Kể chuyện làng: Thương sao bông súng đồng quê

Phạm Ngọc Nhật Linh Thứ tư, ngày 19/04/2023 08:02 AM (GMT+7)
Một sáng chủ nhật, đi ngang qua góc chợ cũ, nhìn thấy mớ bông súng quê được bày trong cái mẹt nhỏ của bà cụ bán rau quen, lòng tôi không khỏi nao nao nhớ quê nhà.
Bình luận 0

Như nhìn thấy vẻ bâng khuâng của tôi, bà cụ đon đả chào hàng: "Bông súng bà hái từ quê mang lên đó con. Con cũng ở miền Tây phải không? Người miền Tây mình, ai cũng thích ăn bông súng vì nó mát mát, lành tính. Con mua ủng hộ cho bà nhanh hết hàng để còn về nhà sớm, con nhé". Chỉ vài lời giản đơn mà khiến tôi bùi ngùi mãi về một khoảng đời tuổi thơ đã qua ở quê nhà.

Kể chuyện làng: Thương sao bông súng đồng quê - Ảnh 1.

Bông súng hồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Bông súng ở quê tôi là loài rau đồng, chủ yếu mọc ở những vùng đất trũng, đọng nhiều nước bùn. Vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch, mùa nước lớn đổ về là lúc bông súng trồi lên theo làn nước. Dẫu không hương sắc như hoa sen nhưng bông súng với màu trắng, hồng thuần khiết đủ sức làm dịu mát ánh nắng phương Nam, khiến người ngắm cảm thấy nhẹ nhàng thư thái.

Người dân miệt vườn quê tôi thường bơi xuồng đi nhổ bông súng, cuộn tròn 10 cọng thành một khoanh, mang về bán cho thương lái hoặc bày ra chợ để dành bán cho mọi người trong làng. Bông súng tuy bình dị nhưng đã trở thành món ăn khoái khẩu, thường nhật của người dân đồng quê. Nói như bà con quê tôi thì bông súng là đặc sản được thiên nhiên ưu đãi cho người dân phương Nam. Cũng bởi, không chỉ tỏa hương, củ bông súng khi ăn vừa bùi lại vừa béo. Thậm chí, bông, thân, lá non mát rượi, mang vẻ thuần khiết, chẳng kén miệng người dân quê chân chất, thật thà.

Kể chuyện làng: Thương sao bông súng đồng quê - Ảnh 2.

Bông súng miệt vườn. Ảnh: Tác giả cung cấp

Mẹ tôi vốn là một người rất yêu hoa súng. Biết mẹ thích hoa nên mỗi khi đi hái hoa ngoài đồng, mấy anh em tôi thường chủ tâm hái thêm vài hoa súng trắng tinh khôi. Thi thoảng, chúng tôi may mắn tìm được một vài bông súng tím xanh, hoa to hơn, tỏa hương thơm hơn hẳn, sẽ nhanh chân mang về cho mẹ.

Thuở ấy nhà nghèo, không có nổi một chiếc bình cắm hoa, nhưng mỗi khi nhận được bó hoa súng từ các con, ánh mắt mẹ tôi luôn trìu mến. Mẹ thường sẽ lấy một chiếc ca nhựa đã cáu cạnh váng chè, tỉ mỉ cắm hoa súng vào rồi đặt lên mặt bể nước. Những ngày còn bé, tôi thường thơ thẩn đứng ngắm những nụ hoa súng mẹ cắm mãi cho đến khi hoa khép cánh "đi ngủ".

Để rồi bản thân lại háo hức chờ đợi qua một đêm ngủ ngon và được uống no sương gió, cành súng trở nên cứng cáp hơn, bông súng như căng mẩy hơn. Dù đứng chen chúc nhau trong chiếc bình chật hẹp nhưng mỗi bông súng đều tìm cách vươn lên, để có một chỗ tốt nhất mà khoe sắc khi tia nắng đầu tiên chạm đến.

Tuy nhiên, điều háo hức nhất vẫn là việc theo chân các bạn đi hái bông súng. Những ngày cuối Xuân đầu hè, bông súng đồng mọc đầy trong các con mương vườn, xen lẫn trong đám lá là những nụ hoa với ba màu chủ đạo là trắng, hồng và tim tím duyên dáng.

Mò mẫm tìm những nơi nước sâu, tôi nhảy ùm xuống, dùng bàn chân đạp đứt rễ rồi kéo cả bụi bông súng lên. Cây mác đem theo chủ yếu để chúng tôi cắt bỏ lá già, dọn rạch phần gốc, rễ. Sau khi cắt đủ phần bông súng, chúng tôi thường lựa chỗ nước trong, dùng tay vuốt cho sạch bùn đất, nước phèn; từng cọng bông súng cọng vàng ngà ngà, cọng thì trắng nõn dài tha thướt như… suối tóc của mấy nàng con gái.

Kể chuyện làng: Thương sao bông súng đồng quê - Ảnh 3.

Canh bông súng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Thông thường, nhiều người chỉ chọn nhổ những cọng có hoa của cây bông súng. Tuy nhiên, muốn ăn bông súng "đúng điệu", chúng ta phải nhổ cả bụi, vì phần gốc có nhiều thân và lá non, ăn giòn giòn và có vị chát rất đặc trưng. Chỉ cần nhổ một lần độ chừng hai ba bụi là đủ cho cả nhà ăn một bữa. Bông súng tuy dân dã, nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo. Ðơn thuần nhất là ăn sống, hoặc bóp giấm, chấm nước cá kho. Cầu kỳ hơn thì bóp dập, trộn dừa nạo, ăn với mắm đồng kho, ngon … hết sẩy.

Bông súng khi đem về thường được mẹ tôi tước bỏ vỏ ngoài rồi cắt thành khúc ngắn, lá bông súng non thì cắt thành miếng nhỏ cho vừa ăn. Bông súng sử dụng để nấu canh chua kết hợp với cá lóc, hoặc rô đồng, nêm ngò gai, thêm vài lát ớt thì ngon đáo để. Bông súng khi nấu canh ngọt sẽ có vị bùi bùi, nhẫn nhẫn độc đáo từ những thân non và lá non còn "quấn kèn" chưa kịp bung nở. Nếu hôm nào anh trai tôi ra ruộng bắt được mớ ốc bươu, mớ nhái đồng thì mẹ tôi sẽ trổ tài làm món ốc, nhái xào nước cốt dừa với bông súng. Món này với bọn trẻ con nhà quê như chúng tôi ngày ấy luôn đặc biệt ngon, gây cảm giác háo hức lạ kỳ.  

Tuy nhiên, món ăn ngon nhất là bông súng ở đìa chấm với mắm kho. Dù thế, không phải bông súng nào cũng ngon như nhau mà theo kinh nghiệm của mẹ tôi thì chỉ có loại bông súng trắng, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, ăn mới mềm, có "hậu" ngọt…. Bông súng nhổ về để nguyên cọng rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để trong rổ cho ráo nước. Mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng ngâm trong hũ mắm bằng sành trên gài nhánh cây ổi tươi có lót mo cau ăn mới ngon. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, ăn sống với cơm nguội càng ngon.

Kể chuyện làng: Thương sao bông súng đồng quê - Ảnh 4.

Bông súng chấm mắm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Bông súng chấm mắm kho là món ăn đặc sản của người sành điệu ở Nam Bộ, đó là món ăn hàng ngày không thể thiếu được. Dẫu đã nhiều năm xa quê nhưng tôi vẫn nhớ mãi mâm cơm nhà quê giản dị bên chái bếp năm nào. Khi nồi mắm sôi vài dạo, trút mắm nước nhứt vào cho sôi bùng, hớt bọt rồi nhấc xuống. Theo mẹ tôi thì mắm kho phải ăn lúc còn nóng thì mới ngon nên cả nhà luôn tranh thủ quây quần bên nhau thì mẹ mới nhấc nồi mắm xuống. Ăn mắm kho, ngoài bông súng thì chúng ta có thể ăn với các loại rau ghém khác tùy theo sở thích của từng người. Cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm, béo béo của thịt ba rọi, giòn giòn, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the the của sả, cay cay của ớt luôn để lại dư vị khó quên cho bữa cơm miệt vườn, khiến bất kỳ ai xa quê cũng rưng rưng nhớ thương.

Tại một số nước trên thế giới, hoa súng được xem là quốc hoa, còn với người dân nông thôn Việt Nam, hoa súng đại diện cho những điều bình dị, đơn thuần và cũng là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình. Với riêng tôi, bông súng không chỉ là một loài hoa đồng nội mà còn ghi dấu biết bao kỷ niệm của tôi với gia đình. Những ngày trời Sài Gòn oi nồng, ngồi viết những dòng này, chẳng hiểu sao trong tôi lại trào dâng bao cảm xúc, nhớ về cái thuở ấu thơ nơi đồng quê, chiều chiều quây quần bên gia đình thưởng thức mùi hương thân quen tỏa ra từ nồi canh bông súng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem