Ricons và Coteccons trước thời khắc quyết định: Bức tranh tài chính 6 tháng đầu 2023 hé lộ điều gì?

03/08/2023 16:52 GMT+7
Trước khi gặp nhau ở tòa, Ricons và Coteccons đều đã công bố tình hình kinh doanh quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 với một số điểm chú ý về cơ cấu tài sản và về dòng tiền.

Câu chuyện kiện tụng nhau giữa CTCP Đầu tư xây dựng Ricons kiện CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) khiến dư luận xôn xao thời gian qua.

Coteccons đã lên tiếng việc bị kiện không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Công ty cũng khẳng định có thể lập tức thanh toán 1/3 các khoản nợ ngắn hạn bằng nguồn tiền mặt và tiền gửi sẵn có.

Trước khi gặp nhau ở tòa, hai doanh nghiệp đều công bố tình hình kinh doanh quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 với một số điểm chú ý về cơ cấu tài sản và về dòng tiền.

Ricons

Trong quý II/2023, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ; Lợi nhuận gộp kỳ này giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 170% lên mức 27 tỷ đồng; lãi từ công ty liên kết tăng đột biến gấp 22 lần cùng kỳ lên 63,2 tỷ đồng.

Ricons lãi 52,5 tỷ đồng trong quý II, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu và 68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 20% và tăng 40,2% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Soi kết quả kinh doanh và dòng tiền của Ricons và Coteccons trước phiên tòa - Ảnh 1.

BCTC hợp nhất quý II của Ricons vẫn ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của Coteccons

Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 30/6 đạt 7.263 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có 1.095,3 tỷ đồng trữ tiền, giảm 13,5%, trong số này có 140 tỷ đồng đầu tư trái phiếu có kỳ hạn trên một năm và hưởng lãi suất theo từng hợp đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng giảm 15,5%, ở mức 3.595,5 tỷ đồng; trong đó vẫn ghi nhận khoản phải thu từ Coteccons 322,5 tỷ đồng, thu từ CTCP Gamuda Land (HCMC) 647,5 tỷ đồng...

Hàng tồn kho giảm 23% xuống gần 710 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Ricons ở mức hơn 4.800 tỷ đồng, giảm 16,8% so với đầu năm. Phải trả người bán ngắn hạn giảm 15% xuống 2.967 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm mạnh 47% xuống 398,8 tỷ đồng.

Coteccons

CTCP Xây dựng Coteccons cũng mới đây đã công bố tình hình tài chính hợp nhất quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 3.619 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên giá vốn tăng tới 14,8% nên lợi nhuận gộp kỳ này giảm 53% xuống hơn 100 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính giảm 38% xuống 94,6 tỷ đồng. Lỗ trong công ty liên kết ở mức lỗ 1,1 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng. Chi phí quản lý giảm 66,6% xuống 120,4 tỷ đồng.

Kết quả kỳ này, Coteccons lãi 30,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 24 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của CTD đạt 6.748,5 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế Công ty đạt 52,2 tỷ đồng, gấp 9,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của CTD tính tới cuối kỳ đạt 21.345 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm, trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn với 19.884 tỷ đồng. Trữ tiền ở mức 4.063,5 tỷ đồng, tăng 43,4% so với đầu năm, trong đó có hơn 3740 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chứng khoán kinh doanh ở mức 250 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu gần gần 94 tỷ đồng.

Phải thu ngắn hạn khách hàng tăng 6% lên 11.590 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 11%, ở mức 3.148 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng 21,8% lên 13.103 tỷ đồng, nợ ngắn hạn ở mức 12.603 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn tăng 26% lên 697,3 tỷ đồng; vay nợ dài hạn ở mức 497,7 tỷ đồng, trong đó có gần 472 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu.

Đáng chú ý, Coteccons không còn ghi nhận khoản nợ đối với Ricons trong phần phải trả người bán ngắn hạn. Trước đó, vào cuối quý 1/2023, công ty ghi rõ khoản nợ 322,5 tỷ đồng với Ricons.

Ricons và Coteccons trước thời khắc quyết định: Bức tranh tài chính 6 tháng đầu 2023 hé lộ điều gì? - Ảnh 2.

Cơ cấu tài sản của Ricons và Coteccons. Nguồn Báo cáo tài chính quý II/2023

Tại Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho thấy, dù trữ tiền chiếm 19% tổng tài sản, tuy nhiên Coteccons nhận tiền thu từ đi vay ở mức 817,1 tỷ đồng, trong khi đó tiền trả nợ gốc vay ở mức thấp hơn với 700,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, với Ricons, cho thấy trong kỳ hoạt động ít phụ thuộc vào vay nợ và tích cực trả nợ vay khi tiền thu từ đi vay ở mức 731,8 tỷ đồng, thấp hơn tiền trả nợ gốc vay với 1.086,8 tỷ đồng.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của cả CTD và Ricons đều thực hiện theo phương pháp gián tiếp.

Hai bên tố nhau 

Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam - Coteccons cách đây không lâu bị đối thủ Ricons yêu cầu làm thủ tục phá sản. Nguyên nhân do khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán. Ricons đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết nhưng không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons.

Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons từ ngày 4/7/2023, Ricons nhấn mạnh hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu.

Đáng chú ý đây là lúc cao điểm trước ngày công bố kết quả gói thầu 5.10 với quy mô hơn 35.00 tỷ đồng thuộc dự án xây dựng sân bay Long Thành.

Coteccons khẳng định có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Được biết Coteccons đang nắm 14,3% vốn điều lệ tại Ricons. Hai doanh nghiệp này từng có giai đoạn chung một hệ sinh thái có liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons.



O.L
Cùng chuyên mục