Sao chè thành tỷ phú ở Lai Châu, thu 50 tỷ/năm, được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Thanh Ngân Chủ nhật, ngày 20/08/2023 05:20 AM (GMT+7)
Với doanh thu gần 50 tỷ/năm từ sản xuất, chế biến chè khô, ông Kim Văn Tân – Giám đốc Hợp tác xã Trà Tân Tiến, ở bản Ngọc Lại (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) được bình chọn là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Bình luận 0

Mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè khô

Nhà máy sản xuất chè xanh Shan Tuyết của ông Tân nằm cạnh QL 32, chạy qua bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa. Khi chúng tôi đến, ông Tân đang ngồi uống nước bên bộ bàn ghế gỗ, kê cạnh phòng bảo vệ. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Tân mời chúng tôi đi thăm quan nhà máy chế biến chè khô.

Clip: Thành tỷ phú nhờ chế biến chè khô, giám đốc hợp tác xã ở Lai Châu là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Nhà máy chế biến chè khô của ông Tân được thiết kế khá bài bản, khoa học, rộng rãi, thoáng đãng. Từ cổng vào là khoảng sân khá rộng rãi, sạch sẽ, một nửa để tập kết chè tươi, nửa còn lại lắp đặt máy tách chè khô và tập kết sản phẩm chè khô. Nền nhà máy được láng xi măng và lát gạch hoa bóng loáng, sạch sẽ. 

Dây chuyền sản xuất chè khô được ông Tân lắp đặt ở phía trong, với hệ thống ống xào, máy vò, máy sấy… đang chạy xình xịch.

Bên trong nhà máy, hàng chục công nhân, mỗi người một việc. Người phụ trách đứng máy, người cào chè búp tươi vào băng tải tự động tuồn vào ống xào, người đóng bao, người vận chuyển… tạo nên khung cảnh lao động nhộn nhịp.

Qua câu chuyện với ông Tân, được biết, ông "bén duyên" với cây chè Shan Tuyết từ năm 1999 và gắn bó cho tới tận bây giờ. Năm 1999, dự án chè 327 được triển khai trên địa bàn xã Mường Khoa (huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai) nay là xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu).

Thành tỷ phú nhờ chế biến chè khô, giám đốc hợp tác xã ở Lai Châu là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 1.

Ông Kim Văn Tân ký hợp đồng bao tiêu chè tươi cho gần 200 hộ dân ở xã Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Hồi đó, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác trong xã có biết gì về cây chè đâu. Thấy cán bộ huyện, cán bộ xã đến vận động, gia đình tôi đã đăng ký trồng 1ha chè. Nhiều hộ dân khác trong xã, trong bản cũng đăng ký trồng chè như gia đình tôi" – ông Tân nhớ lại.

Sau một thời gian trồng, chăm bón, năm 2003, diện tích chè của gia đình ông Tân và các hộ trồng chè 327 trên địa bàn xã Mường Khoa, đã bắt đầu cho thu hoạch. 

Lúc này, gia đình ông Tân lại gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi. Xoay sở tìm cách tiêu thụ chè tươi, ông Tân nảy ra ý tưởng chế biến chè khô. Nghĩ là làm, ông Tân tìm mua máy sao chè về sản xuất. Và rồi "cái nghiệp" chế biến chè khô gắn với ông Tân từ đó.

"Gia đình tôi bắt đầu làm chè khô từ năm 2003. Khi đó chủ yếu là làm thủ công, máy móc đơn sơ, chứ không hiện đại như bây giờ. Bình quân mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất được khoảng 1 tấn chè tươi. Ngoài sao chè khô, tôi còn đi thu mua chè khô từ các cơ sở sản xuất nhỏ ở trong huyện, sau đó bán ra thị trường trong nước" – ông Tân cho hay.

Thành tỷ phú nhờ chế biến chè khô, giám đốc hợp tác xã ở Lai Châu là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 2.

Ông Tân là một trong những người có thâm niên chế biến chè khô ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Năm 2015, nhận thấy sản lượng chè tươi trên địa bàn xã Phúc Khoa mỗi ngày một tăng lên, ông Tân mới tính đến chuyện mở rộng sản xuất. Sau khi bàn bạc, thống nhất với vợ con, ông Tân quyết định vay vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chè khô. Trước đó, ông Tân đứng ra thành lập hợp tác xã trà Tân Tiến, do ông làm giám đốc.

Theo ông Tân, thời gian đầu xây dựng nhà máy, ông gặp phải không ít khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm chè khô. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm chè khô của hợp tác xã, ông Tân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các bạn hàng trước đây, đồng thời tiếp tục quảng bá, mở rộng thị trường. Trong quá trình sản xuất chè khô, ông Tân luôn quan tâm, đặt chất lượng lên hàng đầu. Nhờ đó, chè thành phẩm do hợp tác xã của ông Tân sản xuất, ngày càng được khách hàng tin tưởng, lựa chọn.

"Để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà máy, tôi đã ký hợp đồng bao tiêu chè búp tươi với các hộ trồng chè trên địa bàn xã. Trên cơ sở hợp đồng được ký kết, hợp tác xã luôn đảm bảo quyền lợi cho người trồng chè. Bất kể ngày mưa hay nắng, khi khó khăn hay lúc thuận lợi, tôi đều thu mua chè búp tươi và thanh toán tiền đầy đủ cho người dân sau mỗi lứa hái" – ông Tân thông tin.

Thành tỷ phú nhờ chế biến chè khô, giám đốc hợp tác xã ở Lai Châu là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 3.

Theo ông Tân, chè xào phải đủ độ chín thì mới thơm, ngon. (Ảnh: Thanh Ngân)

Lãi tiền tỷ từ bán chè khô ra thị trường trong và ngoài nước

Cũng theo ông Tân, ký hợp đồng bán chè búp tươi cho hợp tác xã trà Tân Tiến, các hộ dân ở xã Phúc Khoa còn được hợp tác xã cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón diện tích chè của gia đình. Gần đến lứa hái cuối cùng trong năm, ông Tân mới thu hồi lại tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã cung ứng cho các hộ dân trước đó. Sau khi ký hợp đồng, các hộ dân buộc phải tuân thủ việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hái theo yêu cầu của hợp tác xã, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè tươi.

Thành tỷ phú nhờ chế biến chè khô, giám đốc hợp tác xã ở Lai Châu là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 4.

Ông Tân tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chia sẻ với Dân Việt về quy trình sản xuất, chế biến chè khô, ông Tân vui vẻ cho biết: Để làm ra chè thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi thu hái chè tươi từ trên đồi, người dân vận chuyển về cân, bán cho nhà máy. Chè tươi được đưa vào ống xào, xào chín, sau đó chuyển qua hệ thống máy vò bằng băng tải. Sau công đoạn vò, chè được đẩy sang hệ thống máy sấy thông qua băng tải. Khi sấy xong, chè được đẩy sang bom tạo hình khô, sau đó sang bom tạo hình đánh mốc cũng bằng băng tải tự động. Sau công đoạn đánh mốc sẽ cho ra chè thành phẩm.

Theo ông Tân, để chè thành phẩm đảm bảo chất lượng thì phải tuân thủ chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ nguyên liệu đầu vào cho đến xào, vò, sấy, tạo hình, đánh mốc. Chè tươi không chỉ đảm bảo đúng quy định 1 tôm 2-3 lá, mà còn phải đảm bảo độ tươi suốt. Khi xào chè cần chú ý tới điều chỉnh nhiệt độ làm sao cho chè đủ chín, thì mới đảm bảo độ thơm của chè. Nếu xào chè sống thì chè khi uống mất vị thơm và màu nước không đẹp.

Thành tỷ phú nhờ chế biến chè khô, giám đốc hợp tác xã ở Lai Châu là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - Ảnh 5.

Không chỉ tiêu thụ nội địa, ông Tân còn xuất khẩu chè thành phẩm ra thị trường các nước Trung Đông. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Công đoạn vò chè rất quan trọng. Khi vò chè phải đảm bảo đủ độ xoắn, thì cánh chè mới chắc. Vò xong thì chuyển sang sấy, không được sấy khô quá hay ướt quá, mà phải sấy làm sao cho xuê chè. Sau khi sấy xong thì chuyển sang khâu tạo hình làm khô. Quá trình lăn tạo hình làm sao phải vừa tầm tới khô của chè, sau đó mới chuyển sang khâu đánh mốc. Nhiệt độ hợp lý nhất khi tạo hình khô cho chè là khoảng 200 độ C" – ông Tân tiết lộ.

Hiện, ông Tân ký hợp đồng bao tiêu chè tươi cho gần 200 hộ dân ở xã Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên), với diện tích gần 300ha. Bình quân mỗi ngày, hợp tác xã của ông Tân sản xuất, chế biến được từ 6 – 7 tấn chè thành phẩm. Mỗi năm, bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Trung Đông hơn 1000 tấn chè thành phẩm, ông Tân thu gần 50 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông Tân lãi gần 3 tỷ đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tân còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 40 công nhân, với mức lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Ông Tân vinh dự được bình chọn là một trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu, xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem