Đưa Hoàng Sa lên vị thế chiến lược

Thiếu tướng Hoàng Kiền (nguyên Tư lệnh Công binh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân) Thứ sáu, ngày 19/01/2024 09:37 AM (GMT+7)
Quyết định thành lập huyện Hoàng Sa vào thời điểm cách đây 42 năm là dấu mốc vô cùng quan trọng; lần đầu tiên bộ máy quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa được nâng từ cấp xã lên cấp huyện.
Bình luận 0

Chứng cứ lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa

Trải qua hơn 4 nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là quá trình đấu tranh mở mang bờ cõi, chống ngoại xâm, vô cùng khó khăn, gian khổ hy sinh xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Dân tộc ta đã xây dựng nên đất nước hoà bình thống nhất như ngày nay.

Cùng với hơn 331.212 km² đất liền là hơn 1 triệu km2 biển với bờ biển dài hơn 3260 km, hàng nghìn hòn đảo trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. 

Đưa Hoàng Sa lên vị thế chiến lược- Ảnh 1.

Nghi thức trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. Ảnh Văn Minh

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, luôn luôn khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác lập từ triều đại phong kiến nhà Nguyễn với các bằng chứng cụ thể, xác thực.

Hiện nay Việt Nam còn lưu giữ 773 tập Châu bản Triều Nguyễn từ đời vua Gia Long đến vua Bảo Đại, đã được UNESCO công nhận là Di sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nước ta sẽ đề nghị nâng cấp lên thành Di sản tư liệu toàn thế giới.

Trong bộ Châu bản này luôn luôn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có tấm bản đồ ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó bản đồ Trung Hoa vẽ thời nhà Thanh thì cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Có thể khẳng định từ lâu nhân dân Việt Nam đã phát hiện quần đảo Hoàng Sa, rất nhiều bản đồ sách cổ đã cho thấy điều đó.

Nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây đều khẳng định Hoàng Sa, của Việt Nam. Các triều đại phong kiến của Việt Nam, gần đây nhất là nhà Nguyễn đã tổ chức các đội quân ra quản lý Hoàng Sa, và các đội thuyền ra khai thác hải sản quý và các cổ vật do tàu bị đắm tại đây.

Các vua nhà Nguyễn không những lo đến chủ quyền và quyền lợi của nước mình mà còn lo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển của quần đảo đó. Đó chính là ý thức trách nhiệm cao của một nhà nước thật sự làm chủ quần đảo Hoàng Sa đối với hàng hải quốc tế trong khu vực này.

Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, nước Pháp nhân danh nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ khi ký với triều đình nhà Nguyễn hiệp ước 6/6/1884, Pháp đại diện cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Các tàu chiến của Hải quân Pháp thường xuyên tuần tiễu trong vùng Biển Đông kể cả Hoàng Sa.

Tàu Hải dương học từ Nha Trang đã ra khảo sát Hoàng Sa từ năm 1925. Tàu ra khảo sát khoa học quần đảo Trường Sa năm 1927.

Năm 1929 Pháp đã cho đặt 4 cây đèn biển ở 4 góc của quần đảo Hoàng Sa ( đảo Tri Tôn, đảo Đá Bắc, đảo Linh Côn, bãi Bom Bay).

Năm 1937, nhà đương cục Pháp cử kỹ sư công chính ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, bãi đỗ thuỷ phi cơ.

Tháng 2/1937 một tuần dương hạm của Pháp thăm quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 30/3/1938, vua Bảo Đại dụ ký tách quần đảo Hoàng Sa khỏi tỉnh Nam Nghĩa đặt vào tỉnh Thừa Thiên.

Ngày 5/6/1938 Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1938 Pháp dựng bia chủ quyền, xây dựng xong đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện tại đảo Hoàng Sa trong quần đảo Hoàng Sa.

Suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo đó như: Ngày 14/12/1931 và ngày 24/4/1932 Pháp phản kháng chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi trở lại Việt Nam, trong vùng chiếm đóng của mình, nhà cầm quyền Pháp đã phái chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa, xây dựng lại các trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa và chống lấn chiếm của bên ngoài.

Ngày 7/9/1951 trưởng đoàn đại biểu của chính phủ Bảo Đại công bố tại hội nghị San Francisco về ký hoà ước với Nhật Bản rằng: Từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Tuyên bố đó không gặp phải sự chống đối hoặc bảo lưu nào của 51 quốc gia dự hội nghị.

Năm 1953 Pháp cho tàu khảo sát quần đảo Hoàng Sa về hải dương, địa chất, địa lý, môi sinh.

Năm 1956 khi Pháp rút quân khỏi Việt Nam theo hiệp định Giơ- ne- vơ, lực lượng hải quân của chính quyền Sài Gòn ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế ra khảo sát trên các đảo.

Ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.

Ngày 13/7/1961 , chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 1969 đến năm 1973, chính quyền Sài Gòn tiếp tục có các khảo sát, điều chỉnh về quản lý hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 9/1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam dự hội nghị khí tượng thế giới ở Colombia tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu tổ chức khí tượng thế giới tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam.

Sau khi nước Việt Nam thống nhất năm 1976, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều lần tuyên bố, khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong các công hàm gửi các bên có liên quan, trong cuộc hội đàm cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh tháng 10/1977, trong các tuyên bố về ngoại giao đều khẳng định rất cụ thể...

Đưa Hoàng Sa lên vị thế chiến lược- Ảnh 3.

Những con tàu của ngư dân miền Trung đồng loạt ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Đình Thiên

Hoàng Sa và dấu mốc vô cùng quan trọng

Cách đây 42 năm, quyết định thành lập huyện Hoàng Sa là dấu mốc vô cùng quan trọng; lần đầu tiên bộ máy quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa được nâng từ cấp xã lên cấp huyện.

Đưa Hoàng Sa lên vị thế chiến lược- Ảnh 4.

Trong quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, UBND huyện Hoàng Sa của Đà Nẵng sẽ là đơn vị hành chính đặc thù. Ảnh: Hà Vũ Linh

Cụ thể, ngảy 11/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Quyết định nêu rõ: "Thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đây là lần đầu tiên bộ máy quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa được nâng từ cấp xã lên cấp huyện, đồng thời là hành động của Nhà nước Việt Nam khẳng định tính pháp lý về quyền quản lý lãnh thổ một cách liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài ý nghĩa to lớn là quyết định Nhà nước xác lập quyền quản lý, quyết định này còn xác định được vị thế chiến lược mới của quần đảo Hoàng Sa cùng quần đảo Trường Sa trong bản đồ nước ta. Từ đây mở ra bức tranh tổng thể của Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa có vị trí trọng yếu mới đối với vùng biển nước ta.

Đưa Hoàng Sa lên vị thế chiến lược- Ảnh 5.

Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) hướng ra biển Đông. Ảnh: Đình Thiên

Việc giao trực tiếp cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi đó quản lý vừa xác lập quyền, giao trách nhiệm quản lý cho chính quyền địa phương, vừa thể hiện sự quản lý liên tục của Việt Nam với vùng biển này, vừa gắn với quá trình lịch sử lâu đời của ngư dân khu vực miền Trung vốn ngàn đời nay đã sinh tồn trên ngư trường Hoàng Sa. Đây là văn bản Nhà nước đầu tiên xác lập Hoàng Sa là một đơn vị cấp huyện.

Thời điểm Hội đồng Bộ trưởng có quyết định thành lập huyện Hoàng Sa, chúng ta xác định việc đề cao quyền quản lý hành chính đối với vùng lãnh thổ thiêng liêng đặc biệt này; là hành động của Nhà nước khẳng định một quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Năm 1997, huyện Hoàng Sa được giao cho TP.Đà Nẵng quản lý, mục tiêu chủ yếu là thực thi quản lý hành chính đối với lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa. TP đã phân công cán bộ phụ trách, xây dựng bộ máy, xây dựng đề án "Quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng".

Thời gian qua, UBND huyện Hoàng Sa có nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân đối với quần đảo máu thịt của Tổ quốc, nhất là trong giới trẻ, học sinh sinh viên.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nước và trên trường quốc tế, giáo dục cho lớp lớp thế hệ trẻ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem