Lái xe cố tình không ký vào biên bản xử lý nồng độ cồn, có bị xử phạt tăng nặng?

Quang Minh Chủ nhật, ngày 26/11/2023 09:26 AM (GMT+7)
Theo luật sư, dù lái xe không ký nhưng trong biên bản xử lý nồng độ cồn có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến xác nhận hoặc có ghi rõ lý do vào biên bản thì biên bản vi phạm hành chính vẫn có hiệu lực pháp luật.
Bình luận 0

Câu hỏi:

Bạn đọc Hồng Quân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Tôi thấy có một số trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn sau đó không chịu ký vào biên bản vi phạm. Vậy xin hỏi, với trường hợp này lái xe có thể bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho ha, quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 nêu rõ trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản vi phạm hành chính thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản;

Trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Mặt khác, tại khoản 8 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng nêu rõ, biên bản vi phạm hành chính được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Và là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 63 của Luật này và trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Lái xe cố tình không ký vào biên bản xử lý nồng độ cồn, xử lý sao? - Ảnh 1.

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Như vậy, theo luật sư Giang, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về nồng độ cồn nhưng không ký vào biên bản vi phạm hành chính mà trong biên bản đó có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến xác nhận hoặc có ghi rõ lý do vào biên bản thì biên bản vi phạm hành chính vẫn có hiệu lực pháp luật và là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm đã được lập biên bản.

Trường hợp, người vi phạm dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đâm, chém…làm cho người thi hành công vụ không thực hiện được nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi mà pháp luật cấm hoặc không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc họ phải làm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.

Với tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự; Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 02 năm đến 07 theo quy định tại khoản 2 Điều 330 Bộ luật hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem