Phòng chống bắt cóc trẻ em: Các trường kiên quyết không giao cho người lạ, an ninh nghiêm ngặt

Tào Nga Thứ năm, ngày 05/10/2023 07:46 AM (GMT+7)
Một số vụ bắt cóc trẻ em xảy ra thời gian qua khiến dư luận lo lắng. Tại các trường học, việc đảm bảo an toàn cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu.
Bình luận 0

Phòng chống bắt cóc trẻ em: Kiên quyết không giao trẻ cho người lạ

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Phùng Thị Bích Hiền, hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Nội dung phòng chống bắt cóc trẻ em luôn được nhà trường tổ chức trong các buổi tập huấn cho giáo viên. Với học sinh, các cô giáo hướng dẫn trong các tiết học kỹ năng để các em không nhận quà, không đi theo người lạ, nhớ thông tin về bố mẹ và cách xử lý khi bị bắt cóc.

Tại các tiết học này, giáo viên sẽ mặc kín để học sinh không nhận ra sau đó đưa bánh kẹo "dụ dỗ" học sinh đi siêu thị, đi công viên. Với học sinh lớp lớn, các em nghe lời cô giáo dặn nên cảnh giác hơn không nhận quà, không đi theo. Tâm lý các em nhỏ hơn thì vừa thấy "người lạ" đã khóc thét lên, có em kiên quyết không theo và có em thì gật đầu đồng ý... Vì vậy, các tiết học về phòng chống bắt cóc luôn được các cô thường xuyên chia sẻ".

img
img
img
img

Học sinh Trường Mầm non Thành Công được hướng dẫn không nhận quà, không đi theo người lạ và cách xử lý khi bị bắt cóc. Ảnh: T.N

Để thuận lợi cho việc đưa đón và phòng chống bắt cóc trẻ em, Trường Mầm non Thành Công có quy định đưa đón trẻ. "7h15 các cô sẽ đón trẻ và 16-17h các cô sẽ trả tận lớp để đảm bảo an toàn cho học sinh và để giáo viên tiện trao đổi tình hình với phụ huynh. Trường có khu vực để xe riêng cho phụ huynh trong sân trường, ngăn đường vào đón học sinh. Trường cũng lắp camera ở khắp các hành lang, sân trường để đảm bảo công tác an ninh.

Từ đầu năm, bố mẹ phải đăng ký họ tên người đến đón, số điện thoại liên hệ. Nếu có người lạ đón trẻ mà bố mẹ không dặn, các cô không trả mà phải liên hệ với gia đình xác nhận. Thực tế cũng có nhiều trường hợp như vậy vì bố mẹ không kịp về đón con mà phải nhờ phụ huynh khác đón hoặc hàng xóm", cô Hiền chia sẻ. 

Kể thêm về vấn đề này, cô Hiền cho biết có lần cô gặp trường hợp người lạ đến đón học sinh. Thời điểm đó điện thoại còn chưa phổ biến như bây giờ nên giáo viên gọi điện nhưng không thể liên lạc được với phụ huynh. "Ngày đó truyền thông chưa rầm rộ như bây giờ nhưng bằng kinh nghiệm và kiến thức mình học từ trường nên kiên quyết không trả học sinh. Có cái khó là trẻ lại quen với người đó nên cứ bám theo. Rất may sau đó gia đình liên lạc lại và mình mới yên tâm giao học sinh ra về", cô Hiền kể. 

Gần 100 camera trong trường, trao trả học sinh tận tay

Cô Vũ Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Nhà trường luôn triển khai dạy lồng ghép phòng tránh bắt cóc trẻ em trong các hoạt động dưới cờ đầu tuần cũng như trong các tiết học. Ngoài ra, từng tuần nhà trường sẽ có từng chủ đề trao đổi với học sinh như về tai nạn thương tích, bạo lực học đường, an toàn giao thông, pháp luật Việt Nam, An ninh mạng. 

Tại mỗi lớp, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với phụ huynh, nhắc nhở trên nhóm lớp để phụ huynh nắm bắt tình hình, nâng cao cảnh giác".

Về việc đưa đón học sinh, cô Loan cho hay: "Nhà trường quy định, buổi chiều, học sinh lớp 1-2 sẽ tan trước 5 phút vào 4h35. Các em sẽ lần lượt xếp thành 2 hàng dưới sân trường và cô giáo đứng ở đầu hàng trả học sinh tận tay phụ huynh. Em học sinh nào chưa có người đến đón thì cô giáo lại đưa quay về lớp để đợi. Phụ huynh nào đón muộn thì cô giáo sẽ giao cho bảo vệ trông ở khu vực dành riêng cho các em. 

Phòng chống bắt cóc trẻ em: Các trường kiên quyết không giao cho người lạ, an ninh nghiêm ngặt - Ảnh 2.

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết trong buổi học kỹ năng sống. Ảnh: T.N

Ở các khối 3-5, các em ra về theo từng cầu thang quy định và quy ước với phụ huynh vị trí đón từ đầu năm học. Các phòng học, hành lang, sân trường được lắp 100%. Hiện tại trường có hơn 80 camera trải rộng ở các vị trí.

Cô Loan chia sẻ thêm: "Nhà trường thường xuyên tuyên truyền về tình trạng bắt cóc trẻ em nên có một lần một học sinh lớp 4 bị người lạ đến hỏi đón đã có kỹ năng rất tốt. Em kiên quyết không theo và nói "Không, cô là người xấu con không theo cô". Sau đó em chạy ngược về lớp báo với cô giáo".

Quy định nghiêm ngặt trong trường

Chia sẻ về việc phòng chống bắt cóc trẻ em, cô Trịnh Phương Linh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Đối với mỗi giáo viên, an toàn học sinh về thể chất, tinh thần là quan trọng nhất. Trong tất cả các cuộc họp, nhà trường đều quán triệt điều này với các cô chủ nhiệm và tổ chức các chuyên đề theo từng chủ đề xuyên suốt theo tháng, theo năm.

Phòng chống bắt cóc trẻ em: Các trường kiên quyết không giao cho người lạ, an ninh nghiêm ngặt - Ảnh 3.

Trường Tiểu học Thủ lệ luôn tổ chức các buổi chuyên đề về kiến thức và kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: T.N

Phòng chống bắt cóc trẻ em: Các trường kiên quyết không giao cho người lạ, an ninh nghiêm ngặt - Ảnh 4.

Một tiết học của trường được học sinh hào hứng tham gia. Ảnh: T.N

Trường có những quy định nghiêm ngặt. Cụ thể như giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp với giáo viên bộ môn nắm rõ số lượng học sinh vắng mặt để báo phụ huynh. Chuyển giao giữa các tiết đều phải bàn giao sĩ số giữa các cô giáo. Giáo viên, nhân viên trong trường phải mặc đồng phục, theo thẻ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Khách đến trường phải xuất trình căn cước công dân".

Về quy định thời gian đưa đón, cô Linh cho biết: "Đặc thù của học sinh tiểu học là tự đi về, vì vậy để đảm bảo an toàn cho các em, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh từ đầu năm học là sẽ đón con trong 15 phút tan học. Các khối lớp ra về chênh nhau 5-15 phút và trường bắt đầu tan học từ 4h10. 

Nếu cha mẹ đón muộn, tổ bảo vệ nhà trường sẽ quản lý học sinh và liên hệ với gia đình để trao trả. Trong trường hợp phụ huynh đón giữa giờ thì phải báo với giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên sẽ cung cấp thông tin cho tổ bảo vệ về tên học sinh, ngày tháng năm sinh, lớp, lý do về sớm, ai đón, nếu học sinh gặp vấn đề sức khỏe thì phải có xác nhận của nhân viên y tế".

Trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm chia sẻ quy tắc 4:4

Bốn "LUÔN":

- Luôn cảnh giác cao với người lạ: Nói với trẻ rằng khi một người lạ bắt được con, ngay lập tức con hãy cắn, đá, cào, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý bằng mọi giá, ngay cả khi tình huống đó vô cùng đáng sợ. Ngoài ra, bố mẹ nên dạy con hét thật to: "Cháu không biết chú ta/cô ta. Chú ta/cô ta đang muốn bắt cháu đi".

- ­Luôn dùng mật khẩu khi có người khác đón ở trường: Nếu ai đó nói với trẻ: "Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ", điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: "Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?".

- Luôn nhớ địa chỉ nhà và số điện thoại của bố mẹ: Dạy con nhớ số điện thoại của người thân, đặc biệt là số của bố mẹ và số điện thoại nhà, còn cần dạy trẻ cách gọi điện thoại.

- Luôn theo sát bố mẹ ở chỗ đông người.

img

Học sinh Trường Mầm non A được cô giáo hướng dẫn phòng chống bắt cóc. Ảnh: T.N

Bốn "KHÔNG":

- Không tiếp xúc với người lạ

- Không nhận đồ/nhận quà của người lạ

- Không được đi theo người lạ

- Không chuyển đồ giúp người lạ

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem