Không có nước, Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ là đồng bằng "chết"

Vũ Khoa Thứ ba, ngày 19/09/2023 06:28 AM (GMT+7)
Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, an ninh nguồn nước khi không được đảm bảo còn gây xáo trộn đến quá trình sản xuất, phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp.
Bình luận 0

85% nước thải đang xả trực tiếp ra môi trường

Tại họp báo Triển lãm và Hội thảo quốc tế VietWater 2023, PGS TS Hoàng Thái Đại, Chuyên gia cao cấp Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, trên toàn quốc hiện nay có hơn 500 hệ thống cấp nước tập trung, cấp trên 11 triệu m3 trên ngày/đêm. Tuy nhiên, cấp thoát nước vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề, ví dụ như thiết hụt hệ thống hạ tầng, thất thoát nước, rò rỉ qua đường ống. Trên tổng số 63 tỉnh thành, mới có 30 địa phương có quy hoạch cấp nước.

Trong khi tỉ lệ thoát nước, xử lý nước thải chỉ đạt khoảng 13-15%, chủ yếu ở đô thị. Dù các KCN, CCN hiện nay đều được yêu cầu phải có hạ tầng xử lý, tuy nhiên nhiều nơi chưa thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, còn cả những khó khăn liên quan đến kinh tế. "Thường là khi cấp nước phải tính thoát nước. Ví dụ cấp 1m3 nước sẽ thoát 1m3 nước và tính vào giá thành. Bởi chi phí xử lý nước thải là rất tốn kém, ở một số nước, như Thụy Điển, cấp 1m3 nước phải cộng vào gấp 3 lần giá tiền đó để tính cho 1m3 nước thải. Nhưng chúng ta chưa làm được điều này", PGS TS Hoàng Thái Đại nhận định.

Ô nhiễm nguồn nước đồng nghĩa với an ninh lương thực bị đe dọa - Ảnh 1.

PGS TS Hoàng Thái Đại nêu thực trạng ngành nước. Ảnh: Vũ Khoa

Do đặc thù nguồn nước nội sinh chỉ chiếm 1/3, nên tính chủ động đối với thích ứng, chống chịu trước những vẫn đề ô nhiễm hạn hán, xâm nhập mặn, thau chua rửa phèn ngập úng.. đặc biệt khu vực phía Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm cũng đang diễn ra. Những năm gần đây, hạn hán và lũ lụt cực đoan hơn do Việt Nam nằm trong số các quốc gia nặng nề nhất về biến đổi khí hậu.

"85% nước thải xả trực tiếp ra các nguồn tiếp nhận, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước diễn ra ở khắp các lưu vực sông, kể cả nước mặt, nước ngầm đều ô nhiễm. Điều này cũng làm cho hiệu quả sử dụng nước rất thấp", vị Chuyên gia nói thêm.

Về an ninh nước, ngân hàng phát triển Châu Á đã đánh giá Việt Nam trong các năm 2013, 2016 và 2020 khá thấp. Hệ thống thủy lợi trên toàn quốc đều có vấn đề ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chia sẻ với PV Dân Việt, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam (VWSA) Nguyễn Ngọc Điệp đồng tình với những ý kiến cho rằng tỷ lệ nước thải được xử lý hiện nay đang rất thấp. Cụ thể, Chủ tịch VWSA cho biết, ước tính trong khoảng 12 triệu m3 nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước, hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu m3 được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường.

"Nhiều phóng sự thấy rằng dòng sông, lưu vực, đen ngòm, đây là tiếng nói cấp thiết cần tất cả các bên quan tâm", Chủ tịch VWSA nhấn mạnh.

Ô nhiễm nguồn nước đồng nghĩa với an ninh lương thực bị đe dọa - Ảnh 2.

Hàng triệu m3 nước thải chưa qua xử lý được xả ra môi trường. Ảnh: Vũ Khoa

Liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước, năm 2020, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội đã chỉ ra 9 thách thức. Đồng thời nêu quan điểm đảm bảo an ninh nguồn nước là chiến lược hệ trọng của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

An ninh nguồn nước phải là ưu tiên hàng đầu

"Lấy ví dụ như tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là vựa lúa của cả nước cũng như là nguồn cung cấp trái cây, thủy sản lớn. Không có nước, Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ là đồng bằng "chết". Tôi nhắc lại quan điểm của Chính phủ, Quốc hội. Hiện đồng bằng này có gần 2 triệu ha đất phèn, nếu không có nước để ém phèn, chống xâm nhập mặn thì không có cây nào sống được. Bởi vậy, trong nhiều vấn đề liên quan đến nước, an ninh nguồn nước là vấn đề số một, là vấn đề an ninh quốc gia", PGS.TS Hoàng Thái Đại nói với PV Dân Việt.

Theo đó, PGS.TS Hoàng Thái Đại nhận định nguồn nước thượng nguồn hiện nay đang ngày càng hạn chế, rất thất thường. Từ đó gây ra vấn đề lớn là hạn hán. Như vậy, việc trữ nước như thế nào, bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo nguồn sinh thủy ra sao phải được nghiên cứu cụ thể, cần đồng tâm hiệp lực với tất cả các ngành, bộ phận trong xã hội.. Đồng thời, triển khai các bước hợp tác với những quốc gia tiên tiến để có phương pháp giữ nước, phân phối, điều hòa nước.

Vấn đề cấp bách tình hình hiện tại, liên quan đến vấn đề nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nếu lưu vực này, nguồn nước không đủ cho cây lúa, trang trại tôm cá.. ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến lưu vực đó. Đặc biệt, nguồn nước bị ô nhiễm từ KCN, dân sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dân. Trong khi Việt Nam đang đứng trong nhóm quốc gia xả ra lượng rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới, chỉ sau một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc.

Ô nhiễm nguồn nước đồng nghĩa với an ninh lương thực bị đe dọa - Ảnh 3.

Ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Vũ Khoa

Tránh tình trạng rẻ trước, đắt sau do thiếu duy tu

Trong các giải pháp, PGS TS Hoàng Thái Đại cho rằng đầu tiên bao giờ cũng phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đập, hồ chứa nước. Sau đó là tới bổ sung vấn đề thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch. Tiếp đó, tăng cường kỹ thuật và sự phối hợp của các ngành, các cấp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đảm bảo an ninh nguồn nước. Đặc biệt là hợp tác với các quốc gia thượng nguồn gồm Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Đồng thời thực hiện nghiêm túc các kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh. Quyết định 882 năm 2022 về quản lý tài nguyên nước, đầu mối do Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp.

PGS.TS Hoàng Thái Đại cho rằng hiện nay vấn đề duy tu công trình hạ tầng cấp, thoát và xử lý nước thải chưa được chú trọng. Theo đó, dù hạ tầng mới luôn phải đảm bảo các yêu cầu về xử lý nước và nước thải. Tuy nhiên những người có vai trò quyết định thường "quên mất" quy trình vận hành và bảo dưỡng các công trình về sau. Chính vì thế, nếu chỉ đầu tư về giải pháp mà quên vận hành bảo trì, khi hỏng hóc phải thay thế mới, dẫn đến câu chuyện chi phí ban đầu rẻ nhưng gây tốn kém về sau.

Bởi vậy, để có giải pháp bền vững nhất, cần kết hợp các nguồn sáng tạo, cơ chế, chính sách quản lý đầu tư. Cần phải cùng hành động bằng giải pháp chung, đồng hành của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, viện khoa học nghiên cứu... mới đạt kết quả tối ưu mang tính liên ngành và liên tục. PGS.TS Hoàng Thái Đại cho biết, vừa qua, Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước đã được Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện những tồn tại đang hiện hữu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem