cuối cùng được đưa về bãi rác để xử lý xong xuôi, những người lao công mới có thể trở về nhà trong tình trạng mệt nhoài và trời đã xế bóng. (Ảnh: Hà Thanh)

Chị Hảo chia sẻ, công việc thu gom rác, xử lý rác thải rất vất vả. Ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc vô cùng khó chịu dù đã đeo khẩu trang, còn ngày mưa thì ướt sũng, nước bẩn ngấm vào người.

Chị Hảo cũng như 9 lao công khác của HTX Nhất Tâm đều hưởng mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, trừ bảo hiểm, thu nhập còn 3,4 triệu đồng. Còn lái xe chở rác thì thu nhập cao hơn, với mức 4,3 triệu đồng/tháng."

"Sau khi xong việc, tôi thường ở lại bãi rác, tranh thủ nhặt những chai nhựa, túi nilon đến quá trưa mới về, bán đi thêm thắt được đồng nào hay đồng ấy. Hôm nào nhiều thì được khoảng 20.000 đồng, còn hôm nào ít thì chỉ được khoảng hơn 10.000 đồng. Với số tiền lương ít ỏi như vậy không đủ để 3 mẹ con tôi chi tiêu sinh hoạt, tiền học của các con nhiều khi tôi còn phải đi vay mượn khắp nơi," chị Hảo tâm sự.

Khó khăn chồng chất khó khăn đằng sau giọt mồ hôi của những người lao công với thu nhập ít ỏi - Ảnh 3.

Sau những giờ làm việc mệt nhọc, chị Hảo lại tranh thủ nhặt nhạnh những vỏ chai, túi ni lông từ các bãi rác thải để bán lấy tiền thêm thắt chi tiêu sinh hoạt (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc HTX Nhất Tâm cho hay, trước năm 2017, khi phường Chùa Hang vẫn thuộc huyện Đồng Hỷ, đơn vị chỉ thu gom rác ở các địa phương dọc theo Quốc lộ 1B, những xã gần trung tâm. Do chi phí phát sinh ít, doanh thu của HTX đạt, nên vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, kể từ khi phường Chùa Hang sáp nhập về TP Thái Nguyên, để phối hợp với huyện Đồng Hỷ thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, đơn vị đã mở rộng địa bàn thu gom rác lên đến 13/15 xã thị trấn của huyện (trừ xã Văn Lăng và thị trấn Trại Cau).

"Có nhiều địa phương cách xã tới 30km, dân cư thưa thớt nên doanh thu của HTX nhiều năm nay rất thấp. Điển hình như xã Hợp Tiến, mỗi tuần đơn vị đến thu gom từ 1 - 2 lần, nhưng tổng thu cả năm 2021 chỉ đạt 37 triệu đồng. Ngoài ra, có những trường hợp hộ dân 4 - 5 người nhưng khi nộp phí xử lý rác thì chỉ nộp 2 người. Bên cạnh đó, giá cả xăng dầu và các vật dụng phục vụ công tác thu gom rác lại không ngừng tăng lên, trong khi doanh thu của HTX không đủ. Do đó, lương chi trả cho công nhân thu gom, xử lý rác cũng theo đó mà sụt giảm đáng kể," ông Tuấn kể.

Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2020 đến nay, doanh thu của HTX chỉ đạt gần 1,1 tỷ đồng, nhưng chi phí hết những 1,2 tỷ đồng. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng bỏ cũng không được vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn.

Do thu không đủ chi, văn phòng HTX hiện đang phải tận dụng căn phòng rộng gần 20m2 của gia đình ông Tuấn để tiết kiệm chi phí. Thậm chí, đến cả khu để xe chở rác cũng không có nên đành phải để dọc đường khiến bà con khu vực xung quanh có ý kiến.

Được biết, kể từ khi HTX Nhất Tâm đi vào hoạt động đến nay, huyện Đồng Hỷ cũng đã hỗ trợ HTX trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt với mức giá hơn 50.000 đồng/tấn rác. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn nhiều lần so với đơn giá hỗ trợ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt từ ngân sách Nhà nước do tỉnh ban hành.

Để đảm bảo thu nhập xứng đáng với công sức của người lao công, thiết nghĩ, các cơ quan, chính quyền địa phương tỉnh Thái Nguyên cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp họ ổn định cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem