Cần mã định danh riêng cho từng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Vũ Khoa Thứ ba, ngày 12/12/2023 12:28 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng thương mại điện tử Việt Nam đã qua giai đoạn bùng nổ, cần một lộ trình mới để phát triển bền vững bằng chất lượng hàng hóa, uy tín của người bán hàng.
Bình luận 0

Mỗi năm có 10.000 website thương mại điện tử mới

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy khoảng 60 triệu người Việt có giao dịch thương mại điện tử. Thương mại điện tử đang phát triển nóng, dù vẫn còn nhiều lý do khiến người tiêu dùng lo ngại, không chọn sản phẩm có giá trị trên thương mại điện tử như lo ngại về chất lượng sản phẩm, thiếu niềm tin với người bán hoặc lộ lọt thông tin. Nhưng theo các chuyên gia, nhà quản lý đây vẫn là xu hướng cần thiết phát triển.

Tại Diễn đàn công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử Việt Nam diễn ra ngày 12/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh khẳng định bên cạnh phương pháp quản lý cũ như áp chế tài, kiểm tra trực tiếp.. thì chống gian lận thương mại trên môi trường online chính là việc phải làm ngay.

Cần mã định danh riêng cho từng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Diễn đàn công nghệ chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử Việt Nam

"Chúng ta buộc phải sử dụng công nghệ bởi đây là vấn đề của internet. Môi trường online hiện nay rất mông lung và bắt buộc chúng ta cần công cụ công nghệ để giải quyết những khó khăn còn tồn tại như chứng minh người mua, người bán, chứng cứ... Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm nữa, lực lượng Quản lý thị trường sẽ trung quản lý trên môi trường kinh doanh online.

Ông Lê Đức Anh Giám đốc trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương chia sẻ, thương mại điện tử đã phát triển nhanh, kéo dài liên tục trong 10 năm qua.

"Mỗi năm, chúng tôi cấp phép hơn 10.000 website thương mại điện tử. Song đối với người tiêu dùng, các báo cáo cho thấy những người chưa tham gia mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Trong đó, những vấn đề như chất lượng kém so với quảng cáo được người tiêu dùng bình chọn cao nhất. Thứ 2 là tâm lý không tin tưởng người bán", ông Lê Đức Anh nói.

Ngay cả những người thường xuyên mua hàng online, đa số vẫn không lựa chọn sản phẩm có giá trị cao trên môi trường trực tuyến. Hàng hóa được mua nhiều trên sàn thương mại điện tử có mức giá trung bình chỉ dưới 300 nghìn đồng. Điều này dẫn đến môi trường thiếu hiệu quả. Sản phẩm giá trị cao, mang lại hiệu suất, giá trị tốt nhưng không được bán trên môi trường thương mại điện tử.

Chính vì vậy, cần thiết phải đảm bảo minh bạch thông tin người bán, cập nhật thông tin người mua.

Lý giải về đề xuất này, ông Lê Đức Anh cho biết khi người tiêu dùng trở thành nguồn cung cấp thông tin về hàng giả hàng nhái, chúng ta sẽ có kênh thông tin về phản ánh vi phạm. Thay vì thả nổi chủ thể kinh doanh như hiện nay, rất dễ xảy ra tình trạng lừa đảo rồi đóng gian hàng. Mặt khác, khi người bán được định danh, đồng nghĩa vi phạm sẽ bị truy vết và rất khó để chủ hàng thiếu uy tín được tham gia vào một hệ thống thương mại điện tử khác.

Cần một thị trường online có quy tắc, được định danh

Đánh giá về thương mại điện tử trong bối cảnh mới, PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện kinh tế Việt Nam cho biết, đặc điểm phát triển kinh tế chung có thêm nhiều xu hướng mới với cả tác động tích cực và tiêu cực. Có thể nói hiện nay ngành công nghệ đang ảnh hưởng rất lớn đến thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi cần cơ cấu lại chuỗi cung ứng trên toàn cầu, bởi công nghệ đang làm thay đổi thế giới và suy nghĩ.

"Việt Nam là một trong những quốc gia đang đà tăng trưởng, và là 1 trong 5 quốc gia có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất. Kinh tế số đang tăng trưởng mạnh so với thực chi, nhưng vẫn còn dư địa. Bởi số lượng doanh nghiệp đứng ngoài trong chuyển đổi kinh tế số, xanh còn rất nhiều. Chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tham gia", PGS. TS Bùi Quang Tuấn nói.

Trong các hiệp định thương mại thế hệ mới đều có quy định về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng và các chương liên quan đến thương mại điện tử. Ngoài ra, loại hình thương mại B2C (trực tiếp từ sản xuất đến người dùng - PV) sẽ xâm chiếm khi chuỗi cung ứng thay đổi, và tác động mạnh đến sự tồn tại của các sàn thương mại điện tử nếu không kịp chuyển đổi, nâng cao uy tín sàn trung gian.

Cần mã định danh riêng cho từng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Các gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn.

Đại diện Hiệp hội Thương Mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Bình Minh thì đánh giá giai đoạn từ năm 2015 trở lại đây, thương mại điện tử đã bùng nổ tại Việt Nam. Đặc biệt trong khoảng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành nghề thương mại đóng băng. Tuy nhiên thương mại điện tử lại phát triển đột biến, thay đổi lớn đến thói quen người tiêu dùng.

"Đại dịch là một trong những chất xúc tác kỳ lạ, khiến nhiều ngành nghề sụp đổ nhưng lại làm cho thương mại điện bùng nổ. Mặc dù trong đại dịch nhưng tăng trưởng 20%, đây là con số mơ ước của nhiều nền kinh tế", ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ.

Điều này cho thấy thương mại điện tử có đề kháng mạnh trước các biến động. Tuy nhiên, đã bắt đầu phải chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững. Nếu không, những nguy cơ xấu sẽ có cơ hội sinh sôi.

"Nhu cầu thương mại điện tử tăng nhanh nhưng khó kiểm soát, không có quy tắc dẫn đến có sự xáo trộn, mang lại hệ quả không tốt. Dù đang tận dụng nguồn lực sẵn có nhưng cũng tạo môi trường sống cho vi phạm kinh doanh hàng hóa", ông Trần Bình Minh nói.

Để thương mại điện tử có con đường phát triển ổn định, bền vững thì công nghệ truy xuất nguồn gốc cũng phải chuyển đổi theo. Thực tế, bản thân hàng Việt cũng đã bị làm giả tại một số thị trường. Đối với một quốc gia đang tăng trưởng, buộc phải cạnh tranh bằng chất lượng, xây dựng thương hiệu uy tín thì việc xuất hiện hàng giả, kém chất lượng sẽ là gánh nặng kéo lùi đà phát triển của doanh nghiệp sản xuất. Quan trọng hơn là bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo vệ thị trường Việt, nòi giống người Việt.

Cần mã định danh riêng cho từng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Sản phẩm được định danh sẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc, lộ trình vận chuyển và nơi đến.

Trong số những giải pháp, ông Nguyễn Bình Minh đưa ra đề xuất sử dụng mã định danh trực tiếp từng sản phẩm. Theo đó, cần thiết áp dụng mỗi sản phẩm dịch vụ dùng duy nhất một mã chứa thông tin tiêng biệt cho toàn bộ vòng đời. Thay vì định danh theo lô, một mã cho hàng nghìn sản phẩm như hiện nay vì sản phẩm rất dễ bị làm giả. "Cá nhân hóa bằng định danh sẽ đảm bảo minh bạch thông tin ai mua, mua sản phẩm nào và sản phẩm qua những đâu", ông Nguyễn Bình Minh, Hiệp hội thương mại điện tử.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng. Bởi hiện nay các sàn kiểm soát số lượng rất lớn thông tin khách hàng, đây vừa mang tính chất tích cực, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu tệp thông tin này bị sử dụng cho mục đích khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem