Bị chấp hành viên thêm 2 chữ "tài sản", doanh nghiệp khốn đốn, nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 05/01/2024 12:24 PM (GMT+7)
Tòa án Nhân dân quận Bình Tân ra quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "phong tỏa tài khoản" Công ty Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Dịch vụ kỹ thuật Lâm Nguyễn. Nhưng chấp hành viên Chi cục Thi hành án Dân sự quận Bình Tân lại ra quyết định "phong tỏa tài khoản, tài sản" khiến doanh nghiệp khốn đốn.
Bình luận 0

Trong đơn gửi tới Dân Việt, ông Nguyễn Lâm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ Kỹ thuật Lâm Nguyễn (gọi tắt Công ty Lâm Nguyễn), địa chỉ tại 47/18 Ao Đôi, khu phố 10, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết đang đối diện với nguy cơ phá sản và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì một quyết định trái luật của Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân.

Bị chấp hành viên thêm 2 chữ "tài sản", doanh nghiệp khốn đốn, nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 1.

Lùm xùm trước Công ty Lâm Nguyễn, lực lượng công an trên địa bàn phải đến để đảm bảo trật tự an ninh. Ảnh: Quốc Hải

Thêm 2 chữ "tài sản", doanh nghiệp nguy cơ mất trăm tỷ

Theo đơn, ông Lâm Thanh Bình và vợ cũ là bà Phạm Như Thảo đang tranh chấp về tài sản trong vụ án "Chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn". Vụ việc đang được Tòa án Nhân dân quận Bình Tân thụ lý giải quyết theo thông báo số 156/TB-TLVA ngày 26/4/2023.

Theo ông Bình, sau khi tòa thụ lý vụ án, ông nhận được Quyết định số 06/2023/QĐ-BPKCTT ngày 27/6/2023 của Tòa án về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "phong tỏa tài khoản" Công ty Lâm Nguyễn theo đơn yêu cầu của bà Phạm Như Thảo.

Bị chấp hành viên thêm 2 chữ "tài sản", doanh nghiệp khốn đốn, nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Lâm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu và Dịch vụ Kỹ thuật Lâm Nguyễn viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Ảnh: Quốc Hải

Đến ngày 28/6/2023, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân có Quyết định số 2866/QĐ-CCTHADS chỉ định chấp hành viên Võ Thanh Phú thực hiện, trong đó có thông tin "phong tỏa tài khoản" tại các ngân hàng của Công ty Lâm Nguyễn.

Sau đó một ngày, chấp hành viên Võ Thanh Phú lại ra Quyết định số 213 và 214/QĐ-CCTHADS là "phong tỏa tài khoản, tài sản" với Công ty Lâm Nguyễn (không đúng như Quyết định số 06/2023/QĐ-BPKCTT ngày 27/6/2023 của Tòa án về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "phong tỏa tài khoản" - PV).

"Sau đó, ngày 30/6/2023 bà Thảo đã cùng nhiều người tự ý xông vào công ty bắt ép tôi phải ký một số giấy tờ, nhưng nhờ chính quyền địa phương kịp thời đến giải cứu, tôi cũng không ký vào bất kỳ giấy tờ gì. Cùng ngày, bà Thảo tự điều hành Công ty Lâm Nguyễn, bổ nhiệm người hoạt động trong công ty, trong lúc tôi đang là giám đốc và là người đại diện hợp pháp của công ty", ông Bình trình bày.

Theo ông Bình, ngày 18/7/2023, bà Phạm Như Thảo đã cùng với một số đối tượng lạ mặt ép buộc các nhân viên ra khỏi công ty, đập phá ổ khóa cổng công ty, niêm phong kho hàng và niêm phong công ty, không cho công ty hoạt động.

Ông Bình đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, UBND phường Bình Trị Đông A, Công an TP.HCM đề nghị can thiệp.

"Đối tác dọa kiện vì doanh nghiệp không hoạt động. Không chỉ phải chịu nhiều khoản tiền như lương nhân viên, lãi ngân hàng... tôi đang đứng trước nguy cơ phải đền hợp đồng cho đối tác với số tiền hàng trăm tỷ đồng chỉ vì một quyết định của chấp hành viên Võ Thanh Phú", ông Bình nói.

Bị chấp hành viên thêm 2 chữ "tài sản", doanh nghiệp khốn đốn, nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 4.

Ngày 14/12/2023, chấp hành viên Võ Thanh Phú đã ra Quyết định "sửa sai". Ảnh: Quốc Hải

Sau gần nửa năm doanh nghiệp bị khốn đốn vì quyết định thừa hai từ "tài sản", đến ngày 14/12/2023, chấp hành viên Võ Thanh Phú đã ra Quyết định sửa đổi, bổ sung số 46/QĐ-CCTHADS và 47/QĐ-CCTHADS từ "phong tỏa tài khoản, tài sản" thành "phong tỏa tài khoản" đối với Công ty Lâm Nguyễn. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trụ sở Công ty Lâm Nguyễn vẫn đang bị phía bà Phạm Như Thảo phong tỏa bằng hàng loạt ổ khóa.

"Tôi đã gửi đơn đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân và UBND phường Bình Trị Đông A để mời đến chứng kiến tôi cắt khóa cửa, hoạt động trở lại vì rõ ràng đây là cái sai của Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự quận Bình Tân nhưng họ đều không đến. Giờ công ty đóng cửa ngày nào thiệt hại của doanh nghiệp tăng lên ngày đó", ông Bình khẩn thiết.

Bị chấp hành viên thêm 2 chữ "tài sản", doanh nghiệp khốn đốn, nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 5.

Công ty Lâm Nguyễn bị "ép" đóng cửa nhiều tháng nay. Ảnh: Quốc Hải

Muốn kiện thì kiện!?

Liên quan đến khó khăn của Công ty Lâm Nguyễn, chúng tôi đã liên hệ với Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân để tìm hiểu vụ việc. Ông Võ Thanh Phú, chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân - người đã ký quyết định "phong tỏa tài khoản, tài sản" với Công ty Lâm Nguyễn cho hay, ông không có quyền trả lời báo chí về bất cứ thông tin gì. "Ông Bình muốn kiện tôi thì cứ việc kiện", ông Phú nói ngắn gọn.

Tiếp tục liên lạc với ông Nguyễn Hồng Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân. Ông Quang hẹn phóng viên đến cơ quan này làm việc vì "vụ việc phức tạp". Tuy nhiên, trong buổi làm việc chiều 2/1, ông Quang cho biết ông không có thẩm quyền trả lời vụ việc này.

"Báo chí cứ đăng ký làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM để biết thông tin", ông Quang nói.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân đã ra quyết định sai với quyết định của Tòa án, ông Quang cho hay: "Nếu Cục Thi hành án dân sự TP.HCM yêu cầu báo cáo thì chúng tôi sẽ báo cáo lên".

Bị chấp hành viên thêm 2 chữ "tài sản", doanh nghiệp khốn đốn, nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 6.

Công ty Lâm Nguyễn bị cưỡng ép khóa cửa, có thể thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, về trách nhiệm của phía quản lý địa bàn là UBND phường Bình Trị Đông A, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND phường cho hay, vụ việc rất phức tạp nên hiện tại phía Phường chỉ quản lý trật tự, tránh xảy ra xô xát cho hai bên.

"Tôi cũng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp gặp phải nhưng không thể can thiệp sâu hơn vì đây là câu chuyện của Chi cục Thi hành án, của Tòa án", ông Toàn nói.

Để làm rõ hơn thông tin, chúng tôi cũng liên hệ với bà Phạm Như Thảo. Tuy nhiên, bà Thảo cho hay chỉ làm việc với cơ quan chức năng và không cung cấp thêm bất cứ thông tin gì.

Luật sư Nguyễn Kim Dung, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho hay, việc ra quyết định Thi hành án phải tuân theo quyết định của tòa án chứ không được vượt quyền. Trong quyết định của Tòa án Nhân dân quận Bình Tân thì chỉ có quyết định "phong tỏa tài khoản" ngân hàng chứ không có phong tỏa tài sản. Vì vậy, việc (chấp hành viên) đưa thêm "phong tỏa tài sản" vào quyết định là làm trái pháp luật, không đúng quy định của tòa án.

"Việc được hoạt động sản xuất kinh doanh là quyền hợp pháp của doanh nghiệp", bà Dung nói và cho biết nếu công ty không bị chế tài thì vẫn phải đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ có cấm chuyển dịch, chuyển nhượng hay sang nhượng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem