Xây đặc khu, 30 năm nữa casino thất bại có thu hồi đất không?

Lương Kết Thứ tư, ngày 22/11/2017 19:00 PM (GMT+7)
"Dự luật cần xác định rõ những dự án được cấp phép đầu tư vào đặc khu sẽ tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam. Nếu nói cùng có lợi nhưng nhà đầu tư lợi 8, chúng ta chỉ được 2 thì không nên”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói.
Bình luận 0

img

ĐB Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: VPQH)

Chiều 22.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng dự luật này chỉ nên quy định chung hành lang pháp lý về xây dựng đặc khu, không nên đưa 3 đơn vị cụ thể là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) vào để điều chỉnh.

Theo ĐB Nghĩa, nhiều quốc gia trên thế giới đã thất bại trong việc xây dựng đặc khu  là do cách làm chứ không phải chủ trương, vì vậy Việt Nam nên chú ý đến yếu tố này. Trong đó, nguyên tắc không thu hút đầu tư bằng mọi giá cần phải được xác định chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu.

"Dự luật cần xác định rõ những dự án được cấp phép đầu tư vào đặc khu sẽ tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam. Nếu nói cùng có lợi nhưng nhà đầu tư lợi 8, chúng ta chỉ được 2 thì không nên. Hoặc nhiều khi họ cam kết đầu tư, nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật, chúng ta có quyền thu hồi, xử lý", ĐB Nghĩa nói.

Liên quan tới chính sách giao đất cho nhà đầu tư chiến lược tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm, ĐB Nghĩa cho rằng chưa hợp lý. "Doanh nghiệp chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm. Nhưng liệu rằng 50 năm nữa con người có còn xài tiền, đánh bạc không? Nếu còn thì theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi đất hay không?", ĐB Nghĩa nêu vấn đề và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, dự luật cần quy định dự án thất bại thì nhà đầu tư phải trả lại đất và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì thay đổi thủ tục. Trong đó, cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có ngành không cho chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài.

Giải trình về các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt - cho biết: Từ kinh nghiệm quốc tế, hiện trên thế giới có rất nhiều mô hình: Đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do, thành phố tự do, được điều chỉnh bởi luật chung và luật riêng.

“Với nước ta, đây là mô hình mới nên làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phù hợp với nguồn ngân sách có hạn. Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, có thể nhân rộng thể chế chính sách, mô hình quản lý mới cho các khu khác có đủ điều kiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rõ.

Sau khi chủ trương được thông qua sẽ có 3 nghị quyết riêng cho 3 đặc khu (Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, so với các mô hình kinh tế tự do tại Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar... xét theo 9 tiêu chí, dự luật có tính ưu đãi ngang bằng hoặc thuận lợi hơn, trừ thuế.

Về ý kiến lo lắng thời gian thuê đất quá dài lên đến 99 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Theo Luật Đất đai hiện nay, thời gian sử dụng đất sản xuất tối đa trong khu kinh tế là 70 năm, dự thảo luật này là 99 năm nhưng chỉ áp dụng với số ngành nghề ưu tiên và phải được Thủ tướng quyết định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem