Năm 2024, Phú Thọ phấn đấu phát triển thêm 80 sản phẩm OCOP

Hoan Nguyễn Thứ sáu, ngày 09/02/2024 17:01 PM (GMT+7)
Phú Thọ xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP năm 2024 với mục tiêu phấn đấu có thêm 80 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ, lũy kế đến hết năm 2023, tỉnh Phú Thọ có 235 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 1 sản phẩm hạng 5 sao; 54 sản phẩm đạt 4 sao; 180 sản phẩm đạt 3 sao) với 158 chủ thể; 125/225 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP.

Năm 2024, Phú Thọ phấn đấu phát triển thêm 80 sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Năm 2024, Phú Thọ đặt mục tiêu có 80 sản phẩm đạt chuẩn OCOP Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Trần Tú Anh cho biết, riêng năm 2023, tỉnh có 107 sản phẩm mới được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có 96 sản phẩm 3 sao; 11 sản phẩm 4 sao (tăng 173% so với kế hoạch) thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Xác định phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất, thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Năm 2024 tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu có 80 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 4 sản phẩm đạt 5 sao. Từ đó, lũy kế hết năm 2024 Phú Thọ sẽ có 305 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Theo ông Tú Anh, để thực hiện mục tiêu, trong năm 2024, tỉnh Phú Thọ yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, công bằng, đúng quy định không chạy theo số lượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.

Năm 2024, Phú Thọ phấn đấu phát triển thêm 80 sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Sản phẩm của HTX Mì gạo Hùng Lô đã được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ đánh giá và phân hạng sản phẩm; nâng cấp, tiêu chuẩn hoá và phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng thiết kế logo, bao bì, nhãn hiệu, ấn phẩm quảng bá, website; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận các sản phẩm theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP…); áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu đầu tư hệ thống nhận diện bảo hộ thương hiệu sản phẩm nhằm cải thiện, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, phát triển các điểm quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch có lợi thế, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng.

Đẩy mạnh việc xây dựng, kết nối các chương trình, tour tuyến du lịch để đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại khu quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP...

Năm 2024, Phú Thọ phấn đấu phát triển thêm 80 sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP giúp nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng giải quyết bài toán giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Bà Lê Thị Hồng Phương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển trà UT cho biết, công ty đang tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tím, thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm chè không chỉ sạch, được nước, vị ngọt hậu mà còn đặc biệt tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

"Hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm chè tím đạt chuẩn OCOP 5 sao, chúng tôi đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào đầu tư. Theo đó, 100% diện tích chè được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thu hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non.

Cùng với đó, việc thu hoạch phục vụ chế biến được theo dõi từng ngày, từng lô riêng biệt đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không bị lỗi… Đây chính là tiêu chí quan trọng để Bộ NNPTNT đánh giá thăng hạng cho sản phẩm "Chè búp tím Thanh Ba" đạt OCOP 4 sao lên 5 sao trong năm 2024 này" - bà Phương nói.

Năm 2024, Phú Thọ phấn đấu phát triển thêm 80 sản phẩm OCOP- Ảnh 4.

Sản phầm chè búp tím Thanh Ba đang chờ được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn công nhận đạt OCOP 5 sao. Ảnh: Hoan Nguyễn

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển 80 sản phẩm OCOP trong năm 2024, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đánh giá, phân hạng 4 sản phẩm đạt 5 sao gồm chè búp tím Thanh Ba, mỳ gạo Hùng Lô, thịt chua Trường Food và chè xanh Đức Tỵ.

"Hiện Phú Thọ đang chờ được Bộ NNPTNT công nhận sản phẩm OCOP 5 sao đối sản phẩm Chè búp tím Thanh Ba và sản phẩm Mỳ gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô" - ông Vũ Quốc Tuấn nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem