"Lười" khám sức khỏe tiền hôn nhân (kỳ cuối): Đừng chủ quan với hạnh phúc

Diệu Linh - Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 11/11/2023 05:33 AM (GMT+7)
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là lo cho hạnh phúc dài lâu, tuy nhiên, để trở thành quy định bắt buộc cần cân nhắc thêm và có sự chuẩn bị kỹ càng.
Bình luận 0

Muốn "bắt buộc" khám sức khỏe tiền hôn nhân cần có lộ trình

Mới đây, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, Kỳ họp Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai hay bệnh di truyền, bệnh tim.

Theo ông Thức, khám sức khoẻ tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ/chồng cũng như trách nhiệm với thế hệ sau. Ông Thức đề nghị cơ quan chức năng quy định công dân trước khi đăng ký kết hôn phải khám sức khỏe và có chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng xa, đồng bào nghèo.

Chia sẻ với PV Dân Việt về ý kiến này, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Cục Dân số, Bộ Y tế) khẳng định, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều cần thiết và vô cùng quan trọng để bảo vệ hạnh phúc gia đình, nâng cao chất lượng dân số.

"Lười" khám sức khỏe tiền hôn nhân (kỳ cuối): Đừng chủ quan với hạnh phúc - Ảnh 1.

Ông Mai Trung Sơn cho rằng, để xây dựng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thành quy định bắt buộc cần phải có lộ trình và có sự chuẩn bị về nhiều mặt. Ảnh D.L

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân có lợi cho mọi cá nhân, cho mọi cặp vợ chồng, gia đình, dòng họ và cả xã hội.  

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, để xây dựng khám sức khỏe tiền hôn nhân thành quy định bắt buộc cần phải có lộ trình và có sự chuẩn bị về nhiều mặt như quy định pháp luật, thủ tục hành chính, cơ sở vật chất, nhân lực y tế…

Về đề nghị đưa khám sức khỏe tiền hôn nhân thành quy định bắt buộc, chia sẻ với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, thành viên Uỷ ban xã hội của Quốc hội cho biết: "Tôi cho đây là ý kiến rất đáng để cân nhắc. Trước đây chúng ta ốm mới đi khám bệnh, còn giờ mọi người đã quan tâm đến việc dự phòng, ngăn chặn ngay từ đầu. Khám sức khỏe tiền hôn nhân chính là "dự phòng" cho tương lai.

Hiện nay, điều kiện khoa học kỹ thuật hiện giờ cũng hiện đại chính vì thế giá cả làm xét nghiệm, sàng lọc tiền hôn nhân rẻ hơn so với trước đây rất nhiều, hơn nữa các xét nghiệm ban đầu cũng không cao.

Ngoài ra, ý thức của người dân trong việc tự sàng lọc tiền hôn nhân đã tốt hơn trước. Nhiều bạn trẻ yêu nhau, muốn kết hôn đã rủ nhau đi khám sức khỏe để mong muốn sinh ra thế hệ sau tốt hơn", ông Trí nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều cần thiết nhưng để đưa việc này thành quy định bắt buộc thì cần cân nhắc thêm.

GS Cử phân tích, trước hết, ngành Y tế chưa đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu khám sức khỏe trước hôn nhân. Điều tra gần đây cho thấy, 46,3% cán bộ Y tế cho rằng, cơ sở vật chất chưa đủ; 43,3% đánh giá thiếu cán bộ chuyên môn để cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước kết hôn.

Trong điều kiện như vậy, nên dành ưu tiên trước hết cho việc phát triển hệ thống dịch vụ khám sức khỏe trước hôn nhân.

Hơn nữa, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu cặp đôi kết hôn, nếu "đồng loạt" khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể làm tăng thêm sự quá tải đối với hệ thống y tế.

"Lười" khám sức khỏe tiền hôn nhân (kỳ cuối): Đừng chủ quan với hạnh phúc - Ảnh 2.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một cách bảo vệ hạnh phúc lâu dài cho gia đình, dòng họ của mình (Tư vấn và thăm khám cho vợ chồng trẻ tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ảnh BVCC)

Theo GS Cử, bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể làm tăng tỷ lệ hôn nhân không đăng ký kết hôn.

"Hiện nay, tỷ lệ hôn nhân không đăng ký vẫn còn cao, đặc biệt là ở miền núi. Nếu thêm thủ tục hành chính (thêm giấy chứng nhận đã kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân), tỷ lệ này có khả năng tăng lên gây phức tạp thêm trong quản lý xã hội", GS Cử chia sẻ.

GS Cử cho rằng, nếu quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn, phải sửa đổi, bổ sung các bộ luật liên quan, như: Luật hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo hiểm Y tế,… và chú ý các Công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.

"Do đó, thay vì sử dụng biện pháp hành chính bắt buộc nên đa dạng hóa các biện pháp, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, trong nhà trường cũng như ngoài xã hội để người dân hiểu được khám sức khỏe trước hôn nhân là bảo vệ chính mình và những đứa con của mình.

Đưa quy định này vào hương ước để nhân dân thực hiện; khuyến khích, hỗ trợ, chẳng hạn, giai đoạn đầu có thể miễn phí cho người khám sức khỏe trước kết hôn…", GS Cử hiến kế.

Hôn nhân không đơn giản "cứ yêu là cưới"

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Cục Dân số (Bộ Y tế) khẳng định, khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều cần thiết. Các bạn trẻ sẽ không thể biết mình đang mắc bệnh gì, có ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi hay không, có sinh được con khỏe mạnh hay không.

Do đó, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một cách bảo vệ hạnh phúc lâu dài cho gia đình, dòng họ của mình.

Thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành về sức khỏe sinh sản, giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, từ đó nâng cao chất lượng dân số, Cục Dân số (Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai Mô hình Tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. 

"Lười" khám sức khỏe tiền hôn nhân (kỳ cuối): Đừng chủ quan với hạnh phúc - Ảnh 3.

Các bạn trẻ sắp bước vào cuộc sống hôn nhân cần phải được truyền thông để hiểu về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nói chung và sàng lọc các bệnh di truyền nói riêng (Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh BVCC)

Mô hình này được triển khai từ năm 2011, đến nay mô hình này đã được triển khai tại 1.464 xã thuộc 63 tỉnh, TP. Hàng triệu vị thành niên, thanh niên được cung cấp kiến thức, được tư vấn, được điều trị các bệnh để tránh nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật, giữ gìn hạnh phúc lứa đôi. 

Tuy nhiên, bà Hương cũng cho biết, nhận thức và thực hành tìm kiếm dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân của nam nữ thanh niên còn rất hạn chế. Nguyên nhân do có rào cản như định kiến xã hội, tập quán văn hóa, chênh lệch trình độ dân trí...

Đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và ở đồng bào dân tộc thiểu số; tính sẵn có của dịch vụ còn hạn chế dẫn đến việc tổ chức triển khai khám sức khỏe tiền hôn nhân giữa các tuyến còn chưa thuận lợi.

Ông Sơn cũng cho biết, Cục Dân số đã xây dựng những bộ tài liệu kiến thức về hôn nhân để tuyên truyền cho các bạn trẻ. Theo ông Sơn, sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ là vấn đề thể xác mà còn là tâm lý. 

Các bạn trẻ không thể "cứ yêu là cưới", "liều mạng" với cuộc hôn nhân của mình. "Yêu nhau toàn màu hồng, đối xử với nhau tình cảm, dịu dàng. Cưới về lại phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh cãi nhau về tiền bạc, ứng xử, việc nhà, chăm sóc con cái.... 

Do đó, để đảm bảo "sức khỏe" hôn nhân tốt các bạn trẻ không chỉ đi khám sức khỏe là xong mà cần được học về cách ứng xử trong hôn nhân, cách chia sẻ việc nhà, đóng góp kinh tế, chăm sóc con...

Đó là cả quá trình tích lũy lâu dài, chứ không chỉ "3 tháng trước khi kết hôn đi khám sức khỏe là đủ", ông Sơn chia sẻ. 

Bác sĩ Phạm Thuý Nga, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh, các bạn trẻ sắp bước vào cuộc sống hôn nhân cần phải được truyền thông để hiểu về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nói chung và sàng lọc các bệnh di truyền nói riêng. 

Nếu như các bạn mang gen hoặc mắc bệnh di truyền, các bạn sẽ được các bác sĩ tư vấn để hiểu hơn về khả năng sinh ra con dị tật, cũng như được tư vấn để áp dụng các công nghệ hiện đại, đảm bảo không sinh ra con mang bệnh di truyền. 

Còn đối với tất cả các bạn trong lứa tuổi sinh sản, khi có thai, các bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để quản lý thai nghén. Nếu trong quá trình quản lý thai có vấn đề gì, các bác sĩ sẽ tư vấn cho các bạn các biện pháp sàng lọc và chẩn đoán trước sinh để tránh sinh ra những em bé dị tật.

"Lười" khám sức khỏe tiền hôn nhân (kỳ cuối): Đừng chủ quan với hạnh phúc - Ảnh 4.

Các bạn trẻ đừng mải lo đám cưới mà quên quan tâm đến hạnh phúc lâu dài của hai vợ chồng và những đứa con. Ảnh minh họa Pixbay

Theo bác sĩ Nga, số tiền khám sức khỏe tiền hôn nhân bước 1 không hề đắt, chỉ bằng 1 bữa ăn đơn giản. Cụ thể như khám sức khỏe tiền hôn nhân ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ khoảng 300.000 đồng/lần thăm khám-tư vấn. Sau đó, tùy thuộc vào bệnh lý của từng người mà các chuyên gia sẽ chỉ định những xét nghiệm phù hợp. 

"Do đó, các bạn trẻ đừng mải lo đám cưới mà quên quan tâm đến hạnh phúc lâu dài của hai vợ chồng và những đứa con", bác sĩ Nga nhấn mạnh. 

Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 về Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Quyết định số 1999/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Mục tiêu chung

Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

- Mục tiêu cụ thể

+ Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030 và giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống;

+ Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50% năm 2025; 70% năm 2030;

+ Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;

+ Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;

+ Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030…;

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem