Học trò bắt chúa Trịnh giao cho Nguyễn Huệ, Lý Trần Quán tự tử để tỏ lòng trung

K.N Thứ năm, ngày 18/01/2024 21:30 PM (GMT+7)
Cái chết của chúa Trịnh Tông là do chính lòng tin của Lý Trần Quán bị đặt nhầm chỗ vào người học trò. Ông muốn lấy cái chết để tạ lỗi và giữ trọn tấm lòng trung của mình.
Bình luận 0

Theo sách "Hoàng Lê nhất thống chí", Lý Trần Quán người xã Vân Canh, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Năm 32 tuổi đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766), niên hiệu Cảnh Hưng. Ông là người giản dị chất phác, thật thà và chí hiếu. Khi cư tang cha, mẹ làm nhà ấp mồ 3 năm và ăn chay.

Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh". Chúa Trịnh là Đoan Nam vương Trịnh Khải chạy về Hạ Lôi. Lý Trần Quán đón tiếp. Khi đó, học trò của ông là Nguyễn Trang biết rõ chuyện này và báo cho quân Tây Sơn tới bắt Trịnh Khải. Hay tin có biến cố ấy, Lý Trần Quán thân hành đến yết kiến Trịnh Tông rồi khấu đầu xuống đất khóc rằng: Làm lỡ chúa đến thế này chính là tội thần.

Học trò bắt chúa Trịnh giao cho Nguyễn Huệ, Lý Trần Quán tự tử để tỏ lòng trung- Ảnh 1.

Tranh vẽ Lý Trần Quán. Ảnh: Tri Thức.

Nghe vậy, Trịnh Tông nói: Người ta mỗi người một ý, khanh có can dự gì đến đâu. Quán trở ra chỉ vào mặt Trang mà nói rằng: Chúa là chúa chung cả một nước, mà tôi là thầy của anh. Đối với chúa và thầy là chỗ nghĩa cả, sao anh lại nhẫn tâm đến thế ư ?.

Trang nói: Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình. Tôi không để quan lớn làm lỡ việc. Trang bèn ép Quán trở về nhà trọ, rồi sai thuộc hạ điệu Trịnh Tông lên kinh đô.

Ngày 27-6, Trịnh Tông được áp giải đến làng Nhật Chiêu thì gặp quán nước và đoàn người dừng chân tạm nghỉ. Ngay lúc đó, Trịnh Tông vội lấy con dao của người chủ quán rồi tự đâm vào cổ mình. Trang vội giật lấy dao nên vết thương nhỏ. Sau đó, Trịnh Tông lấy móng tay móc vào chỗ vết thương, kéo cho toạc rộng ra cũng bị Trang ngăn lại. Lát sau Trịnh Tông đòi uống nước và uống xong thì tắt thở.

Nguyễn Trang đưa tử thi Trịnh Tông vào kinh thành. Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh cả mừng, để thi hài chúa Trịnh ở ngoài cửa Tuyên Vũ cho mọi người biết. Rồi lại sai khâm liệm như lễ vương giả cho dùng chiếc xe tiểu long mui phẳng, đem an táng tại chỗ lăng Quốc công Trịnh Cán. Và phong Nguyễn Trang làm Tráng Nghĩa hầu cho tạm quyền lĩnh chức Trấn thủ Sơn Tây.

Lý Trần Quán bấy giờ đang ngụ ở làng Hạ Lôi, bảo người chủ quán trọ rằng: Bầy tôi mà làm lỡ chúa thì tội đáng chết. Ta không chết thì không bộc bạch nỗi lòng với trời đất được. Nhờ chủ quán mua cho ta một cỗ quan tài, một tấm vải trắng để yên cho ta tự làm theo ý mình.

Chủ quán khuyên giải, Quán không nghe mà còn bảo chủ quán: Ta có cách khác để chết, bác không ngăn được đâu.

Chủ quán vẫn cố tình ngăn cản nhưng Lý Trần Quán vẫn không chịu từ bỏ ý chí của mình. Ông chủ quán đành phải đi mua cỗ quan tài và vải trắng. Lý Trần Quán sai người đào cho cái huyệt ở vườn sau chỗ mình trọ, đặt yên quan tài vào trong huyệt, xé một đoạn vải trắng, làm khăn đội đầu và một đoạn làm đai lưng. Rồi mặc áo, đội mũ hướng về phía Nam lạy hai lạy. Đoạn tháo bỏ mũ, đội khăn lên đầu, thắt đại đai, nằm yên trong quan tài, bảo người chủ quán đậy nắp lại. Lý Trần Quán ở trong quan tài hô lên rằng: Còn quên một việc, phải dặn thêm nữa. Chủ quán liền mở nắp quan tài ra. Lý Trần Quán đọc một câu đối rằng: Tam niên di hiếu dỉ toàn; Thập phần chi trung vi tận. Nghĩa là ba năm đối với cha mẹ đã làm xong đạo hiếu; Lòng trung đối với chúa chưa làm đủ mười phần.

Đọc xong rồi dặn chủ quán rằng: Phiền bác nhớ bảo với con tôi, ngày sau dán đôi câu đối ấy ở nhà thờ để thờ tôi. Dặn xong lại nói: Đa tạ chủ nhân, từ đây tôi xin vĩnh biệt. Rồi Lý Trần Quán bảo đậy nắp quan tài lại. Chủ quán và những người đầy tớ, thân thuộc bái biệt ở trước quan tài đâu đấy rồi lấy đất lấp lại và đắp thành mộ. Hôm đó là ngày 29 tháng 6 năm Bính Ngọ - 1786.

Lời bàn:

Theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật Hình sự hiện hành: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, sau khi điều tra và có kết luận rồi thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Và nếu căn cứ vào luật thời nay thì tất thảy những người đã giúp cho Lý Trần Quán chết đều bị xét xử và phải lãnh án tù giam. Nhưng quy định trên đây là chuyện của thời nay.

Còn với ngày xưa thì việc làm của Lý Trần Quán là điều nên làm, phải làm của một người quân tử, bởi đó là thời "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Hơn nữa, cái chết của chúa Trịnh Tông là do chính lòng tin của Lý Trần Quán bị đặt nhầm chỗ vào người học trò. Ông muốn lấy cái chết để tạ lỗi và giữ trọn tấm lòng trung của mình. Vâng, đó là một con người đáng kính, đáng nể phục, đáng tôn vinh. Vì cho tới phút cuối cùng trên cõi thế, Lý Trần Quán vẫn trung trinh một nỗi niềm "tôi ngay không thờ hai chúa". Và vì lẽ ấy mà tên tuổi của Lý Trần Quán còn lưu truyền mãi mãi về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem