Kinh hoàng đầu tư dự án nông nghiệp CNC: 16 bước và 40 thủ tục

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 31/12/2017 09:35 AM (GMT+7)
Nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng vẫn chưa tạo được sức hút với doanh nghiệp, vì thủ tục quá nhiều, phức tạp. Thậm chí, có dự án phải trải qua tới 16 bước và 40 thủ tục mới được đầu tư.
Bình luận 0

Không ít doanh nghiệp (DN) cho rằng, các chính sách hiện nay chưa phù hợp thực tiễn, trở thành rào cản và cần sớm sửa đổi để giúp họ phát triển mạnh hơn.

Thủ tục còn nhiêu khê

img

 Ông Huỳnh Biển Chiêu tự mày mò ứng dụng khoa học công nghệ về sản xuất sạch cho vườn mãng cầu của mình.  Ảnh: N.V

"Về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, đến nay đã có trên 33.000 tỷ được giải ngân cho DN nông nghiệp công nghệ cao. Quyết định sửa đổi Quyết định 69 đang được các bộ ngành liên quan rà soát lại một lần nữa để chuẩn bị trình Chính phủ. Dự thảo này có một điểm mới, quyết định công nhận dự án nông nghiệp công nghệ cao sẽ do đích thân Giám đốc Sở NNPTNT cấp tỉnh quyết định”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Hà Công Tuấn

Ông Đỗ Văn Huệ - Tổng Giám đốc Công ty CP Đông trùng hạ thảo (TP.HCM) kể DN muốn được chứng nhận một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủ tục phức tạp, phải thông qua nhiều bộ ngành. Sau đó, thủ tục chứng nhận cũng phức tạp không kém khiến DN gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi.

Trước đây, căn cứ vào Quyết định số 69 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, DN cần thỏa mãn các tiêu chí theo khoản 1 Điều 19 Luật Công nghệ cao; sau đó phải làm hồ sơ chứng minh mình đạt tiêu chí này gửi về Bộ NNPTNT xem xét, cấp chứng nhận. Tuy nhiên, các tiêu chí chưa rõ ràng, cụ thể nên việc áp dụng rất khác nhau giữa các nơi. “Hiện nay, hoạt động cấp chứng nhận không được phân cấp cho địa phương, là nơi quản lý trực tiếp hoạt động của DN, khiến DN mất thêm nhiều chi phí, thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính” - ông Huệ nói.

Dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh), ông Huỳnh Biển Chiêu là một trong những người tiên phong trồng mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực tế, mãng cầu ông bán cho thị trường VietGAP chỉ khoảng 40%. Số còn lại, ông Chiêu phải đành bán ra thị trường thông thường với giá rất thấp.

Cần sửa đổi để bứt phá

Năm 2017, ngành nông nghiệp chứng kiến nỗ lực đáng kể khi 6 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng âm, đến hết tháng 11, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu 33,1 tỷ USD, tương đương năm 2016. Điều này cho thấy có sự quyết tâm rất lớn từ nông dân, DN và sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách để tạo động lực phát triển. 

Theo Sở KHĐT tỉnh Tây Ninh, phần lớn các dự án đầu tư vào nông nghiệp đã đăng ký hỗ trợ vốn lại chưa đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định. Nguồn vốn này phải điều chuyển sang cho các mục tiêu đầu tư khác. Thời gian qua, Sở này chỉ hỗ trợ được 1 dự án trồng chanh dây ở huyện Tân Châu theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT thừa nhận, đánh giá của cộng đồng DN về hạn chế trong triển khai chính sách hiện nay là đúng. Các bộ ngành liên quan cũng đang đề nghị thay đổi.

Cụ thể như Nghị định 210/2013, cuối năm 2016, Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều hội thảo, cơ bản làm rõ được các hạn chế và nguyên nhân. Bộ sẽ tập trung  điều chỉnh chính sách cụ thể, đáp ứng thực tiễn của DN trên 3 lĩnh vực chính: Đất đai, tín dụng, thuế. Một dự án phải mất 16 bước và 40 thủ tục mới tiếp cận được. “Khâu thủ tục vẫn còn nhiêu khê, mang nặng cơ chế xin cho” - Thứ trưởng nói.

Theo ông Tuấn, sàn giao dịch nông sản hiện nay đúng là chưa hiệu quả, như sàn thủy sản Cần Thơ, sàn giao dịch đường của Công ty CP Sài Gòn Thương Tín… Các sàn này đều có sự phối hợp giữa nhà nước và các ngân hàng lớn nhưng ban đầu còn sôi nổi, sau thì chìm dần. Bộ NNPTNT đang đánh giá lại toàn bộ để có hướng điều chỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem