Chủ nhật, 19/05/2024

Yêu chiếc khăn rằn Nam bộ

11/03/2023 1:00 PM (GMT+7)

Tôi yêu chiếc khăn rằn từ lần tham gia chiến dịch mùa hè xanh hồi đại học. Lần đó, thấy tôi đầu trần khiêng đất làm đường giao thông nông thôn, một cán bộ Xã đoàn Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã tặng chiếc khăn rằn cho tôi.

Lúc đó, chiếc khăn rằn giúp tôi che nắng, lau mồ hôi trên mặt. Nhìn tôi khoác khăn rằn, bác Tư - người nấu cơm cho chúng tôi ăn, nói lâu lắm rồi mới thấy con gái choàng khăn rằn như vậy.

Bác Tư kể, ngày xưa khăn rằn theo cha ông đi khai hoang, mở đất gắn liền với chiếc áo bà ba của người dân Nam bộ. Đàn ông, trai tráng thì cột khăn rằn ngang trán hay quấn cổ, cột ngang hông để thấm mồ hôi lúc lao động. Đàn bà, con gái thì đội gọn trên đầu trùm kín cả phần tóc và hai lỗ tai để khỏi nắng.

Do kích thước nhỏ gọn, chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi lại mau khô nên khăn rằn trở nên tiện dụng và gắn bó nhiều với người phương Nam.

Yêu chiếc khăn rằn Nam bộ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh (bìa trái) và các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giồng Riềng tặng khăn rằn cho Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tư, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng.


Chợt nhớ câu chuyện ngoại kể, hồi năm 1969, khi hay tin Bác Hồ mất, để che mắt kẻ thủ, các chị, các má đất U Minh đã khéo léo viền một đoạn vải trắng vào một góc khăn rằn để đội đầu và để tang cho Bác, thỏa tấm lòng của người dân miền Nam dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc đã đi xa.

Giờ đất nước hòa bình, chiếc khăn rằn để tang ấy vẫn được ngoại cất giữ cẩn thận trong hòm kỷ vật. Hôm rồi, ngày giỗ bác Hai, một mình ngoại ngồi lần giở lại chiếc hòm xưa cũ đó. Và mỗi lần lục tìm món đồ gì trong chiếc hòm đó, ngoại đều đem chiếc khăn rằn ra, mân mê và sụt sùi chậm nước mắt bằng chính chiếc khăn rằn đó như hồi hay tin bác Hai hy sinh trong rừng U Minh trong lúc tham gia chiến đấu.

Tôi hỏi ngoại sao vẫn giữ chiếc khăn ngày ấy, ngoại nhai trầu, móm mém cười: “Tổ cha mày, sao lần nào ngoại lấy khăn rằn ra ngắm nghía bây cũng hỏi vậy hết? Đó là kỷ vật mà con. Đó cũng là quá khứ khó quên con à...”. Nói xong, ngoại im ru, đôi mắt nhăn nheo dõi ra ngoài bờ dừa, nhìn xa xăm...

Tôi chợt nhớ, có lần ngoại nói: “Quá khứ có thể xếp lại, nhưng không được quên. Không có quá khứ thì chẳng bao giờ có hiện tại và tương lai...”.

Tối qua, nhà thơ Lê Bá Dương nhắn tin báo đã nhận được chiếc khăn rằn tôi gửi tặng. Ông là tác giả bài thơ nổi tiếng “Lời người bên sông”: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Nhà thơ Lê Bá Dương kể, chiếc khăn rằn của một người mẹ miền Nam tặng hồi ông ghé nhà thăm đã theo ông 20 năm, giờ đã cho một người bạn cũ. Người bạn cũ ấy là một thương binh. Trong lần tình cờ gặp lại, thấy nhà thơ Lê Bá Dương choàng chiếc khăn rằn, người thương binh ấy đã ngỏ ý xin chiếc khăn rằn, vì người đó bảo thấy chú choàng khăn rằn nên nhớ miền Nam quá, mà tật nguyền nên đi lại tìm mua không dễ. Vậy là ông đành tặng lại chiếc khăn rằn đã theo mình suốt 20 năm, xem như đó là món quà giúp người thương binh nhìn thấy được miền Nam đang rất gần.

Cách đây chưa lâu, tôi có dịp ra Thổ Chu - quần đảo phía Tây Nam của Tổ quốc thuộc địa bàn TP. Phú Quốc (Kiên Giang) theo hành trình “Tuổi trẻ cụm sông Hậu vì biển, đảo quê hương”. Phút trang nghiêm mà tôi vẫn không thể nào quên là mấy trăm đoàn viên, thanh niên áo đỏ sao vàng, thắt khăn rằn, thành kính trước đền thờ Thổ Châu, nơi đang thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; thờ hơn 500 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta từng bị Khmer Đỏ sát hại. Rồi những "chiếc khăn rằn" ấy tham gia vệ sinh môi trường, lắp đèn đường cho nhân dân ấp Bãi Ngự, xã đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc)...

Vô thức, tôi lấy tay áp khăn rằn vào tim mình, thấy tim mình đập mạnh, nhớ lại lời của ngoại: “Quá khứ có thể xếp lại, nhưng không được quên. Không có quá khứ thì chẳng bao giờ có hiện tại và tương lai...”. Khăn rằn có một quá khứ gắn bó từ thời mở đất, từ những năm máu lửa kháng chiến và nay khăn rằn quay trở lại như là một nối kết quá khứ - hiện tại và cả hiện tại - tương lai.

Tôi bỗng nhiên thấy yêu hơn chiếc khăn rằn đang mang trên cổ, vì thấy thấp thoáng bóng ngoại, bóng mẹ và những chiếc áo mang màu cờ.

Theo báo Kiên Giang

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Món ăn được làm từ sen - đặc sản Đồng Tháp

Món ăn được làm từ sen - đặc sản Đồng Tháp

Đặt chân đến Đất Sen hồng Đồng Tháp tại miền Tây sông nước, du khách không chỉ thích thú với những cánh đồng sen tỏa sắc mà còn bị hút hồn bởi các món ăn đặc sản được chế biến từ sen.

“Đã thèm” với lễ hội Bánh mì tại TP.HCM

“Đã thèm” với lễ hội Bánh mì tại TP.HCM

Lễ hội Bánh mì đang diễn ra tại TP.HCM thu hút rất đông người dân và du khách. Lễ hội năm nay thay đổi địa điểm tổ chức, kỳ vọng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị về ẩm thực cho khách tham quan.

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Vì sao Việt Nam nên "hãm phanh" trong phân khúc khách sạn, resort hạng sang?

Mỗi năm tại Việt Nam có đến gần 20 triệu phòng trống ở các khách sạn bốn và năm sao, theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank. Vì vậy, các chủ đầu tư cần đi chậm lại trong phân khúc này.

Lễ hội Bánh mì, nhớ đi bằng được!

Lễ hội Bánh mì, nhớ đi bằng được!

Chưa nước nào thống kê được, có bao nhiêu loại bánh mì, nói chi cả thế giới và số lượng không ngừng gia tăng. Điều chắc chắn, bánh mì phổ biến nhất, lâu đời nhất, được làm từ bột mì, trộn nước và nướng.

Cháo đậu cà, món ăn giải nhiệt hoài niệm của người Hà Nội

Cháo đậu cà, món ăn giải nhiệt hoài niệm của người Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều món ăn ngon, làm xiêu lòng biết bao thực khách. Trong đó, món cháo đậu cà bình dân ít người biết tới nhưng luôn là thức quà đặc biệt với người Hà Nội.

Giới trẻ TP.HCM chi gần chục triệu cho thú chơi matcha

Giới trẻ TP.HCM chi gần chục triệu cho thú chơi matcha

Không chỉ sẵn sàng chi 200.000 đồng cho ly matcha cao cấp 100 ml, nhiều người trẻ đầu tư gần chục triệu đồng để sở hữu dụng cụ tự pha chế tại nhà.