Ai đã phản bội vua Duy Tân, khiến cuộc khởi nghĩa Quang Phục Hội thất bại?

K.C Thứ hai, ngày 15/01/2024 23:00 PM (GMT+7)
Vua Duy Tân đã phạm phải sai lầm quá lớn khi chưa biết Nguyễn Đình Trứ là ai mà đã thổ lộ hết tâm can. Cũng chính sai lầm này đã dẫn đến sự thất bại của cuộc khởi nghĩa và vua Duy Tân đã bị bắt.
Bình luận 0

Khi vua Thành Thái bị đày ở Vũng Tàu, vua Duy Tân vô cùng đau khổ, ước mong sao cho nước nhà độc lập. Tư tưởng chống Pháp manh nha từ thuở nhỏ và giờ ngày càng nảy nở. Nhưng thực lực chống Pháp ở đâu? Quan lại triều đình như Nguyễn Hữu Bài làm sao tin tưởng được? Nhà vua trong tay không có một chút quyền lực nào!

Thời cơ đến khi Việt Nam Quang Phục Hội được thành lập, hai lãnh tụ là Thái Phiên và Trần Cao Vân đã đặt kế hoạch tiếp xúc với ông vua có tư tưởng chống Pháp này. Để có điều kiện liên lạc với nhà vua, Hội Quang Phục bỏ ra một món tiền rất lớn thương lượng với người lái xe ôtô của vua Duy Tân rồi yêu cầu người này tự xin thôi việc và giới thiệu Phan Hữu Khánh vào thay. Khánh là hội viên Quang Phục Hội. Thế là người của Quang Phục Hội hằng ngày ở cạnh ông vua yêu nước.

Ai đã phản bội vua Duy Tân, khiến cuộc khởi nghĩa Quang Phục Hội thất bại?- Ảnh 1.

Chân dung vua Duy tân. Ảnh: NCLS.

Một hôm, nhà vua ngự du Cửa Tùng, Phan Hữu Khánh dâng lá thư của Quang Phục Hội. Nội dung nói về sự cơ cực, lầm than của nhân dân, thảm họa của quốc gia, dân tộc và nêu lên ý định phục quốc của nhân dân. Xem xong thư, vua Duy Tân rất cảm động, tha thiết nói với Khánh cho gặp gấp người đã gởi phong thư. Phan Hữu Khánh sung sướng quỳ xuống bái tạ và xin sẽ tổ chức cuộc gặp mặt. Vua Duy Tân thoắt đứng dậy cầm vai Khánh nâng lên:

- Đáng lẽ ta phải tạ ơn nhà ngươi, sao nhà ngươi lại bái lạy ta, thương mến ta thì hãy giúp ta!

Sau cuộc gặp gỡ lịch sử bên hồ Tịnh Tâm với Thái Phiên và Trần Cao Vân, nhà vua lặng lẽ trở về hoàng cung. Các lãnh tụ Quang Phục Hội trở lại đất Quảng khẩn trương vạch kế hoạch để đón thời cơ khởi nghĩa. Sau nhiều ngày hội họp bí mật, một kế hoạch khởi nghĩa đã được thông qua. Thái Phiên được bầu làm chủ tịch, Trần Cao Vân làm quân sư.

Nhưng vì tình thế bức bách, hàng ngàn lính tùng chinh sắp xuống tàu đi Tây, nếu không khởi nghĩa sớm thì mất một lực lượng lớn nên phải thuận theo yêu cầu của vua Duy Tân khởi nghĩa sớm hơn. Vào đêm 3 rạng ngày 4-5-1916, vua Duy Tân chân đi đất, đầu chít khăn đen, mặc áo cụt đỏ sẫm, quần vải trắng bí mật ra khỏi hoàng thành. Một chiếc thuyền dưới sự điều khiển của Trần Cao Vân đậu chờ vua ở bến Thương Bạc. Người vừa bước xuống thì thuyền quay mũi ngược lên sông đào Lợi Nông.

Lúc ấy, trong một ngôi nhà bên bờ sông Lợi Nông, các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa họp mặt lần cuối trước lúc hành động. Tại đây, nhà vua đã gặp Nguyễn Đình Trứ, người được chỉ định tấn công vào đồn Mang Cá. Nhà vua tưởng Trứ là người tâm huyết nên thổ lộ tâm can, khuyến khích Trứ hãy ra sức giết rụi Pháp để trả thù cho nước. Trứ giơ tay tuyên thệ trước đấng minh vương.

Nhưng thay vì đi thẳng xuống đồn Mang Cá hành động, Trứ về ngay Tòa Khâm sứ, báo cho công sứ biết tất cả bí mật của tổ chức cách mạng. Tên công sứ báo ngay với Khâm sứ Trung kỳ. Khâm sứ Charles không ngạc nhiên khi nghe vua Duy Tân dám bỏ cung vàng điện ngọc theo đuổi cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Charles nghe báo cáo lúc 2 giờ sáng, vội vào điện Càn Thành để xem xét nhưng chỉ thấy vài tên lính thị vệ đi đi lại lại, mặt mày nhớn nhác lo sợ như có một biến cố gì hết sức quan trọng sắp nổ ra.

Charles về ngay Tòa Khâm, truyền lệnh giới nghiêm và cho bắt bất cứ ai giờ đó còn lảng vảng ngoài đường, rồi thu hết súng ống của lính ở đồn Mang Cá, bố trí các đoàn lính Pháp tuần tiễu khắp các nẻo đường. Khi ấy, thuyền chở vua Duy Tân chèo gấp về Hà Trung và dự định sẽ trốn ở đó, rồi dùng ghe bầu bí mật rước vua vào Quảng Nam hay Quảng Ngãi. Và khi đó, cuộc khởi nghĩa đã hoàn toàn bị bại lộ.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì vua Duy Tân đã phạm phải sai lầm quá lớn khi chưa biết Nguyễn Đình Trứ là ai mà đã thổ lộ hết tâm can. Cũng chính sai lầm này đã dẫn đến sự thất bại của cuộc khởi nghĩa và vua Duy Tân đã bị bắt. Thế mới hay rằng, kẻ đã có tâm địa làm phản thì không chỉ có bạn bè hoặc đồng liêu hay ân nhân mà ngay cả nhà vua chúng cũng sẵn sàng bán rẻ... Thật đáng khinh thay!

Vẫn biết từ thượng cổ đến nay, ở đâu và thời nào cũng có những người công thành danh toại vẹn cả đôi đường. Và với những người có được cuộc sống như vậy thì quả là hạnh phúc không còn gì bằng. Tuy nhiên, những trường hợp như thế chỉ là hi hữu. Thường thì người ta hoặc thành công hoặc thành nhân. Và vua Duy Tân là một người như vậy. Tuy ông không thành công nhưng đã thành nhân vì ông không những được người đương thời kính trọng mà ngay cả hậu thế ngày nay cũng ghi nhận ở ông một tấm lòng yêu nước, thương dân và ý chí phục quốc không bao giờ nguôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem