Dội bão lửa vào Syria, Trump muốn "dằn mặt" cả nước này

Phương Đăng Thứ ba, ngày 11/04/2017 19:00 PM (GMT+7)
Quyết định dội "bão lửa" vào Syria của Tổng thống Donald Trump được cho là không chỉ khiến Nga "nóng mặt" mà còn có nguy cơ thổi bùng căng thẳng với Iran, đồng minh trung thành nhất của chính quyền Tổng thống Assad.
Bình luận 0

img

Tổng thống Donald Trump được cho là không chỉ nhắm vào chính quyền Assad mà còn Iran khi quyết định phóng tên lửa oanh tạc Syria.

Ngay sau khi Tổng thống Trump ra lệnh phóng một loạt tên lửa hành trình vào một căn cứ quân sự của Syria - sân bay Shayrat ngày 7.4, Iran lập tức lên án cuộc tấn công và đe dọa về những hậu quả thảm khốc sau hành động này.

Theo giới phân tích, việc Iran phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền Trump dội bão lửa vào Syria không chỉ bởi nước này là đồng minh trung thành nhất của chính quyền Tổng thống Assad mà còn vì Tehran đã cảm thấy động thái của Mỹ còn nhắm vào nước này.

Là đồng minh ruột của Syria, Iran đã hỗ trợ quân sự, vũ khí lẫn tài chính cho chính quyền Assad kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu nổ ra ở Syria năm 2011. Năm 2012, Hezbollah ở Lebanon, được xem là đại diện cho Iran, tham gia cuộc nội chiến Syria và đứng về phe chính quyền Assad.

Năm 2013, Iran tiếp tục cử hàng trăm cố vấn quân sự tới hỗ trợ quân đội Syria và lực lượng Hezbollah tấn công tổng lực để tiêu diệt phe nổi dậy.  Iran được cho là lực lượng quan trọng giúp bảo vệ các thành trì của chính phủ Syria, bao gồm cả thủ đô Damascus, những khu vực dọc theo biên giới Lebanon và bờ biển Địa Trung Hải.

Dưới thời Tổng thống Obama, từng có quan ngại rằng Washington sẽ rút khỏi khu vực, đồng thời cải thiện quan hệ với Iran, đặc biệt là sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại có lập trường khác về Trung Đông - thể hiện bằng thái độ cứng rắn hơn với Iran và việc tái khẳng định uy quyền của Mỹ trong khu vực này.

Theo đó, việc Mỹ "bão lửa" vào Syria được xem là "một mũi tên bắn trúng 2 con chim" khi vừa trừng phạt Tổng thống Assad vừa "dằn mặt" Iran.

"Vụ Mỹ dội bão lửa vào Syria chắc chắn đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Iran", ông  Edward Djerejian, cựu đại sứ Mỹ tại Syria và Israel, hiện đang điều hành Viện Chính sách Công Baker của ĐH Rice nhấn mạnh.

img

Tàu chiến Mỹ đã bắn hàng chục tên lửa hành trình vào Syria. (Nguồn: NBC)

Hơn nữa, động thái này còn giúp ông Trump lấy lòng các đồng minh vùng Vịnh lâu năm của Mỹ bao gồm Arab Saudi, Bahrain, Qatar, UAE... vốn luôn muốn Washington cứng rắn với Iran.

Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của Tehran làm gia tăng thách thức cho Washington khi việc can thiệp sâu hơn vào Syria có thể thổi bùng nguy cơ Mỹ xung đột trực tiếp với Iran, một đối thủ được cho là vừa mạnh vừa khó đoán.

Các biện pháp trả đũa của Iran có thể gây ảnh hưởng rộng khắp khu vực khi họ có thể nhắm mục tiêu vào các tàu chiến của Hải quân Mỹ lẫn của các quốc gia Ả Rập, đồng minh của Washington.

Iran cũng có thể giật dây Hezbollah và các nhóm dân quân Shiite tấn công các lực lượng Mỹ đang đóng tại Iraq và Syria hoặc tấn công nhiều đồng minh trong khu vực của Mỹ.

Ngoài ra, quyết định oanh tạc Syria bằng tên lửa hành trình của Mỹ cũng có thể khiến Iran rằng quân tới chiến đấu bên cạnh quân đội Assad.  Hôm 9.4, lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng, cuộc tấn của Mỹ là "sai lầm chiến lược và là hành vi phạm tội".

Tuy nhiên, ông Giorgio Cafiero, CEO của tổ chức Phân tích các nước vùng Vịnh có trụ sở ở Washington cho rằng, trong những ngày tới, Iran sẽ vẫn "đợi và xem" trước khi có hành động.

"Chúng ta có thể sẽ thấy phản ứng tương đối kiềm chế từ Iran và các đồng minh Shiite của họ", ông Giorgio Cafiero nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem