Hạn căng thẳng tới tháng 6

Hà Vũ Thứ tư, ngày 25/03/2015 11:53 AM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, hiện hạn hán xảy ra đồng thời trên cả 3 vùng khu vực là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, phải đến tháng 6 tình trạng hạn hán ở các khu vưcực này mới có thể được cải thiện do năm nay mùa mưa đến muộn hơn...
Bình luận 0

­­Nhiều nơi gần hết nước

Ông Nguyễn Văn Tỉnh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết, tại khu vực Nam Trung Bộ, hạn tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa. Tại Ninh Thuận, ngoài vùng tưới từ hồ chứa Đơn Dương và thủy điện được 16.000ha cây trồng, còn lại những vùng khác cơ bản nước gần hết. “Tất cả 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 192 triệu m3 hiện chỉ còn trung bình 13%. Nguồn nước này nếu đến dịp lũ tiểu mãn mà không được tăng cường thì chỉ đủ cho người dân sinh hoạt và chăn nuôi”.

img

Người dân xã Phước Trung (Bác Ái, Ninh Thuận) đào giếng giữa dòng suối để tìm nước cứu đàn gia súc. Ảnh: Hoàng Công
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 6.100ha diện tích đất vụ đông xuân phải dừng sản xuất, đặc biệt nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi tại đây đang rất căng thẳng. Thậm chí, ở một số vùng của huyện Bắc Ái, chính quyền phải dùng xe chở nước bồn đến cấp cho dân với số lượng mỗi người chỉ được 20 lít nước/ngày.

 

Còn tại Khánh Hòa, đã có 570ha đất nông nghiệp phải dừng sản xuất và hơn 2.000ha chuyển đổi cây trồng... Ông Tỉnh cho biết thêm: “Tại hai tỉnh trên, dự báo ngoài hạn hán trong vụ đông xuân, có thể đến vụ hè thu sẽ tiếp tục bị hạn”. Còn tại Tây Nguyên, hạn đang xảy ra nặng nề tại hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, ngoài cây lúa thì cà phê cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, ở khu vực Tây Nam Bộ, hạn đã gây xâm ngập mặn sớm hơn và độ mặn nặng hơn, ăn sâu vào đồng ruộng.

Ông Tỉnh cho biết, trước mắt ngành thủy lợi đang cùng địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý và hiệu quả. “Một mặt vẫn khuyến cáo người dân sử dụng biện pháp tưới tiết kiệm, đồng thời chúng tôi cũng cùng với EVN điều tiết kế hoạch hợp lý, năm nay không xả nước theo kế hoạch nước bình thường mà theo đúng yêu cầu của sản xuất và dân sinh”- ông Tỉnh nói.

Khô hạn còn kéo dài hơn 5 tháng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, thời điểm này hiện tượng ENSO (xuất hiện đồng thời của hai hiện tượng là El Nino, La Nina) đang ở trạng thái pha nóng và có khả năng xuất hiện El Nino trong mùa mưa bão năm 2015... Do đó, lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 10 ở các tỉnh ven biển Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Tình trạng thiếu nước, khô hạn ở Trung Bộ, đặc biệt là ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ sẽ kéo dài đến khoảng giữa và cuối tháng 9.

Trong khi đó, cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận đến muộn hơn so với TBNN; tình trạng thiếu mưa và khô hạn tiếp tục kéo dài cho đến khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới dần được cải thiện. “Lượng mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên các tháng nửa đầu mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 7) ở mức thấp hơn TBNN”- trung tâm này nhận định.

Đánh giá về tình hình hạn hán hiện nay, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, đây là việc nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. “Chúng ta phải báo cáo tổng hợp để có phương án tổng thể với các địa phương. Hiện nay, chúng ta mới phản ánh và có giải pháp tạm thời”- ông Tám lưu ý.

Về các giải pháp khắc phục hạn hán, ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Với tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí chống hạn 40 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ thêm 300 tấn gạo. Bộ NNPTNT cũng đã cấp cho Ninh Thuận 30 tấn giống ngô và 200 tấn giống lúa. Còn tại Khánh Hòa, đã cấp 300 tấn thóc, 12 tấn giống ngô và 1,2 tấn rau các loại”.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, với diễn biến hiện nay, hạn hán có xu hướng mở rộng hơn. Nếu vụ đông xuân này, cơ bản xảy ra ở Ninh Thuận và một phần Khánh Hòa, thì tới vụ hè thu, hạn hán có thể mở rộng sang các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng đã yêu cầu Tổng cục Thủy lợi phải làm việc với EVN để đánh giá việc xả nước thời gian qua như thế nào. “Chúng ta phải ưu tiên nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, bởi với diễn biến hiện nay có thể nước cho chăn nuôi cũng không có. Tổng cục Thủy lợi cũng cần xem xét, dân có cần làm giếng không. Bây giờ, có 2 kịch bản đặt ra, một là bỏ trắng ruộng không làm gì nữa; hai là trồng một số loài cây, nhưng vẫn phải có tưới. Do đó, có thể cần làm nhanh các mô hình tưới tiết kiệm”- ông Thắng nói.


  Để chống hạn cho các khu vực trên, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã giao Tổng cục Thủy lợi chủ trì phối hợp Cục Trồng trọt khảo sát, điều tra, để có báo cáo tổng hợp đánh giá kỹ về tình hình thực trạng hạn hán, ảnh hưởng tới đến sản xuất, đời sống, đưa ra những giải pháp trước mắt và những giải pháp lâu dài. Mặt khác, cần xem xét lượng giống dự trữ để hỗ trợ cho các địa phương và các phương án duy trì, phát triển sản xuất. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem