Kể chuyện làng: Ba khía rang me, nhớ hoài hương vị quê nhà

Lê Trần Minh Anh Thứ bảy, ngày 25/06/2022 06:11 AM (GMT+7)
Tận dụng những đợt ba khía ngon, mẹ tôi cũng tranh thủ làm cho cha con tôi một món ăn đậm chất quê hương. Món này ăn cùng cơm cũng rất "đưa cơm" mà nhấm nháp như một món ăn vặt cũng rất đỗi thú vị.
Bình luận 0

Ba khía muối, đặc biệt chánh hiệu Rạch Gốc, ngày xưa vốn dĩ chỉ dành cho "con nhà nghèo". Tôi nhớ hoài những ngày còn thơ, khi cả lũ trẻ con đi học về, bụng đói chân run, chỉ mong chạy nhanh về nhà, tìm ít cơm nguội ăn kèm với món ba khía muối mẹ để sẵn trước khi ra đồng, thế mà đủ đầy ngon lành đến khó tả. Hoặc có những hôm mưa rơi trắng trời, cha mẹ không thể ra đồng, cả gia đình lại xúm xít bên nồi khoai ấm nóng ăn kèm với ba khía mằn mặn. Chỉ giản đơn thế mà đầm ấm và hạnh phúc vô kể. Dù thế, món ba khía rang me giòn giòn, chua ngọt hài hòa, thơm vị me, đậm vị mặn mới là món tôi thật sự mê mẩn.

Kể chuyện làng: Ba khía rang me, nhớ hoài hương vị quê nhà - Ảnh 1.

Ba khía. Ảnh: Lê Trần Minh Anh

Ba khía Đất Mũi vốn từ lâu đã ngon có tiếng, thịt chắc, đặc biệt vào mùa ba khía hội gạch son đỏ au nữa thì còn gì bằng. Kỳ thực, để làm món ba khía rang me không đòi hỏi nhiều kỳ công. Ta chỉ cần con ba khía sau khi soi, bắt đem về rửa cho sạch bùn đất, dùng mũi dao đâm khéo léo cho ba khía chết, tách phần mai và thân, có thể cắt đôi thành những miếng vừa ăn hay để nguyên tùy ý, chiên vàng giòn rồi cho nước sốt me vào rim cho đến khi sệt lại, bày ra dĩa rắc chút đậu phộng thơm bùi. 

Tuy nhiên, yếu tố thành bại của món ăn nằm ở nước sốt me, đòi hỏi người nấu phải biết cách nêm sao cho vị mặn chua ngọt hài hòa thấm đều vào thịt ba khía với lớp vỏ cam đậm sóng sánh mà vẫn giữ được độ giòn. Bên cạnh đó, cũng có một cách chế biến khác đơn giản hơn, đó là sau khi ba khía được sơ chế sẽ được ướp gia vị, phi tỏi thơm và cho vào xào, vừa chín tới tiếp tục cho nước cốt me, nêm gia vị vừa ăn và rim cạn.

Những ngày mưa ở quê, mẹ tôi thường chế biến món này để dành dùng với cơm trắng. Tôi không chỉ thích nhấm nháp vị mằn mặn của thịt ba khía mà còn mê mẩn phần nước sền sệt còn lại trong chảo. Thi thoảng, nhà đông người, có thêm vài đứa em họ sang chơi, mẹ tôi trổ tài làm món này, thế nào tôi cũng "chậm tay" hơn. Hình ảnh mấy đứa con nít giành nhau, xúc cơm trộn vào để vừa ăn ngấu nghiếm vừa khen nức nở rồi tiếc hùi hụi khi vét muỗng cuối cùng, đã trở thành một hoài niệm vô cùng đẹp trong tâm trí tôi.

Kể chuyện làng: Ba khía rang me, nhớ hoài hương vị quê nhà - Ảnh 2.

Ba khía mua ở Hàn. Ảnh: Lê Trần Minh Anh

Ba khía rang me cũng dễ xiêu lòng người khi làm mồi nhắm đưa cay lắm. Ngồi tình tự bên những câu chuyện chắp nối, nghe gió trời nơi cuối đất cứ len lỏi tràn tình thân, gắp một miếng ba khía rang me nhai chậm rãi, vị chua hiền hòa của me quyện với vị ngọt chân phương của thịt ba khía, thêm hạt đậu phộng rang bùi bùi, beo béo để góp thêm hương vị rồi rót đầy li rượu đế hay hết sảy hơn nữa là rượu trái giác, hào sảng cụng nhau rôm rả rồi nốc cạn, nghe những người bạn ca tỉ tê "... về Cà Mau là thấy thương em rồi", thật sao mà nghe thương thấm thía vậy!

Để rồi giờ đây, khi sống tại phương xa, giữa Thủ đô Seoul ồn ào, tấp nập đã từng nếm qua biết bao món ăn khác nhau, lòng tôi vẫn hoài mong nhớ hương vị của những ngày xưa cũ. Thi thoảng, có dịp đi dạo quanh mấy khu chợ của người Việt, tôi lại chần chừ thật lâu, cố gắng kiếm tìm ba khía, dù chỉ là loại đông lạnh và đắt gấp mấy lần so với giá tại Việt Nam, để dành chế biến lại món ăn tuổi thơ. Mùa đông giá rét, khi ngoài trời mưa rơi lớt phớt, tôi ngồi nhấm nháp món ba khía rang me với cơm trắng, thấy lòng nao nao, khắc khoải biết bao nỗi nhớ gia đình.

Kể chuyện làng: Ba khía rang me, nhớ hoài hương vị quê nhà - Ảnh 3.

Ba khía. Ảnh: Lê Trần Minh Anh

Chẳng ai ngờ loại cua do trời sinh trời dưỡng, lớn lên bằng hạt phù sa giản dị, đơn sơ lại gây thương nhớ cho những người con xa quê đến thế. Từ món ăn quê hương, nuôi dưỡng trong tâm trí mỗi người chúng ta biết bao tình cảm với gia đình, đất nước. Đó cũng là gạch nối giữa truyền thống và hiện đại, giúp vô số thế hệ người Việt Nam yêu thương, thấu hiểu hơn tình thân, gắn bó hơn với cội nguồn, tổ tiên và những giá trị thiêng liêng của quê hương.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem