Đang bán trái đầu mùa, "giá rổ vẫn ngon" mà nông dân trồng sầu riêng ở Lâm Đồng lại lo sợ điều này

Văn Long Thứ bảy, ngày 18/05/2024 18:54 PM (GMT+7)
Mặc dù sầu riêng đã bắt đầu được thu hoạch, giá bán ổn định nhưng người dân ở thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng là huyện Đạ Huoai vẫn đang lo lắng vì bước vào mùa mưa, giông lốc gây gãy rụng quả, cành.
Bình luận 0

Nỗi lo giông lốc

Những ngày đầu tháng 5, người dân tại thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng đã bước vào vụ thu hoạch. Hiện nay, tại huyện Đạ Huoai có khoảng 4.500ha sầu riêng, trong đó có khoảng 3.200ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 60.000 tấn.

Theo phòng NNPTNT huyện Đạ Huoai, mặc dù hiện nay người dân đang bắt đầu thu hoạch sầu riêng nhưng năm 2024 sản lượng bị giảm khá nhiều do tình trạng khô hạn từ cuối năm 2023 đến cuối tháng 4/2024.

Đang bán trái đầu mùa, "giá rổ vẫn ngon" mà nông dân trồng sầu riêng ở Lâm Đồng lại lo sợ điều này- Ảnh 1.

Nguồn cung cấp nước tưới cho các xã Đoàn Kết, Đạ PLoa và Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) là sông Đạ Huoai cạn trơ đáy, dẫn đến hàng trăm hecta cây trồng thiếu nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh, người trồng sầu riêng tại huyện Đạ Huoai cho biết, năm 2024, sản lượng sầu riêng của gia đình ông bị tụt giảm sản lượng đáng kể. Để duy trì lượng nước tưới cho 2ha sầu riêng của gia đình, ông Thanh phải liên tục canh nước của 2 chiếc giếng khoan. Ngoài ra, ông còn phải kéo ống để dẫn nước tưới từ hồ cách vườn hơn 1km.

"Năm nay tình hình thời tiết khá bất lợi, để duy trì được vườn và có nước tưới cho cây đã là khó rồi. Nhiều gia đình đã phải vặt bỏ quả để cứu cây vì thời tiết quá khô hạn. Với thời tiết bất thường như hiện nay thì mùa mưa tới đây sẽ không biết thế nào, người trồng sầu riêng như chúng tôi rất sợ giông, lốc. Sầu riêng cho thu hoạch từ nay đến tháng 8 mới hết nên chúng tôi phải tìm mọi cách để giữ trái sầu riêng không bị rụng khi mùa mưa đến", ông Thanh chia sẻ.

Đang bán trái đầu mùa, "giá rổ vẫn ngon" mà nông dân trồng sầu riêng ở Lâm Đồng lại lo sợ điều này- Ảnh 2.

Người dân huyện Đạ Huoai phải dùng dây để buộc quả, tránh gãy rụng vào mùa mưa, giông lốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạ M’Ri (thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai) cho hay, giá sầu riêng đầu mùa đang được thương lái mua với mức 50.000 – 55.000 đồng/kg sầu riêng Ri6, 70.000 – 75.000 đồng/kg sầu riêng Thái. Đây là mức giá khá tốt nhưng lợi nhuận dành cho nhà vườn không như kỳ vọng do năng suất cây bị sụt giảm, chi phí đầu vào tăng hơn 15%...

Đang bán trái đầu mùa, "giá rổ vẫn ngon" mà nông dân trồng sầu riêng ở Lâm Đồng lại lo sợ điều này- Ảnh 3.

Toàn huyện Đạ Huoai có khoảng 4.500ha sầu riêng, trong đó có khoảng 3.200ha đang cho thu hoạch.

"Hợp tác xã của chúng tôi có khoảng 350ha sầu riêng các loại, trong đó có 324ha cho kinh doanh. Năm 2023, hợp tác xã chúng tôi đạt tổng sản lượng trên 7.000 tấn và đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mùa mưa sắp đến, chúng tôi thường khuyến cáo các thành viên hợp tác xã thực hiện các biện pháp cột trái, cột cành. Bên cạnh đó, hướng dẫn mọi người dùng dây cột cành và dùng cây chống giữ các cành lớn để giảm thiểu thiệt hại khi có giông lốc, gió lớn. Hợp tác xã chúng tôi có sầu riêng từ 5 năm đến 20 năm tuổi cho năng suất khoảng 1,5 – 2 tạ trái/cây. Vì vậy, nếu không thực hiện các biện pháp trên khi xuất hiện giông lốc sẽ thiệt hại rất lớn", ông Sơn chia sẻ.

Thêm bệnh vàng lá, thối rễ

Trong khi đó, theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai, từ đầu năm 2024 đến nay, địa bàn huyện Đạ Huoai chịu ảnh hưởng thời tiết khô hạn kéo dài khiến lượng nước từ các sông, suối, ao, hồ trên địa bàn giảm mạnh làm cho diện tích cây trồng toàn huyện thiếu nước tưới trầm trọng, đặc biệt cây sầu riêng giai đoạn nuôi trái.

Tình trạng nắng nóng kéo dài kèm theo bộ rễ bị nấm bệnh tấn công, gây tổn thương do ngập úng trong năm trước. Nhiều diện tích sầu riêng bệnh vàng lá thối rễ, nấm cành gây hại thêm trầm trọng (xã Đoàn Kết, Đạ Ploa và xã Phước Lộc…). Một số diện tích bị nặng bộ rễ bị hư thối, cây còi cọc, lá vàng rủ xuống, rụng lá và chết cây.

Đang bán trái đầu mùa, "giá rổ vẫn ngon" mà nông dân trồng sầu riêng ở Lâm Đồng lại lo sợ điều này- Ảnh 4.

Bệnh vàng lá, thối rễ cũng đang gây hại trên nhiều diện tích sầu riêng tại huyện Đạ Huoai.

Chính vì vậy Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai đề nghị các địa phương, hợp tác xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình sâu bệnh hại trên cây sầu riêng tại địa bàn phụ trách để phát hiện, hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý kịp thời, tránh để lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, vận động nông dân thăm vườn thường xuyên, kịp thời khoanh vùng và xử lý các cây, diện tích nhiễm bệnh.

Bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây sầu riêng do nấm Phytophthora spp gây ra. Cây sầu riêng bị xì mủ, vàng lá thối rễ sẽ gây ra tình trạng xì mủ, chết cành, mọt đục cành, thối rễ, cây còi cọc, vàng lá... ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây sầu riêng.

Đang bán trái đầu mùa, "giá rổ vẫn ngon" mà nông dân trồng sầu riêng ở Lâm Đồng lại lo sợ điều này- Ảnh 5.

Bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ khiến cây sầu riêng bị mục đọt cành, thối rễ, sâu đục thân phát triển mạnh.

Vì vậy, biện pháp phòng trừ khi trồng sầu riêng là làm mương, vét mương thoát nước tốt, đắp mô cao, bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp nấm đối kháng Trichoderma, tỉa cành tạo tán, vệ sinh sạch xung quanh gốc cây 1,5-2m (tùy theo đường kính tán lá). Đồng thời, tưới nước sạch, thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật, xử lý cuống trái (phun thuốc diệt nấm khử trùng) ngay sau thu hoạch.

Song song với đó, dùng vôi bột hoặc lân vôi Komix rải phủ toàn bộ xung quanh gốc cây và mô trồng sầu riêng rộng hơn vành tán lá 30 – 40cm vào đầu và cuối mùa mưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem