Thương mại Việt - Trung: "Quả ngọt" nhìn từ sầu riêng xuất chính ngạch và kinh nghiệm vào thị trường tỷ dân

An Linh Thứ ba, ngày 12/12/2023 07:52 AM (GMT+7)
Là một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, Trung Quốc không chỉ là công xưởng của thế giới mà còn là thị trường lớn của nhiều loại đặc sản của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bình luận 0

Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12-13/12 được giới chuyên gia kinh tế, hiệp hội, doanh nghiệp kỳ vọng hai bên có những bước đi cụ thể, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa hai nước, có những giải pháp cụ thể để khơi thông hợp tác thương mại vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế song vẫn chưa khai thác hiệu quả.

Bài học trái sầu riêng "đổi phận" nhờ xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Trả lời báo chí mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng sự thay đổi lớn giữa xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch đã diễn ra với trái sầu riêng và có thể đây là bài học kinh nghiệm lớn.

Thương mại Việt - Quốc: "Quả ngọt" từ sầu giêng xuất chính ngạch và kinh nghiệm vào thị trường tỷ dân - Ảnh 1.

"Quả ngọt" xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc là kinh nghiệm lớn cho nhiều ngành hàng, lĩnh vực của Việt Nam (Ảnh: Bộ Công Thương).

Theo đó trước nhưng năm 2022, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch khoảng hơn 200 triệu USD/năm. Nhưng kể từ tháng 7/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết - (quy định về xuất khẩu một sản phẩm chính ngạch vào Trung Quốc) kết quả bắt đầu tăng mạnh. Chỉ 3 tháng cuối năm 2022, sầu giêng xuất khẩu đạt 200 triệu USD, cả năm 2023 trái sầu riêng xuất sang Trung Quốc có thể đạt kim ngạch kỷ lục hơn 2,3 tỷ USD.

Ông Nguyên cho rằng, đây là cột mốc đáng nhớ của ngành hàng sầu riêng. Việc kim ngạch xuất khẩu sầu riêng qua đường chính gạch năm 2023 tăng gấp 5, đến 10 lần so với các năm 2022, 2021 cho thấy, việc ký kết Nghị định thư mở đường cho trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đã giúp sầu riêng của Việt Nam trở thành ngành hàng tỷ USD và "đạt được con số tăng trưởng kỷ lục". Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả nhấn mạnh: "Đây là minh chứng vì sao chúng ta cần thay đổi hướng tiếp cận thị trường này bằng cách thay đổi tiểu ngạch sang chính ngạch".

Chính vì vậy, ông Nguyên hy vọng Việt Nam và Trung Quốc cần đàm phán nhanh để mở cửa cho các nhóm hàng trái cây của Việt Nam như sầu riêng đông lạnh, bưởi, dừa, bơ, chanh… xuất chính ngạch. Nếu thành công, đây sẽ là những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD tiềm năng, tiếp tục đưa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước tăng trong tương lai.

Từ câu chuyện "đổi phận" của trái sầu riêng xuất khẩu, ông Nguyên cho rằng, các mặt hàng khác của Việt Nam có lợi thế, tiềm năng lớn xuất sang Trung Quốc chính ngạch với giá trị cao. Điều quan trọng nhất là chủ động tìm hiểu các chính sách của Trung Quốc nhằm đáp ứng tốt các đòi hỏi thị trường nước này, từ đó nâng giá trị sản phẩm của VIệt Nam.

Thương mại Việt - Quốc: "Quả ngọt" từ sầu giêng xuất chính ngạch và kinh nghiệm vào thị trường tỷ dân - Ảnh 2.

Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, thay đổi cách tiếp cận là hướng đi cần thiết, bắt buộc để xuất khẩu bền vững

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Bagico chuyên cung cấp các sản phẩm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cho rằng, thị trường Trung Quốc hiện nay không còn như xưa kia. Độ khó tính của người dân Trung Quốc đang lớn dần và các quy chế an toàn thực phẩm cũng ngày càng khắt khe hơn.

Bà Thực cho rằng, hàng Việt dứt khoát phải đi theo đường chính ngạch, từ đó mới làm gia tăng giá trị và không phụ thuộc vào thương lái nước bạn. Trung Quốc là thị trường lớn, bản thân hàng Việt cũng được chào đón tại nước này. Song việc khai thác thị trường một cách bền vững, lâu dài của doanh nghiệp Việt là chưa cao.

Trao đổi với PV Dân Việt, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu heo sữa tại Bắc Giang cho biết, bình quân 3 ngày doanh nghiệp này xuất 1 container heo sữa sống sang Trung Quốc, 1 tháng có thể số lượng hàng chục tấn heo sữa. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt chỉ bán đến cửa khẩu, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị của họ được, chưa đa dạng được khách hàng

"Bình quân, nếu tính lợi nhuận mỗi con heo sữa đến tay người tiêu dùng Trung Quốc là 10 đồng, doanh nghiệp Việt chỉ thu lời được 2, còn lợi 8 là của phía bạn. Nếu xuất được đi chính ngạch cho đối tác lớn và ổn định, giá trị sẽ tăng cao hơn", vị này cho hay.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc xuất khẩu chính ngạch là yêu cầu tất yếu, bắt buộc nếu muốn khai thác bền vững thị trường Trung Quốc và nâng cao giá trị gia tăng hàng hoá, dịch vụ. Trước đây hàng Việt chủ yếu bị EU, Mỹ kiện phòng vệ, trả về do tồn dư kháng sinh hoặc không an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, gần đây số lượng các vụ kiện phòng vệ, trả hàng hoặc dừng nhập hàng của Trung Quốc đối với sản phẩm của Việt Nam ngày càng lớn, điều này đặt ra thách thức phải đối xử với thị trường Trung Quốc khác đi.

Còn nhiều tiềm năng, thế mạnh cần khai thác

Theo giới chuyên gia, ngoài hợp tác thương mại để khai thác và bổ sung lợi thế của nhau. Trung Quốc hiện có nhiều thế mạnh mà Việt Nam cần học hỏi, bắt tay hợp tác trong một số ngành như năng lượng mới, kỹ thật xây dựng dân dụng và giao thông, vật liệu mới - (pin, nguyên liệu Hydro…), thương mại điện tử…. đây là những ngành Việt Nam đang cần.

Thương mại Việt - Quốc: "Quả ngọt" từ sầu giêng xuất chính ngạch và kinh nghiệm vào thị trường tỷ dân - Ảnh 3.

Trung Quốc đang dẫn đầu các ngành, lĩnh vực mới như điện tái tạo, Việt - Trung có nhiều tiềm năng để hợp tác lĩnh vực này (Ảnh: TTXVN).

Việt Nam có thế mạnh về nông hải sản và xuất khẩu giá trị gia tăng lớn, độ mở nền kinh tế, cửa ngõ vào ASEAN đối với Trung Quốc… đó là những tiềm năng, lợi thế mà Việt Nam và Trung Quốc có thể cùng khai thác, phát triển hiệu quả.

Đơn cử chỉ một lĩnh vực là năng lượng mới, các hãng điện gió, điện mặt trời Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường, cạnh tranh trực tiếp với các nhà đầu tư điện gió từ Đan Mạch, Hà Lan. Theo đánh giá Năng lượng Toàn cầu năm 2023, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (RES) trong nguồn cung cấp điện của Trung Quốc đã đạt mức 49,9% - tương đương khoảng 1,4 terawatt (TW). Trong đó, nguồn năng lượng khai thác từ mặt trời chiếm tỷ trọng lớn nhất, thứ hai là các nhà máy thủy điện và vị trí thứ ba là tuabin gió.

Chỉ trong năm 2023, Trung Quốc đã đưa vào vận hành 190 GW công suất năng lượng tái tạo, tăng tới 91% so với cùng kỳ năm 2022. Những kết quả này khẳng định rằng Trung Quốc hiện đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là cơ sở giúp quốc gia này hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. 

Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đứng ở góc độ thị trường, Trung Quốc là bạn hàng lớn, là vùng nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác. Là công xưởng thế giới, với lợi thế về quy mô, nhiều loại nguyên phụ liệu của Trung Quốc rất rẻ so với việc tự đầu tư sản xuất. Chính vì vậy, việc quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc gắn chặt, giúp cả hai nền kinh tế bổ trợ nhau cùng thắng.

Tuy nhiên, có một chi tiết mà Việt Nam cần hạn chế là phụ thuộc quá mức vào nguyên liệu theo kiểu mua thành phẩm, bán thành phẩm. Hay giả nhãn mác xuất xứ "xuất khẩu hộ", "lẩn tránh thuế" bằng cách cắt mác, thay mác… đây là những chiêu trò mà các nước nhập khẩu như EU, Mỹ đang rà soát rất kỹ để áp đặt các biện pháp trừng phạt trong phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, tính lan toả của các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam chưa cao, hàm lượng công nghệ còn thấp so với yêu cầu đòi hỏi. Việc hợp tác thương mại Việt - Trung mới chỉ dừng lại ở khai thác thị trường, thiếu tính bền vững dù có nhiều tiềm năng, lợi ích đan xen.

Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), là nền kinh tế lớn, nước giàu, Trung Quốc không chỉ là công xưởng mà còn là thị trường cho hàng hoá lớn. Hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam đã có những con số phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hợp tác thương mại được nhắc đến nhiều. Thị trường tỷ dân, là nước giàu mạnh và kế bên Việt Nam là cơ hội mà nhiều quốc gia khác mong muốn.

"Chúng ta cần tái cấu trúc kênh xuất khẩu vào thị trường này. Thay đổi hình thức bán biên, bán thô và nhỏ lẻ sang bán hàng theo đơn sẽ tăng giá trị. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường phát triển thương mại điện tử rất nhanh, đây là cách nhanh nhất để tiến vào thị trường tỷ dân trong thời gian tới", vị này cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem