Livestream bán hàng không còn là "đất lành" cho hàng hóa vi phạm

Vũ Khoa Thứ năm, ngày 04/01/2024 06:31 AM (GMT+7)
Việc "bắt đúng bệnh" giúp lượng quản lý thị trường theo sát trong xử lý vi phạm kinh doanh hàng hóa trên không gian mạng vốn ngày càng nhiều biến thể.
Bình luận 0

Đặt mục tiêu dài hơi

Sự tăng trưởng trong những năm qua đã đưa bán lẻ thương mại điện tử trở thành thị trường tỷ đô la. Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy tỉ lệ mua sắm trực tuyến của người Việt đang cao nhất Đông Nam Á với 41% người dân từng sử dụng loại hình này. Thế nhưng, sự tăng trưởng nóng vô tình tạo môi trường phát triển cho hàng hóa vi phạm, giả mạo, trốn thuế.. bởi đặc thù rất khó quản lý, ngăn chặn.

Vì vậy, Đề án Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 (Đề án 319). Với sự tham gia toàn diện của các Bộ, ngành; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.. đây được coi như cây kim chỉ nam để xây dựng rào ngăn cho vi phạm lây lan.

Đưa ra "đề bài" rõ ràng, Đề án 319 yêu cầu cơ quan chức năng tập trung lực lượng, sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm. Mặt khác, yêu cầu có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử, hạ tầng mạng xã hội bằng việc ký các cam kết ràng buộc về chất lượng hàng hóa, và đối với từng chủ thể kinh doanh.

Mục tiêu cao nhất để nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật số.

Livestream bán hàng không còn là "đất lành" cho hàng hóa vi phạm- Ảnh 1.

Địa điểm đang livestream bán hàng vi phạm bị quản lý thị trường kiểm tra đột xuất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Được coi như ngành mũi nhọn trong kiểm soát kinh doanh hàng hóa, từ khi Đề án 319 ra đời, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo với sự tham gia của cơ quan chức năng, doanh nghiệp để nhận về những ý kiến đóng góp từ góc độ quản lý, kênh trung gian và những người trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát, xử lý vi phạm.

Thông qua đó, Tổng cục tiếp thu, rút kinh nghiệm và dần tìm ra giải pháp ưu việt nhất cho từng câu hỏi như: Làm thế nào để nhận định dấu hiệu vi phạm? Ứng dụng công nghệ ra sao trong hoạt động kiểm tra? Vấn đề pháp lý trong kiểm soát thương mại điện tử? Phương pháp đảm bảo chứng cứ xác thực? Yêu cầu như thế nào với năng lực thực thi của cán bộ ngành dọc?

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, kiểm soát vi phạm tại nền tảng thương mại điện tử, internet là nhiệm vụ trọng tâm ít nhất từ 3 đến 5 năm tới.

"Bắt bệnh" né lực lượng chức năng của chủ kênh livestream vi phạm

Qua công tác nắm bắt quản lý địa bàn, sau một thời gian theo dõi hoạt động, ngày 29/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Trần Thị Thanh Hoài tại ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa được chất đống, ngổn ngang trong khu chứa có diện tích khoảng 300m2. Lực lượng chức năng phát hiện trên 4.000 mã hàng hoá từ quần áo, giày dép, nước lau sàn đến các mặt hàng thực phẩm.. không rõ nguồn gốc xuất xứ được chuẩn bị để giới thiệu đến người tiêu dùng qua kênh livestream trên trang Facebook, sau đó sẽ vận chuyển thông qua đơn vị giao hàng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đây là trường hợp đầu tiên mà lực lượng Quản lý thị trường tỉnh phát hiện, triệt phá với số lượng hàng hóa lớn mà chủ cơ sở bán trên nền tảng mạng xã hội bằng hình thức livestream qua kênh Facebook.

Livestream bán hàng không còn là "đất lành" cho hàng hóa vi phạm- Ảnh 2.

So sánh điều kiện kiểm tra, xử lý để giữa các mô hình

Nhìn lại suốt năm 2023, đặc biệt là thời điểm cuối năm, liên tục các vụ "bắt tận tay" ngay tại địa điểm livestream được lực lượng quản lý thị trường thực hiện. Nhận định mô hình livestream bán hàng qua mạng hiện nay đã bén rễ đến từng ngõ hẻm, do đó công tác tầm soát cũng không giới hạn địa bàn. Vụ việc triệt phá kho hàng chứa hàng chục nghìn sản phẩm sản phẩm vi phạm tại tỉnh Gia Lai là một ví dụ. Ngay trong những ngày đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường ở một số tỉnh, thành phố cũng đã ngăn chặn những vụ việc bán hàng vi phạm qua kênh livestream mạng xã hội.

Lực lượng quản lý thị trường từng gặp không ít khó khăn khi xử lý vi phạm thuơng mại điện tử. Có những vụ việc tưởng như chín muồi, nhưng bắt hụt vào phút vì đặc thù của thương mại điện tử xóa dấu vết rất nhanh (di dời kho hàng, đóng tài khoản, hủy đơn hàng..), dẫn đến không đủ căn cứ để xử lý. Tình trạng được lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thẳng thắn thừa nhận rằng có thời điểm đã làm nản lòng, đôi khi là tránh né của lực lượng kiểm soát địa bàn.

Dù vậy, bằng việc "bắt đúng bệnh", những vấn đề này đang dần được cải thiện và những vụ việc nêu trên là minh chứng. Nhìn xa hơn, Tổng cục Quản lý thị trường đang nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xây dựng đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho công chức Quản lý thị trường về thương mại điện tử. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng.

Mặt khác, việc nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội cũng rất cần thiết trong vai trò sàng lọc. Từ đó, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu bất minh để thương mại điện tử không còn là "đất lành" của hàng hóa vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem