"Văn hóa rượu bia mang tính hủ tục, càng dung túng thì tai nạn giao thông không thể giảm được"

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 28/11/2023 13:00 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) với PV Dân Việt trước việc vì sao cần cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe.
Bình luận 0

"Ở một số khu vực nông thôn, miền núi say ngất ngưởng, ép nhau từng chén rượu làm sao chịu nổi"

Trước ý kiến cho rằng không nên cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe thì có không ít chuyên gia có ý kiến trái ngược. Cụ thể, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu rõ, việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được tham khảo từ nhiều nước khác, trong đó có khoảng 20 quốc gia quy định cấm hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, tức là quy định "nồng độ cồn bằng 0". 

Vì sao có quy định chặt chẽ như vậy, ông Quang cho rằng mỗi quốc gia đều có quy định riêng để đảm bảo pháp luật. Việt Nam có vấn nạn uống rượu bia gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. 

"Văn hóa rượu bia mang tính hủ tục, một số khu vực nông thôn, miền núi say ngất ngưỡng, ép nhau từng chén rượu" - Ảnh 1.

CSGT Hà Nội tiến hành đo nồng độ cồn trên phố Yên Phụ tối ngày 27/11. Ảnh: Gia Khiêm

"Ở các nước phát triển rất ít sử dụng xe máy, mức độ quy định khác nhau nhưng ở Việt Nam cấm hoàn toàn rồi mà vẫn có người sử dụng rồi gây tai nạn liên hoàn. Văn hóa rượu, bia của Việt Nam có phần nào mang tính hủ tục. 

Ở một số khu vực nông thôn, miền núi say ngất ngưởng, ép nhau từng chén rượu thì làm sao chịu nổi. Nếu chúng ta không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia. Càng dung túng có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, người dân vẫn tiếp tục uống và như thế, tình hình tai nạn sẽ không thể giảm được", ông Quang nhấn mạnh.

"Văn hóa rượu bia mang tính hủ tục, một số khu vực nông thôn, miền núi say ngất ngưỡng, ép nhau từng chén rượu" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Chính vì vậy, ông Quang cho rằng cần phải có quy định "nồng độ cồn bằng 0" để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội và nếu cá nhân nào cũng thực hiện nghiêm thì xã hội hạn chế được vụ tai nạn giao thông, hạn chế được người chết và bị thương, các gia đình yên ấm. 

Ngay trong tháng đầu tiên Luật có hiệu lực, số ca tử vong do tai nạn giao thông đã giảm đến 40% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong 9 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 77 vụ (25,8%), giảm 99 người chết (50%) và giảm 49 người bị thương (22,6%). Không chỉ liên quan đến tai nạn giao thông, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, giúp xã hội an bình hơn.

"Không ít người dân cho rằng việc uống một chút rượu, bia sẽ không thể gây ra những tai nạn khi lưu hành phương tiện giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế dự phòng, một công bố của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia. 

Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu =0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thì đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh,… trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy uống rượu bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề", ông Quang nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Công an: "Bảo vệ tính mạng con người là trên hết"

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an ký nhấn mạnh, quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.

"Văn hóa rượu bia mang tính hủ tục, một số khu vực nông thôn, miền núi say ngất ngưỡng, ép nhau từng chén rượu" - Ảnh 3.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. Ảnh: P.H

Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ người lái xe sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi đi đường. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.

Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỉ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, báo cáo khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc xây dựng hai luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc này là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông…Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, trung bình cơ thể người có thể đào thải khoảng 12-14g cồn trong một giờ. Nếu uống 1 lon Heineken, sau 1 tiếng đồng hồ cơ thể sẽ hết men và người dân có thể lái xe ô tô mà không sợ phạm luật. Nếu uống nhiều hơn, hoặc uống loại rượu nặng hơn, thì phải đợi lâu hơn mới có thể tránh được phạt.

"Theo thống kê chưa đầy đủ, cứ 10 vụ tai nạn thì có tới hơn 1 người không bao giờ còn cơ hội đoàn tụ với gia đình, người thân nữa. Tai nạn giao thông không chỉ thiệt hại cho bản thân người lái xe mà còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của những người chung quanh", bác sĩ Trần Thị Hồng Thu nói.

Do đó, để an toàn cho bản thân, cho mọi người chung quanh, không vi phạm pháp luật, Bộ Y tế khuyến cáo tốt nhất đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu lái xe thì không uống rượu bia.

Còn nữa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem