Cuồng thần tượng Blackpink rồi xả núi rác sau đêm diễn, giới trẻ bị chỉ trích: "Thất bại của giáo dục"

Tào Nga Thứ ba, ngày 01/08/2023 06:55 AM (GMT+7)
Nhóm nhạc Blackpink sang Việt Nam biểu diễn, một lượng lớn khán giả quan tâm, đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước. Thế nhưng phía sau khán đài, không chỉ có những hình ảnh lung linh...
Bình luận 0

Xả rác sau đêm diễn Blackpink

Tối 29-30/7 diễn ra hai đêm diễn của Blackpink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đây cũng là những đêm diễn quy mô nhất của nghệ sĩ quốc tế ở Việt Nam, thu hút đến 67.000 lượt khán giả vào sân, giá vé lên tới 40 triệu đồng/cặp.

Không dừng lại ở đó, sau đêm diễn, giới trẻ gây "choáng" khi ra về đã để lại trên sân và khắp đường đi một lượng rác khổng lồ. "Lượng rác quanh khu vực sân Mỹ Đình nhiều khủng khiếp, đêm đầu tiên lượng rác rơi vào khoảng 20 tấn. Tôi làm công nhân môi trường được 20 năm nhưng chưa thấy lượng rác của chương trình nào nhiều như đêm nhạc này, nhiều hơn cả khi có bóng đá hay dịp Tết Nguyên đán", một nữ công nhân môi trường thốt lên. 

Cuồng thần tượng Black Pink rồi xả núi rác sau đêm diễn, giới trẻ bị chỉ trích: "Thất bại của giáo dục" - Ảnh 1.

Hình ảnh tràn ngập rác thải sau đêm diễn của Blackpink.Ảnh: MXH

Hình ảnh lượng rác lớn do chính giới trẻ để lại sau khi đi xem thần tượng diễn trở thành đề tài gây tranh cãi. Nhiều người đã chỉ trích hành động này là thiếu ý thức, thậm chí là sự thất bại của giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội, là sự thất bại của văn hóa. 

Liên quan đến chủ đề này, chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: "Chúng ta đang nhìn thấy những hình ảnh rất đối lập trong sự kiện đêm nhạc Backpink. Đó là sự đối lập giữa những người trẻ ăn mặc cực kỳ sang chảnh, check in đẹp đẽ, hào hứng, háo hức thưởng lãm văn hóa nghệ thuật với những hình ảnh phản văn hóa sau đêm diễn là một núi rác. 

Đó là hình ảnh nhóm fan son phấn nhạt hòa, chen lấn chạy từ cổng này sang cổng khác để xem thần tượng ra cổng nào, ồn ã đến mức an ninh không thể điều khiển được. Đó là sự đối lập giữa những người lao động ngay bên ngoài sân tranh thủ kiếm thêm một chút tiền và hình ảnh ở trong sân có những người đứng trong một khoảng trống vì bao hẳn 100 vé. Dường như giới trẻ ngày càng chỉ chạy theo những thứ mang tính hình thức khiến chúng ta cảm thấy quan ngại. Một thế hệ nói giỏi hơn làm, sẽ chỉ hành động đẹp khi đang ở trong tâm điểm chú ý hoặc dưới ánh đèn sân khấu. 

Điều này cho thấy giáo dục chúng ta có thể đã làm tốt về mặt nhận thức, ai cũng đều biết rằng xả rác là không văn minh, chúng ta không nên xả rác, nhưng giáo dục dường như chưa thành công trong việc giúp thay đổi về mặt thái độ cảm xúc ở những người trẻ. Họ không cảm thấy áy náy hoặc khó chịu khi nhìn thấy nhiều rác bị bỏ lại, không thể hiện thái độ với những hành vi xả rác hay hành động cụ thể như rất nhiều fan đã làm sau các trận đấu bóng của chúng ta là ở lại và nhặc rác. Hoặc rất có thể, nếu có truyền hình còn ở lại ghi nhận, sẽ có nhiều nhóm bạn trẻ ở lại nhặt rác với hy vọng sẽ được lên hình chăng?".

Bản chất của thần tượng là những huyễn tưởng

Liên quan đến chủ đề thần tượng, PGS Nam cho biết: "Thần tượng một ai đó là một phần cơ bản trong cuộc sống của giới trẻ. Có 3 mức, mức cuồng được gọi là bệnh tâm lý. Là những người thấu cảm một cách sâu sắc với những thành công thất bại của thần tượng, quá gắn với thần tượng và có những xu hướng ám ảnh cưỡng bức về cuộc sống của thần tượng. 

Bản chất của thần tượng là những huyễn tưởng – nhưng phần lớn các bạn trẻ không biết rằng thần tượng sẽ không thể nhận ra những mong muốn, mơ ước của họ để mà dừng lại ảo tưởng. Trên thực tế, nhiều thần tượng giao lưu với fan qua các kênh truyền thông thực chất là ekip đằng sau thực hiện.

Những thể hiện của fan đối với thần tượng thường là bắt chước phong cách (trang phục, kiểu tóc, quan điểm sống; cách phát ngôn; cử chỉ hành vi và nhái giọng/phong cách); nghi thức thờ phượng (treo tranh ảnh; mua các vật có liên quan; tìm đọc thông tin trên mạng; kết nối với các fans khác; tìm các vật dụng cá nhân: chai nước uống dở, xăm tên lên người…) có kiến thức, tri thức (các sản phẩm nghệ thuật; tham gia các buổi biểu diễn; không bỏ lỡ các chương trình trên truyền thông, nhớ giai điệu, nhớ lời các bài hát…).

Cuồng thần tượng Black Pink rồi xả núi rác sau đêm diễn, giới trẻ bị chỉ trích: "Thất bại của giáo dục" - Ảnh 2.

Châu Bùi bật khóc tại đêm diễn gây tranh cãii. (Ảnh: Chụp màn hình)

Thực sự, việc "đu thần tượng" ở Việt Nam có lẽ đã chuyển sang mức lệch chuẩn văn hóa. Người lớn cũng quá vô tư khi đưa những đứa trẻ đi đu thần tượng, mặc dù biết sẽ có vũ đạo sexy, sẽ có đám đông với nhiều phong cách ăn mặc, nói năng không phù hợp, chen lấn, xô đẩy, lộn xộn...".

Theo PGS Thành Nam, thời gian đó, các bạn trẻ có thể có những hoạt động vui vẻ lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi và bổ ích hơn.

 "Ở một khía cạnh nào đó, bố mẹ hơi vô trách nhiệm khi đã bỏ qua một số yếu tố đảm bảo an toàn cho trẻ, từ an toàn nội dung (liệu đêm concert có những nội dung nào không phù hợp với trẻ con không?) đến an toàn về thân thể trong một đám đông lớn và cuồng nhiệt. Liệu đứa trẻ sẽ ra sao nếu bị lạc, bị xô ngã và dẫm đạp trong đám đông. Thật may là chưa có bất kỳ một tai nạn nào xảy ra nhưng không có nghĩa là cha mẹ cứ vô tư, không quan tâm đến những nguy cơ này mà bất chấp cho con đu thần tượng",  Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem