Phó TTg Trương Hoà Bình: “Không phải đặc khu kinh tế nào của Trung Quốc cũng thành công”

Trần Giang Thứ sáu, ngày 10/11/2017 20:09 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, Trung Quốc bắt đầu xây dựng đặc khu kinh tế từ năm 1979 và Thâm Quyến là một điển hình thành công khi phát triển từ một làng chài nghèo. Trung Quốc có 6 đặc khu kinh tế nhưng không phải cái nào cũng thành công.
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình.

Chiều nay, ngày 10.11, theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cho ba đơn vị đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

“Đất của mình ở đây, họ bê đi đâu được”

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình, Trung Quốc thành công trong xây dựng đặc khu kinh tế là có một trong những nguyên nhân đã đưa lương rất cao để kêu gọi Hoa kiều về xây dựng đất nước, đặc khu. Việt Nam muốn xây dựng đặc khu thành công thì cũng nên có chính sách về lương, như thế mới có đột phá, mới kêu gọi được Việt kiều. Cứ nói yêu nước mà lương không đủ sống thì ai dám về.

Đại biểu Thân cũng cho rằng, quyết định thành lập đặc khu kinh tế là đúng đắn. “Ta không sợ mất chủ quyền, vì chỉ ưu tiên ở khu kinh tế đặc biệt đó thôi. Với lại chúng ta là chế độ một đảng, đây là bức tường chắc chắn nên không lo”.

Đại biểu Thân cho rằng khi đề ra đặc khu kinh tế thì cứ làm thôi, sai đến đâu, sửa đến đến đấy. “Nhưng đã xây dựng đặc khu kinh tế thì phải có cơ chế đặc biệt”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Huyên, đoàn Thái Bình, cũng cho rằng đặc khu kinh tế là vấn đề mới với Việt Nam. Nếu là mới, đặc biệt thì sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, nên càng bàn càng đi xuống chứ không đi lên được.

“Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, chúng ta cứ ban hành để làm rồi sửa liên tục. Cứ phải làm cái đã thì mới biết phát sinh vướng mắc ở đâu. Nếu cần phải sửa thì họp Quốc hội bất thường cũng phải sửa. Giờ ngồi đây bàn thiệt hơn thì rất khó. Vấn đề này cần phải bàn ngay và sớm ban hành, nếu để chậm quá thì Việt Nam lại mất đi cơ hội”, đại biểu Huyên nêu quan điểm.

Có ý kiến về đặc khu kinh tế, đại biểu Huyên băn khoăn việc nên giao đặc khu cho địa phương hay trung ương quản lý. Hiện địa phương đang cho người đi học tập kinh nghiệm nước ngoài, đang triển khai những vấn đề liên quan, nếu đưa ra trung ương thì ai sẽ làm vấn đề này.

“Có nên để cho địa phương làm, xây dựng rồi trình lên trung ương xem xét, quyết định hay như thế nào? Rồi cả câu chuyện thuê chuyên gia tư vấn trong việc xây dựng đặc khu thế nào. Cần người làm hành chính hay chuyên gia độc lập. Đây là câu chuyện cần bàn”, đại biểu Huyên nêu quan điểm.

Còn về vấn đề thuê đất 99 năm, đại biểu Huyên cũng cho rằng không nên lo ngại. Ban đầu nhiều đơn vị yêu cầu được thuê 300 năm, nhưng ở Việt Nam không có cơ chế đấy nên để ở mức 99 năm, vì đây là đặc khu.

“Có nhiều lo ngại Trung Quốc sang thuê lâu như thế thì thế nào. Chủ quyền của chúng ta ra sao. Mất làm sao được, đất của mình ở đấy họ bê đi được mà mất. Nếu mất thì 1 – 2 năm cũng mất rồi cần gì đến 99 năm. Vấn đề cốt lõi là giữ được chủ quyền và quyền công dân, hiến pháp và an ninh quốc phòng khi triển khai đặc khu kinh tế”, đại biểu Huyên nhấn mạnh.

Không phải đặc khu kinh tế nào của Trung Quốc cũng thành công

Bàn về đặc khu kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đã bàn về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng tình với phương án 1 mà Chính phủ trình. Đó là không tổ chức HĐND, UBND và Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của chủ tịch UBND cấp tỉnh.

“Bởi như vậy sẽ tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị đặc khu kinh tế; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…”, đại biểu Cúc phân tích.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong, đoàn Bến Tre, cho rằng trong phương án này cần phải tính toán ra sao để việc giám sát của HĐND cấp tỉnh với đặc khu đi đúng hướng, không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ở khu vực đó, nhất là hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.

img

Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong.

Cũng đồng tình với phương án 1 mà Chính phủ trình, theo đại biểu Quốc hội Lê Quân, đoàn Hà Nội, chưa thực hiện nên chưa biết “chiếc áo rộng thế nào là vừa” nhưng nếu đưa quá nhiều ưu đãi, quyền hạn mà không kiểm soát được cũng sẽ dẫn đến lúng túng trong thực hiện.

“Nhưng cần trao thẩm quyền, quyền hạn cao cho trưởng đặc khu mới tạo điều kiện cho dùng người tài giỏi cũng như tạo đột phá cải cách hành chính”, đại biểu Quân nhận định.

Nói về đặc khu kinh tế, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đoàn Long An, cho biết Trung Quốc bắt đầu xây dựng đặc khu kinh tế từ năm 1979 và Thâm Quyến là một điển hình thành công khi phát triển từ một làng chài nghèo. Trung Quốc có 6 đặc khu kinh tế nhưng có cái thành công, có cái không thành công. Hiện Trung Quốc cũng đang muốn xây dựng thêm đặc khu kinh tế thành công như Thâm Quyến. Nhưng chọn hướng phát triển như thế nào cho phù hợp với từ đặc khu mới là câu chuyện quan trọng.

Do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh có 2 điểm quan trọng quyết định sự phát triển của đặc khu là lựa chọn hướng đi thu hút đầu tư ra sao và mô hình làm sao cho tốt, không bị vướng, trở ngại vì khi xảy ra tranh chấp, nước ngoài họ sợ nhất xử lý lòng vòng.

Bàn về các ưu đãi thuế, theo Phó Thủ tướng, các nước dành ưu đãi cả về đất đai với thời gian sử dụng cả mấy trăm năm, có nơi thiên đường thuế gần như bằng 0%… “Nước ta tiềm lực yếu, không có tiền đầu tư như các nước nên chỉ đầu tư mang tính chất vốn mồi và có chính sách thông thoáng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền đầu tư lớn vào đặc khu sản xuất, kinh doanh”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phân tích.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý phải lường trước những bất cập có thể phát sinh như: câu chuyện dân mất quyền sử dụng đất, khiếu kiện phát sinh, nước ngoài vào làm ăn trả lương không thỏa đáng khiến đình công, vấn đề an ninh quốc phòng… Do đó, chính sách thông thoáng nhưng cũng phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, không để chuyển giá…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem