Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Báo NTNN là cầu nối quan trọng giúp nông dân tiếp cận vốn

Minh Huệ - Lê Thúy Thứ sáu, ngày 03/05/2024 13:30 PM (GMT+7)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, những năm qua Báo Nông thôn Ngày nay đã luôn đồng hành và là cầu nối quan trọng giúp nông dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng ngày càng nhiều hơn.
Bình luận 0

Trong các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn là cơ quan quản lý quan tâm và đồng hành với Báo NTNN/Điện tử Dân Việt. Hầu hết các sự kiện đều có lãnh đạo NHNN tham gia, trong đó, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú là người thường xuyên có mặt để chia sẻ, trao đổi và thảo luận.

Đặc biệt, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì và Báo NTNN tổ chức đã diễn ra 5 lần và trong số các bộ ngành, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú là người duy nhất có mặt tham gia đầy đủ 5 lần.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Báo NTNN là cầu nối quan trọng giúp nông dân tiếp cận vốn- Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: NHNN

Nhân kỷ niệm 40 năm ra số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên (7/5/1984 – 7/5/2024), PV đã có cuộc trò chuyện với Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú.

Cảm nhận của ông về 5 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại là như thế nào, thưa Phó Thống đốc?

Có thể khẳng định và tôi đánh giá cao vai trò và kết quả truyền thông của Báo NTNN đối với bạn đọc nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để mọi người hiểu, nắm bắt và thực hiện. 

Vì thế, NHNN luôn coi trọng việc phối hợp với báo NTNN, luôn đồng hành cùng Báo để cung cấp thông tin, cơ chế chính sách hoạt động tiền tệ ngân hàng, đến với công chúng nhất là đông đảo lực lượng nông dân của chúng ta để người nông dân dễ dàng nắm bắt, tiếp cận, được thụ hưởng các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước và của ngành ngân hàng.

Tôi cũng rất vinh dự được tham gia đủ 5 kỳ Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân trong mấy năm qua. Mỗi một Hội nghị là một diễn đàn rất thiết thực. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng trực tiếp lắng nghe, chia sẻ, giải thích và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân khắp mọi miền tổ quốc để mỗi cấp mỗi ngành và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nông dân.

Thực ra lắng nghe, thấu hiểu các khó khăn, vướng mắc, những tâm tư nguyện vọng, thậm chí những bức xúc gay gắt, những kiến nghị, đề xuất của người nông dân là một việc làm rất cần thiết của các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương. 

Đối thoại trực tiếp là phương thức ngắn nhất, tập trung nhất để tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, cơ chế chính sách góp phần tháo gỡ khó khăn hiện nay luôn là vấn đề quan trọng và cần thiết, cho nông nghiệp, nông thôn và thực hiện tốt các mục tiêu của tam nông.

Sau mỗi lần Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, NHNN đều kịp thời ban hành ngay các chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, các trang trại, hợp tác xã,… trong các quan hệ tín dụng, thanh toán thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của người dân.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Báo NTNN là cầu nối quan trọng giúp nông dân tiếp cận vốn- Ảnh 3.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú (ngoài cùng, bên trái) là người duy nhất có mặt tham gia đầy đủ 5 lần Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân. Ảnh: DV

Còn nhớ Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương năm 2018, nông dân Tô Hiến Thành ở Bắc Giang đã hỏi Thủ tướng Chính phủ về việc làm thế nào để vay vốn tài sản thế chấp giúp giảm lãi suất để ông phát triển trang trại lợn và mở rộng nuôi cá nước ngọt của mình. Lúc đó, ông rất ngạc nhiên vì cho vay nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được ưu đãi theo chính sách của Nhà nước, vì sao lại khó khăn. Còn nhớ, ngay sau hội nghị đó, đích thân ông đã đi đến trang trại lợn của nông dân này để kiểm tra và giải quyết vướng mắc về vốn vay?

Đó là một ấn tượng và một kỷ niệm trong đời công tác của tôi. Tại Hội nghị khi bác nông dân Tô Hiến Thành tại Bắc Giang phản ánh khó khăn tiếp cận vay vốn, nhất là chưa được thụ hưởng chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn, mặc dù đối tượng vay vốn thực sự là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi. Khi nghe phản ánh, tôi cũng rất nao lòng.

Ngay tại hội nghị, tôi hứa với Thủ tướng sẽ kiểm tra trực tiếp và xử lý ngay sau một tuần.

Hội nghị kết thúc, vài hôm sau tôi đã dẫn một đoàn công tác của NHNN và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), lên trực tiếp Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang và cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn và nuôi cá nước ngọt ứng dụng công nghệ cao của bác Thành để lắng nghe những phản ánh cụ thể.

Thực ra, không có vướng mắc lớn, chủ yếu là thông tin về chính sách, cơ chế ưu đãi của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không được thông tin đầy đủ, không được phổ biến và thực hiện kịp thời từ cả hai phía, ngân hàng và người vay.

Sau khi chỉ đạo Agribank tỉnh Bắc Giang đã chủ động thông tin tới khách hàng vay vốn và thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn, lãi suất và thời hạn. Đồng thời, đề nghị phía bác Thành cần phối hợp chặt chẽ, báo cáo đầy đủ năng lực tài chính, xác định rõ quy mô, mức độ đầu tư mở rộng sản xuất nuôi cá và gia tăng đàn lợn, xác định rõ chu kỳ tiêu thụ bán hành để xác định đúng thời hạn vay vốn.

Sau đó, những vướng mắc về hạn mức vốn tín dụng, thời hạn vay vốn, lãi suất vay đã được Agribank Bắc Giang xử lý đúng theo quy định của chính sách ưu tiên và phù hợp với nhu cầu vốn của bác Thành.

Qua vụ việc cụ thể nêu trên, tôi cũng đã khái quát thành các chỉ đạo chung trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Có thể nói, những xử lý, chỉ đạo kịp thời và công tác nắm bắt, phát hiện vướng mắc đã góp phần đưa cơ chế chính sách vào cuộc sống rất tích cực. Nhất là đối với người nông dân, tôi thấy luôn cần có nhiều và thường xuyên được quan tâm, hướng dẫn và chia sẻ.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Báo NTNN là cầu nối quan trọng giúp nông dân tiếp cận vốn- Ảnh 5.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú giải đáp câu hỏi của bà con nông dân, doanh nghiệp về tín dụng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, tổ chức tại Sơn La.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Báo Nông thôn Ngày nay trong việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ quan bộ ngành nói chung và Ngành ngân hàng nói riêng thông qua các tuyến bài hay các sự kiện hội thảo, hội nghị như Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân?

Có thể nói, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã luôn đồng hành cùng ngành ngân hàng, trở thành nơi chuyển tải tới bà con nông dân giúp người dân hiểu và cập nhật đầy đủ về các quy định, thủ tục vay vốn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Bên cạnh những tuyến bài hay, các diễn đàn, hội nghị do báo tổ chức như Thủ tướng đối thoại với nông dân, tự hào nông dân Việt Nam cũng rất thành công, là hình thức chuyền tải thông tin ấn tượng.

Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và một số mặt hàng nông sản chủ lực nói riêng như lúa gạo, cà phê, thủy sản,..; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các ngành này tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh (như: duy trì hạn mức tín dụng đã cấp, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp).

Thường xuyên chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có các khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, NHNN đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023) tạo điều kiện cho khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện, ngành Ngân hàng có 18 văn bản có hiệu lực, cơ chế chính sách trực tiếp hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ các chính sách chung cả nước, mà còn đi vào từng khu vực, vùng miền cụ thể như mong mỏi của bà con. Như khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho cây lúa, tôm, cá; đối với khu vực Tây Nguyên cho cây cà phê, cây công nghiệp; khu vực miền núi phía Bắc cũng như đồng bằng sông Hồng cũng có những cơ chế chính sách riêng, thậm chí để hỗ trợ, giải quyết, khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hoặc đối với bà con ngư dân.

Đến nay, tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn thường xuyên duy trì ở mức cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, chiếm khoảng 10-12% hàng năm, kể cả những năm có dịch Covid-19 hay khó khăn như thời gian qua và hiện nay.

Trong thời gian tới, tôi hy vọng và tin tưởng rằng Báo Nông thôn Ngày nay qua các tuyến bài, các hội nghị lớn như Thủ tướng đối thoại với nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, minh bạch hóa về chủ trương, chính sách của ngành ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn, sử dụng các dịch vụ tài chính, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.

Xin trân trọng cám ơn Phó Thống đốc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem