Nơi này ở Nam Định, dân nuôi thứ cá gì "bơi như tàu ngầm dưới ao", bắt cả ngàn tấn, lãi hơn cấy lúa?

Thứ ba, ngày 12/12/2023 05:32 AM (GMT+7)
Theo tính toán của các hộ dân, việc chuyển đổi từ cói sang nuôi thủy sản, mà chủ lực là con cá trắm đen, tại Nông trường Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cho doanh thu ước đạt 400-450 triệu đồng/ha/năm; cho người nuôi thu nhập thực tế đạt 150-200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng cói, trồng lúa trước kia
Bình luận 0

Trên diện tích đất trồng cói kém hiệu quả, những năm qua, Nông trường Bạch Long nay là Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long, xã Bạch Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất trở thành 1 trong những “vựa” cá trắm đen thương phẩm lớn nhất tỉnh.

Mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn cá, chủ yếu là cá trắm đen. 

Đây là 1 trong 40 dự án chuyển đổi từ đất lúa, trồng cói, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản cho hiệu quả cao của tỉnh.

Miệt mài với cây lúa mãi mà chẳng thoát nghèo, khoảng chục năm trước, ông Phạm Văn Cương ở khu 4, đội 3 đã mạnh dạn thuê 2,5ha đất trồng cói, trồng lúa kém hiệu quả của Nông trường Bạch Long để chuyển đổi sang nuôi thủy sản theo chủ trương của tỉnh. 

Thời gian đầu, không có kinh nghiệm nuôi thủy sản nên ông gặp thất bại khá nhiều. 

Dù vậy, những lần “thất thu” lại cho ông thêm kinh nghiệm “nuôi con gì”, “nuôi như thế nào” cho phù hợp với điều kiện tự nhiên ở nơi đây. 

Nơi này ở Nam Định, dân nuôi thứ cá gì "bơi như tàu ngầm dưới ao", bắt cả ngàn tấn, lãi hơn cấy lúa? - Ảnh 1.

Thu hoạch cá trắm đen tại Nông trường Bạch Long, xã Bạch Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Nuôi cá trắm đen giúp các hộ dân tăng thu nhập.

Qua tham quan các mô hình sản xuất thủy sản đã có hiệu quả cùng với việc tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nuôi thủy sản, ông đã quyết định lựa chọn cá trắm đen là đối tượng nuôi chủ lực. 

Đây là loại cá nước ngọt truyền thống khỏe, tỷ lệ rủi ro ít, tuy lợi nhuận không nhiều như nuôi tôm song hiệu quả kinh tế “chắc ăn”, năm nào cũng cho lợi nhuận.

Qua từng vụ tích lũy thêm kinh nghiệm, đến nay ông Cương đang thực hiện nuôi cá trắm đen theo phương pháp xen canh với các loại cá diêu hồng, trắm, chép, đối mục và tôm thẻ chân trắng để phân bố đối tượng nuôi theo nhiều tầng nước, tận dụng triệt để nguồn thức ăn của các tầng nước và hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra.

Nhờ đó, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch ổn định 40-50 tấn tôm, cá các loại, trừ chi phí lãi trên dưới 1 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình phát triển thủy sản, tỉnh đã triển khai 40 dự án chuyển đổi gần 3.000ha đất trồng lúa, trồng cói, sản xuất muối kém hiệu quả sang khai thác nuôi trồng thủy sản; trong đó có gần 200ha trồng cói kém hiệu quả của Nông trường Bạch Long. 

Đã có gần 170 hộ gia đình nhận khoán hơn 140ha để nuôi tôm thẻ chân trắng, cá chép, cá trắm… với hệ thống ao, đầm nuôi được quy hoạch một cách bài bản và tổ chức nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, bán thâm canh; trong đó chủ lực là cá trắm đen. 

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long cho biết: Để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình nuôi trồng thủy sản, Công ty thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xử lý dịch bệnh trên ao nuôi.

Đồng thời yêu cầu các hộ không thải nước bẩn ra sông; không tự ý be bờ đắp đập qua sông cấp 2 và cấp 3; không chăn thả trâu, bò, gà, xả nước thải chưa qua xử lý ra vùng sản xuất chung.

Các hộ nuôi Bạch Long cũng đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nuôi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường từ công tác cải tạo ao, đầm; chăm sóc, quản lý ao nuôi được sử dụng bằng các chế phẩm sinh học thay cho hóa chất, thuốc kháng sinh...

Các hộ nuôi cá ở Bạch Long tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh bị cấm sử dụng; chuyển từ sử dụng thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp. Nhờ đó đã hạn chế gây ô nhiễm môi trường nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Do áp dụng phương thức nuôi xen canh, nuôi gối vụ, đánh tỉa, thả bù, thu hoạch cá để bán quanh năm, đảm bảo lượng cá cung ứng liên tục. 

Bình quân mỗi năm, Nông trường Bạch Long cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 2.000 tấn cá thương phẩm các loại, trong đó chủ yếu là cá trắm đen được các chủ hồ, ao nuôi mua về kinh doanh hoặc nuôi vỗ để cung cấp cho các nhà hàng và người tiêu dùng.

Theo tính toán của các hộ dân, việc chuyển đổi từ cói sang nuôi thủy sản, mà chủ lực là con cá trắm đen, tại Nông trường Bạch Long cho doanh thu ước đạt 400-450 triệu đồng/ha/năm; cho người nuôi thu nhập thực tế đạt 150-200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng cói, trồng lúa trước kia. 

“Để tiếp tục phát triển nuôi thủy sản bền vững, hiện Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long đang đề nghị tỉnh thực hiện tiếp chủ trương cho các hộ nhận khoán ký hợp đồng, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất để duy trì sản xuất, không để đất đai hoang hóa đối với các diện tích đã hết hợp đồng giao khoán từ ngày 31-12-2020. 

Thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa để ổn định sản xuất cho người lao động. Công ty đang chờ hướng dẫn của UBND tỉnh để tiến hành chuyển đổi mô hình, lấy nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đặc biệt là con cá trắm đen làm vật nuôi chủ lực” - ông Nguyễn Hồng Khanh cho biết thêm.

Việc phát triển kinh tế nói chung, nuôi thủy sản nói riêng, đặc biệt là chuyển đổi thành công từ diện tích trồng cói kém hiệu quả sang nuôi thủy sản tại Nông trường Bạch Long đã góp phần giúp diện mạo xã Bạch Long thay đổi rõ rệt với những cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; các tuyến đường trục xã, đường dong, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông hóa rộng thênh thang cùng những ngôi nhà mới khang trang mọc lên dưới những hàng cây bóng mát xanh mướt… Bạch Long đã về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Ngọc Ánh (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem