"Giải bài toán" liên kết nông dân- doanh nghiệp: Đưa cây mít siêu sớm lên vùng cao Than Uyên giúp giảm nghèo (Bài 1)

Bình Minh Thứ hai, ngày 06/11/2023 11:06 AM (GMT+7)
Tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã hợp tác, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị đang là chính sách được Chính phủ ưu tiên. Để cụ thể hóa chính sách này, Hội Nông dân Việt Nam đang thúc đẩy, hỗ trợ, kết nối, xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân- doanh nghiệp.
Bình luận 0

Ở các tỉnh vùng cao, từ lâu câu hỏi "trồng cây gì" vẫn luôn là vấn đề trăn trở của các địa phương; có cây trồng được nhưng lại không có đầu ra; cây có đầu ra lại không thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Cứ thế, bài toán "giảm nghèo bền vững" ở nơi này vẫn mãi loay hoay. Được sự kết nối, hỗ trợ của Hội Nông dân Việt Nam, đã có những doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa cây trồng mới lên miền núi bằng việc xây dựng vùng nguyên liệu "lõi", từ đó thúc đẩy, mở rộng chuỗi liên kết với nông dân, đó là đưa cây mít siêu sớm về vùng cao Than Uyên (Lai Châu).

 Mảnh đất của nhiều sản phẩm đặc hữu 

Một buổi sáng cuối tháng 10, sau hơn 1 năm tôi có dịp trở lại xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (Lai Châu). Thời điểm này những cánh đồng ruộng bậc thang trồng lúa nếp Tan Pỏm – "báu vật" của người Thái đang chín vàng ruộm cả một góc trời.

Đi theo Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa Tòng Văn Chức thăm ruộng, anh tự hảo bảo: "Vụ này bà con thắng lớn, toàn xã trồng hơn 60ha, sản lượng 62 tạ/ha. Giá thóc nếp hơn 20.000 đồng/kg nên bà con mừng lắm!".

"Đã bao đời nay cuộc sống của người Thái ở Tà Hừa gắn liền với giống lúa nếp Tan Pỏm. Đây không chỉ là sinh kế mà còn là đời sống, văn hóa của đồng bào nơi đây", cầm bông lúa nếp trĩu bông, anh Chức nói.

Mít Thái chín sớm LD1 bén rễ nơi xã vùng cao Tà Hừa: Kỳ vọng "giải bài toán" thoát nghèo - Ảnh 1.

Đồng bào người Thái đen ở xã Tà Hừa bên những thửa ruộng bậc thang trồng giống lúa nếp Tan Pỏm.

Là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tà Hừa, trước khi làm Phó Chủ tịch UBND xã, anh Chức là cán bộ phòng NNPTNT huyện Than Uyên nên hiểu rất rõ phong tục tập quán, văn hóa và phương thức canh tác, sản xuất của người dân địa phương.

Anh bảo, giờ đây Tà Hừa không chỉ nổi tiếng với nếp Tan Pỏm mà có rất nhiều sản phẩm đặc sản bản địa khác như lạc đỏ, tỏi, chè... Đặc biệt, người dân bắt đầu tham gia các mô hình liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa như trồng xoài, mắc ca, trong đó, đầu 2023 đưa giống mít siêu sớm TL1 về trồng trên mảnh đất này.

Tà Hừa có nhiều đặc sản là thế, nhưng anh Chức cũng thừa nhận rằng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho bà con vẫn còn cả một câu chuyện nhiều gian nan. Tà Hừa nằm giáp ranh huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và cách trung tâm huyện Than Uyên 40km, để vào xã chỉ có con đường độc đạo duy nhất là quốc lộ 279 nên việc giao thương, vận chuyển hàng gặp nhiều khó khăn. Nhiều thương lái "e ngại" khi nói đến việc vào đây thu mua nông sản...

Theo anh Chức, điều quan trọng nhất, đó là quy mô sản xuất của bà con còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành hàng hóa, cộng với đường xá xa xôi thương lái "không buồn vào thu mua", cũng bởi vậy sản phẩm của bà con làm ra gần như chỉ tự cung tự cấp, phục vụ trong gia đình và làm thức ăn cho gia súc, gia cầm", anh Chức cho biết.

Mít Thái chín sớm LD1 bén rễ nơi xã vùng cao Tà Hừa: Kỳ vọng "giải bài toán" thoát nghèo - Ảnh 3.

Cán bộ Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc, lãnh đạo UBND xã Tà Hừa và cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc mít siêu sớm TL1 đối với hộ gia đình anh Lù Văn Đại. Ảnh: Bình Minh

Làm thế nào để tìm được "lời giải" giúp bà con tiêu thụ nông sản khiến anh Chức cùng lãnh đạo xã Tà Hừa vô cùng trăn trở. Trong các báo cáo của xã đều đưa mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu, từ đó thu hút doanh nghiệp, thương lái đến Tà Hừa. Trong buổi trò chuyện với PV Báo điện tử Dân Việt, anh Chức vui mừng cho biết, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu năm 2023, thông qua sự kết nối, hỗ trợ của Hội Nông dân, UBND xã đã phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp HT Miền Bắc tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình liên kết sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mít siêu sớm TL1 vào trồng tại bản Hua Chít và Bản Khì với diện tích 6,4ha.

Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm cung ứng cây giống, vật tư, ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Hộ nông dân chịu trách nhiệm góp đất, công lao động, quản lý, chăm sóc, bảo vệ vùng sản xuất.

"Tà Hừa với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi luôn xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn xã đã bắt đầu hình thành, mang dáng dấp vùng sản xuất tập trung, có liên kết như: Trồng mắc ca xen chè, lúa, bưởi, mít... bảo đảm sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh", anh Chức cho biết.

Đưa mít Thái chín sớm lên vùng cao Tây Bắc: Kỳ vọng "giải bài toán" thoát nghèo ở Tà Hừa - Ảnh 3.

Anh Lù Văn Đại tham gia trồng 1ha mít siêu sớm TL1 do Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc cung cấp giống. Đến nay, sau hơn 3 tháng trồng, cây mít phát triển tốt, không phát hiện sâu bệnh. Ảnh: Bình Minh

Tà Hừa có 98ha diện tích cây ăn quả, trong đó, cây xoài 34,8ha; cây mắc ca xen chè 43,4ha; mận hậu, mậm tam hoa 7ha; bưởi da xanh 6,4ha; mít siêu sớm TL1 6,4ha tại bản Hua Chít và Bản Khì.

Theo báo cáo của UBND xã Tà Hừa, thu nhập bình quân đầu người của xã Tà Hừa ước đạt 42triệu/người/năm. Để có giải pháp nâng cao thu nhập, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa Tòng Văn Chức cho biết, thời gian tới xã sẽ tập trung nhân rộng các mô hình điển hình như: Lúa nếp Tan Pỏm, nuôi ong, lạc đỏ… Đặc biệt, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cho chè, quế, mắc ca, mít…

Mít siêu sớm TL1 bén rễ nơi vùng cao Tà Hừa

Trồng lúa nương chỉ đủ lương thực cho 4 miệng ăn trong gia đình, ngô không bán được nên phải xay ra làm thức ăn cho đàn lợn, gà, vịt. Sau mỗi vụ thu hoạch, anh Lù Văn Đại (32 tuổi) phải tìm một công việc nào đó để làm kiếm thêm thu nhập, ai thuê gì cũng đi, miễn là có tiền đóng học cho 2 con.

Gia đình Đại thuộc diện khó khăn nên bản thân anh cũng không được học quá cấp 3. Anh có 2 người con đang học lớp 2 và mẫu giáo. Vợ anh quanh năm suốt tháng chỉ có một công việc duy nhất là lên nương rồi về nhà. Lúc tôi hỏi, ngoài trồng lúa, ngô gia đình có thu nhập thêm từ đâu không? Đại lắc đầu, trả lời nhát gừng: "Chẳng có tiền đâu, trồng được ít ngô nhưng không ai mua...".

Đưa mít Thái chín sớm lên vùng cao Tây Bắc: Kỳ vọng "giải bài toán" thoát nghèo ở Tà Hừa - Ảnh 5.

Hiện nay, gia đình anh Lù Văn Đại đang trồng hơn 1ha giống mít siêu sớm TL1. Ảnh: Bình Minh

Tháng 3 năm nay, gia đình anh Đại được cán bộ xã, huyện đến nhà tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, sắn sang trồng mít siêu sớm TL1 nên anh mừng lắm. Anh cho biết, sau khi tham gia, trồng hơn 1ha mít đến nay cây đang phát triển rất tốt.

"Trồng mít chỉ bận rộn thời gian đầu chăm sóc, sau sẽ nhàn hơn, giá bán lại cao và được doanh nghiệp ký cam kết bao tiêu sản phẩm nên gia đình tôi phấn khởi lắm. Sau 3 năm nữa, những cây mít này sẽ cho quả, nhờ đó chúng tôi sẽ có thêm thu nhập", Đại chia sẻ.

Đưa mít Thái chín sớm lên vùng cao Tây Bắc: Kỳ vọng "giải bài toán" thoát nghèo ở Tà Hừa - Ảnh 6.

Anh Lù Văn Khánh, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (Lai Châu) tham gia trồng gần 1ha mít siêu sớm TL1. Ảnh: Bình Minh

Cũng tương tự như gia đình anh Đại, anh Lù Văn Khánh cũng cho biết, trồng lúa, ngô, lạc không những "không đủ ăn" mà còn chẳng giúp gia tăng thu nhập nên từ khi được cán bộ xã, huyện giới thiệu, anh đã mạnh dạn quyết định chuyển đổi gần 1ha trồng mít siêu sớm TL1.

Mới đầu anh Khánh vẫn còn lưỡng lự, bởi ở Tà Hừa chưa ai trồng giống mít này. Nhưng sau khi được tuyên truyền và tìm hiểu thêm trên internet, anh đã biết giá trị kinh tế của giống mít siêu sớm TL1 cao hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác. Loại mít này có múi dày, mùi thơm nhẹ, ngon ngọt đang được thị trường ưa chuộng. 

Mỗi cây mít cho từ 4-5 trái, mỗi trái có trọng lượng từ 12-15kg, giá bán trên thị trường hiện tại khoảng 10.000 đồng/kg. Tính ra một cây cho thu hoạch từ 500-700.000 đồng, nếu thuận lợi, mỗi mùa thu hoạch sẽ cho anh thu nhập hơn 100 triệu đồng. 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Bắc: "Giải bài toán" thoát nghèo từ cây mít chín sớm nơi vùng cao Tà Hừa  - Ảnh 7.

Anh Lù Văn Khánh bày tỏ vui mừng khi tham gia mô hình liên kết trồng mít siêu sớm LD1. Ảnh: Bình Minh

Cùng chúng tôi và lãnh đạo UBND xã Tà Hừa đi thăm một số diện tích trồng mít siêu sớm LD1, anh Nguyễn Huy Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc cho biết, bà con đã tuân thủ rất chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên cây mít đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ngoài Tà Hừa, trong những năm qua đơn vị đã thực hiện nhiều dự án liên kết, hỗ trợ với nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu, tạo chuỗi sản xuất hiệu quả.      

Năm 2023, Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc đang triển khai "Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cây mít siêu sớm TL1 trên địa bàn huyện Than Uyên với quy mô hơn 45ha tại 4 xã.   





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem