Hàng hải (VIMC): Lợi nhuận năm 2023 ước đạt 2.084 tỷ đồng

07/01/2024 11:20 GMT+7
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, kết quả của VIMC đạt được trong năm 2023 là rất đáng ghi nhận.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) có báo cáo trong năm 2023, sản lượng vận tải biển toàn tổng công ty ước đạt 20,6 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng đạt 113,5 triệu tấn mang lại doanh thu 17.964 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm 2023.

Trong năm 2023, lợi nhuận của VIMC đạt 2.084 tỷ đồng tuy chỉ bằng 90% kế hoạch. Dù vậy, VIMC đứng vị trí thứ 59 trong Top 100 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023.

Hệ thống cảng biển của VIMC trong năm 2023 tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh ngày một lớn. Các cảng biển tư nhân liên tục ra đời, với sự linh hoạt rất cao trong chính sách giá là lợi thế lớn trong công tác phát triển khách hàng.

VIMC cho biết, trước tình hình khó khăn chung, các hãng tàu cũng buộc phải cắt giảm tối đa chi phí, điều này tạo áp lực lên doanh thu bốc xếp tại các cảng.

Hàng hải (VIMC): Lợi nhuận năm 2023 ước đạt 2.084 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ngành hàng hải đang hoạt động ổn định. Ảnh: VIMC

Sản lượng toàn khối cảng biển VIMC giảm 16% so với kế hoạch do chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng yếu đặc biệt tại hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và Châu Âu dẫn tới sản lượng các cảng của VIMC tại khu vực Cái Mép Thị Vải sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.


Doanh thu khối cảng biển năm 2023 ước đạt: 6.447 tỷ đồng, giảm 7% so với kế hoạch. Lợi nhuận khối cảng biển ước đạt 1.724 tỷ đồng, giảm 9% so với kế hoạch (nguyên nhân do sụt giảm của doanh thu).


Các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải của VIMC cũng gặp nhiều khó khăn ở cả khía cạnh chi phí vận hành (giá xăng dầu, giá điện, …) và đầu ra khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, làm giảm luồng vận chuyển hàng hóa giữa nhà xưởng và ga, cảng, cửa khẩu.


Thực hiện Chiến lược đã được phê duyệt, trong năm 2023, VIMC đã tập trung nguồn lực nhằm phát triển các Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics nhằm kết nối chuỗi dịch vụ logistics của VIMC.

Kết quả của VIMC có được là "điểm sáng" của ngành hàng hải, bởi sau giai đoạn ngắn tăng nóng, thị trường tàu hàng khô liên tục suy giảm, đặc biệt tại các phân khúc Supramax, Handysize, với sản lượng các mặt hàng chính như than, quặng, clinker, ngũ cốc sụt giảm nghiêm trọng.

Chỉ số BDI có những thời điểm giảm xuống mức rất thấp, dao động ở mức 500 điểm (là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020). Thị trường vận tải container cũng suy giảm rất mạnh khi chỉ số World Container Index (WCI) giảm liên tục, thậm chí giảm tới trên 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản xuất công nghiệp toàn cầu và lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng container vẫn ở tình trạng ảm đạm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu ở mức thấp, với lượng hàng tồn kho cao, khiến nhu cầu nhập khẩu rất hạn chế.

Thị trường vận tải tàu dầu sản phẩm diễn biến khá ổn định mặc dù không còn ở mức cao như hồi cuối năm 2022; giá cước ổn định là nhờ lượng cung tàu dầu ở mức thấp, đặc biệt là gam MR.

Trong tình hình thị trường diễn biến khó khăn, VIMC và các đơn vị thành viên đã không ngừng tìm kiếm nhiều giải pháp mới để bù đắp sự sụt giảm của thị trường.

Các đơn vị thành viên như Vosco, VLC, Vinaship đã nỗ lực triển khai thuê tàu ngoài vào khai thác, giúp tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận.

Vosco còn mạnh dạn mở rộng hoạt động thương mại nhằm tăng doanh thu, giành được quyền vận chuyển, bước đầu đem lại hiệu quả với doanh thu thương mại đạt 750 tỷ đồng. Doanh thu khối vận tải biển ước đạt 6.261 tỷ đồng (bao gồm doanh thu Công ty mẹ), tương đương tăng 22% so với kế hoạch (tăng chủ yếu ở doanh thu của Vosco – tăng 1.382 tỷ đồng).

Đánh giá về kết quả kinh doanh của VIMC, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, kết quả của VIMC là rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh năm 2023, tình hình thị trường vận tải biển thế giới có nhiều biến động.

Thế Anh
Cùng chuyên mục