Quảng Nam: Bắt giữ hàng trăm tấn đường nhập lậu

Phi Long Thứ năm, ngày 14/06/2018 17:04 PM (GMT+7)
Ngày 14.6, Tổ công tác 334 Bộ công thương chỉ đạo QLTT Quảng Nam, kiểm tra, bắt quả tang tại kho của cty TNHH Hải Vinh (thị xã Điện Bàn) 1 xe tải chở 25 tấn đường Thái Lan. Ban đầu, chủ hàng chỉ xuất trình được hóa đơn mua bán trong nội địa, không phải là hồ sơ nhập khẩu hợp pháp.
Bình luận 0

img

Tổ công tác 334 Bộ công thương chỉ đạo QLTT Quảng Nam cho biết, qua khai thác đấu tranh, lái xe khai nhận đang tiến hành chở đường từ Quảng Trị. Tiếp tục kiểm tra trong kho của công ty này, lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 lượng lớn đường Thái Lan đã được tập kết chờ đưa ra thị trường, ước tính khoảng 100 tấn. Tất cả số lượng đường trên đã được ngành quản lý thị trường lập biên bản tạm giữ để tiếp tục điều tra xử lý.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, mỗi năm có khoảng trên 500 ngàn tấn đường nhập lậu vào nước ta. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến đường trong nước rơi vào cảnh khốn đốn, gây thiệt hại cho người trồng mía trong nước. Số liệu thống kê của Hiệp hội mía đường cũng cho thấy, tính đến ngày 15.4.2018, lượng đường trong nước tồn kho đã lên tới 680.273 tấn. Giá đường trong nước liên tục sụt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy trong nước và hàng triệu nông dân trồng mía.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một nguyên nhân có tác động khá lớn là tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại năm nay có diễn biến phức tạp hơn so với mọi năm. Hơn nữa, tạm nhập tái xuất và nhập không chính thức cũng chiếm một lượng khá lớn vào nước ta.

img

“Chúng tôi đến cửa khẩu Lao Bảo, việc buôn lậu diễn ra gần như công khai. Họ sang bao, xếp hàng lên xe tải và đem đi phân phối tự nhiên như chỗ không người”, ông Doanh nói và cho hay giá đường lậu hiện thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước và khoảng cách giữa giá đường trong nước với giá lậu đang được nới ra”, ông Doanh nói. 

Hiệp hội mía đường trước đó cũng cho rằng, việc khó khăn của doanh nghiệp mía đường và cả ngành đường trong nước hiện nay thì người thiệt thòi nhất chính là những người nông dân trồng mía. “Hiện diện tích trồng mía của nông dân trên cả nước là 300.000 ha, trong đó cũng đã hình thành được nhiều vùng chuyên cạnh cho hiệu quả cao.  Ví dụ, An Khê, 30.000%, Nam Sơn Thanh Hóa 18.000, Quỳ Hợp (Nghệ An) 30.000. Nếu doanh nghiệp mía đường gặp khó khăn sẽ phải giảm giá thu mua mía xuống, không thể giữ tối đa từ 850.000 đến 1 triệu đồng/tấn mía như hiện nay. Như vậy, sẽ có khoảng 33 vạn hộ nông dân với 1,5 triệu lao động tham gia trồng mía cho các nhà máy đường sẽ gặp khó khăn”, ông Doanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem